Xã hội

Không chủ quan với bệnh tai mũi họng

Hiện nay thời tiết thay đổi thất thường, lúc nắng lúc mưa đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó có bệnh tai mũi họng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang thăm khám cho một bệnh nhi bị tai mũi họng.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang thăm khám cho một bệnh nhi bị tai mũi họng.

Từ tháng 8-2017 đến nay, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị các bệnh tai mũi họng tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày có từ 100-120 bệnh nhi đến khám ngoại trú, tăng từ 30-40% so với trước đây, chủ yếu là các bệnh viêm mũi họng cấp, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm VA…

Bác sĩ Ngô Văn Phan, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết tai mũi họng là cơ quan lân cận não. Bất cứ nhiễm trùng nặng ở tai mũi họng nếu không được kiểm soát sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn đi lên não. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ mắc các bệnh tai mũi họng, nhất là các bệnh viêm tai giữa cấp và mãn tính, viêm tai xương chũm cấp hay mạn tính, rất dễ dẫn đến viêm màng não nếu không điều trị dứt điểm.

Phòng bệnh tai mũi họng hữu hiệu

Bác sĩ Ngô Văn Phan, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết cách hữu hiệu nhất trong phòng ngừa bệnh tai mũi họng là thường xuyên rửa tay cho trẻ và người chăm sóc trẻ bằng xà phòng; giữ ấm cơ thể cho trẻ, chú ý vệ sinh vùng mũi cho trẻ bằng nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày;  giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, không để trẻ tiếp xúc với bụi bẩn; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận và điều trị cho một số ca viêm tai xương chũm xuất ngoài (dịch mủ dò ra ngoài xương chũm), nghi ngờ có biến chứng viêm não. Các ca này điều trị rất khó khăn, thông thường phải chuyển lên tuyến trên vì nếu để lâu ngày có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như: viêm màng não, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch trong sọ, viêm các xương xung quanh hộp sọ, liệt dây thần kinh vận động cơ mặt làm méo mặt, áp-xe cổ hay áp-xe quanh họng rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tai xương chũm xuất ngoài là từ viêm tai xương chũm mãn và cấp tính, viêm tai giữa mãn và cấp tính. Do đó, theo bác sĩ Ngô Văn Phan, phụ huynh cần lưu ý cách phòng bệnh. Nếu không may đã bị biến chứng viêm tai giữa, phải đến ngay thầy thuốc tai mũi họng để khám và điều trị. Trong điều trị phải uống thuốc đúng liều lượng và thời gian bác sĩ chỉ định. Vì nếu điều trị không đúng phác đồ, bệnh kéo dài dai dẳng dễ gây các biến chứng nguy hiểm.         

An An (ghi)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,508,340       674