Xã hội

Bỏ cộng điểm nghề đối với học sinh là phù hợp

Bộ GD-ĐT vừa dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Trong đó có phương án bỏ cộng điểm khuyến khích đối với học sinh học nghề khi đăng ký tuyển sinh vào các lớp 10 và tốt nghiệp THPT.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch. Ảnh: N.Liên
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch. Ảnh: N.Liên

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết thời gian qua, công tác đào tạo nghề đã giúp học sinh có những nhận biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp. Từ đó học sinh có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để chọn hướng phát triển phù hợp với bản thân khi tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp… 

 Thưa ông, công tác dạy nghề cho học sinh THCS và THPT trên địa bàn tỉnh thời gian qua có bảo đảm hiệu quả đề ra; mỗi năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp nghề có đáp ứng được yêu cầu; chất lượng đào tạo có giúp học sinh nhận thức đúng đắn về hướng đi của các em sau này?

- Ngoài các môn học văn hóa thì việc giáo dục nghề phổ thông (gọi tắt là giáo dục nghề) trong nhà trường nhằm hướng dẫn cho học sinh hiểu được một số kiến thức cơ bản về công cụ, kỹ thuật, quy trình công nghệ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường đối với những nghề cơ bản. Qua đó hình thành cho học sinh những kỹ năng sử dụng công cụ, thực hành kỹ thuật cũng như nhu cầu vận dụng kiến thức trong lao động. Từ đó giúp các em có thói quen làm việc có kế hoạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, có ý thức tìm hiểu và lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân trong tương lai.

Hàng năm, Đồng Nai có hơn 50 ngàn học sinh tham gia học nghề (lớp 11 hệ THPT, lớp 8 khối THCS) với các môn từ 4-6 nghề. Mỗi năm, số học sinh dự thi để lấy chứng nhận nghề đạt 95%, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99%. Nhìn chung, việc học sinh thi lấy chứng nhận trên tinh thần tự nguyện và số đông tham gia dự thi là do vấn đề cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi THPT quốc gia.

 Những thông tin ở các trung tâm hướng nghiệp những năm qua cho thấy các ngành nghề để học sinh lựa chọn khá đa dạng. Tuy nhiên, nhiều trường lại hướng học sinh vào những lĩnh vực dễ học, dễ thi và dễ đạt được điểm cộng hơn. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

- Thực tế, ngoài các nghề quy định trong khung chương trình của Bộ GD-ĐT thì các trường vẫn có thể xây dựng kế hoạch giảng dạy một số nghề phù hợp với hoàn cảnh, xu thế phát triển và nhu cầu xã hội hiện tại hoặc thời gian tới.

Thời gian qua, Sở GD-ĐT thường xuyên phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh phía Nam và Liên đoàn các doanh nghiệp Na Uy (NHO) tổ chức giảng dạy hướng nghiệp cho học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn huyện Long Thành. Việc hướng nghiệp cho học sinh trong trường phổ thông theo giáo trình này bước đầu đạt chất lượng khá tốt, tạo tin cậy trong dư luận. Chắc chắn mô hình này sẽ được nhân rộng đến các trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới…

Tuy nhiên, xét về góc độ các điều kiện để triển khai thì còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, đội ngũ giảng dạy phần lớn kiêm nhiệm, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy nghề chưa đáp ứng, việc phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp hay các trường nghề trên địa bàn thiếu chủ động… Do đó, dù có muốn đa dạng nghề cũng khó đáp ứng.

Hơn nữa, lâu nay giá trị của chứng nhận nghề là được cộng điểm nên học sinh thường sẽ chọn nghề dễ học, dễ lấy điểm cao trong kỳ thi, điều này dẫn đến vấn đề chọn nghề hay chất lượng dạy và học nghề còn hạn chế.

 Một số giáo viên đã từng tham gia giảng dạy nghề ở trung tâm hướng nghiệp cũng như trường học, cho biết giáo trình học nghề chỉ mang tính hình thức, còn kết quả học tập không như mong muốn. Nói cách khác, học sinh tốt nghiệp nghề xong, nhận chứng chỉ rồi… quên hết. Đáng chú ý là kết quả học nghề không liên quan gì trong quá trình học trên THPT, chẳng giúp gì cho các em trên đường đời sau này. Ông giải thích điều này ra sao?

- Như đã nói, giáo dục nghề trong nhà trường nhằm hướng học sinh hiểu được một số kiến thức cơ bản đối với những nghề thông thường nhằm từng bước giúp học sinh biết đặc điểm và yêu cầu của các nghề đó. Thực tế, bước đầu học sinh được làm quen và vận dụng kiến thức nghề đã học để giải quyết một số vấn đề thực tiễn cơ bản. Chẳng hạn, học điện gia dụng thì các em có thể giải thích được một số hiện tượng, giải quyết được một số sự cố đơn giản về điện; học thêu giúp các em có thể tự thêu bảng tên, thiết kế hoa văn trên đồng phục hay cặp sách… Việc đòi hỏi học sinh lành nghề chỉ có thể đạt được khi học sinh theo học ở các trung tâm, các trường chuyên trách với thời gian tập trung hợp lý hơn.

Tôi cho rằng chủ trương giáo dục nghề trong thời gian qua là không thừa. Mỗi giai đoạn có nhu cầu và điều kiện đáp ứng khác nhau. Tất nhiên, ở thời kỳ khi hệ thống trường nghề với đa ngành đã đủ năng lực đảm trách công việc này thì trường phổ thông cũng nên kết thúc nhiệm vụ giáo dục nghề của mình để tập trung vào công tác hướng nghiệp cho học sinh.

 Theo ông, dự thảo bỏ cộng điểm cho học sinh tuyển sinh vào lớp 10 của Bộ GD-ĐT có hợp lý? Đồng Nai đã lên kế hoạch gì trong việc nâng cao chất lượng dạy và học nghề đối với học sinh nhằm bảo đảm đúng định hướng, mục tiêu hướng nghiệp trong thời gian tới?

- Mục đích cốt lõi của giáo dục nghề ở cấp học phổ thông không phải để được cộng điểm trong các kỳ thi. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phát sinh một số bất cập. Ngoài ra, những năm gần đây vấn đề thi tuyển đầu cấp được thực hiện khách quan và công bằng đối với mọi học sinh cũng như cách tính điểm tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia được xét hợp lý…

Từ các cơ sở trên, tôi cho rằng việc bỏ cộng điểm khuyến khích là phù hợp. Tuy nhiên, để thực hiện việc bỏ điểm cộng cần có thời gian, tránh gây dư luận không tốt. Ví dụ, phần lớn năm học này học sinh đã có chứng nhận tốt nghiệp nghề nên nếu áp dụng ngay thì chứng chỉ đó không biết để làm gì nếu không được cộng điểm như các năm trước.

 Xin cảm ơn ông!

Ngọc Liên (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,350,518       263