Đầu năm học là thời điểm các trường công bố các khoản thu và phụ huynh chính là những người phải có nghĩa vụ đóng góp cho con em mình. Nhiều khoản đóng góp đầu năm học cộng lại có thể lên tới cả triệu đồng.
Học sinh Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) mang ghế do cha mẹ tự mua sắm tới trường để ngồi trong các buổi chào cờ đầu tuần.Ảnh: C.Nghĩa |
Với những phụ huynh có từ 2 - 3 con cùng đi học một lúc, nhất là học ở các trường ngoài công lập thì số tiền phải đóng góp đầu năm thực sự là một gánh nặng.
* Nỗi lo tiền trường
Theo phản ánh của phụ huynh có con em học tại Trường THCS-THPT Bàu Hàm (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom), tại hội nghị cha mẹ học sinh đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp thông báo việc phải đóng góp 10 khoản thu chính thức cho trường và một số khoản cho lớp. Tổng số tiền phụ huynh phải đóng nếu có con học bậc THCS là trên 1,7 triệu đồng và THPT là hơn 1,8 triệu đồng.
Giảm thu và giãn thu để giảm bớt áp lực cho phụ huynh Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết trước khi học sinh tựu trường, Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT và các trường THPT trong tỉnh thực hiện việc thu các khoản đóng góp đầu năm. Với những khoản đóng góp lớn có thể giãn thu, chia ra thu thành nhiều lần, trong đó có khoản bảo hiểm y tế, học phí. Các trường không được tự ý đưa ra các khoản thu không phù hợp, phải lấy ý kiến phụ huynh trên tinh thần tự nguyện, thực hiện công khai sử dụng các nguồn thu. |
Các khoản thu mà Trường THCS-THPT Bàu Hàm thông báo tới phụ huynh gồm có: học phí của học kỳ I, bảo hiểm y tế, học thêm, đồng phục hàng ngày và đồng phục học thể dục, giấy thi, thuê người quét dọn vệ sinh trường, bảo hiểm tai nạn, tiền báo, sổ liên lạc điện tử, ủng hộ quỹ và quỹ khuyến học. Các khoản khác gồm: ghế nhựa, sổ học bạ, quỹ lớp và cắm trại, sổ liên lạc, phù hiệu học sinh; riêng học sinh khối 6 còn phải đóng thêm tiền mua ghế đá.
Điều phụ huynh lo lắng là bởi đầu năm học đã phải mua sắm cho con em mình nhiều loại sách vở, đồ dùng học tập khá tốn kém, nay lại phải đóng các khoản thu của nhà trường. Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Bàu Hàm Hoàng Văn Bắc cho biết: “Kế hoạch thu đầu năm học được hiệu trưởng cũ triển khai. Tôi mới về trường nhận nhiệm vụ từ ngày 1-9, được hiệu trưởng cũ bàn giao cho trên 350 triệu đồng tiền thu bảo hiểm y tế và trên 350 triệu đồng thu tiền học thêm học kỳ I, các khoản thu khác tôi chưa kịp rà soát lại để nắm tình hình”.
Trong khi đó, chị Đặng Thị Mai có con học lớp 4 Trường tiểu học Phú Ngọc B (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), cho biết: “Đầu năm học mới, tôi phải lo đóng tiền trường cho con trên 1,2 triệu đồng. Số tiền này khá nhiều so với hoàn cảnh khó khăn và thu nhập của gia đình tôi”. Ngoài đóng góp tiền trường, chị Mai còn phải lo thêm tiền mua sắm sách vở, giày dép… cho con tốn thêm cả triệu đồng. Để có tiền đóng góp, trong thời gian nghỉ hè con của chị Mai là em Đặng Thị Huỳnh Như phải tranh thủ phụ chị chèo ghe giao cá cho khách ở bến cá dưới chân cầu La Ngà.
Em Đinh Thị Huỳnh Như, học sinh Trường tiểu học Phú Ngọc B (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán), tranh thủ phụ mẹ giao cá để có tiền đóng học đầu năm. |
* Cân nhắc các khoản thu
Theo tìm hiểu tại một số trường, ngoài các khoản thu chính là học phí và bảo hiểm y tế, nhiều trường đã đưa ra các khoản thu khác và mức thu cũng khác nhau. Cụ thể, là sổ học bạ có trường chỉ thu 6 ngàn đồng, nhưng có trường lại thu tới 20 ngàn đồng; giấy thi cho các kỳ thi trong năm học có trường chỉ thu 6,5 ngàn đồng, nhưng có trường lại thu tới 40 ngàn đồng; thẻ học sinh có trường chỉ thu 6 ngàn đồng, nhưng có trường lại thu tới 20 ngàn đồng. Có những khoản thu nhà trường có thể triển khai sau để giảm áp lực tài chính đầu năm học cho phụ huynh, nhưng lại gom thu ngay đầu năm học…
Nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn về việc tiếp tục thu và sử dụng tiền của nhiều loại quỹ mỗi khi vào năm học mới, điển hình nhất là quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, quỹ lớp, quỹ khuyến học... Chỉ riêng quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh đã có tới 2 loại khác nhau, đó là quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh cấp trường và quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Trong đó, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh ở trường thường do ban giám hiệu các trường cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh quyết định mức thu, phụ huynh không được đóng góp ý kiến; còn quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp thì được ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất trên cơ sở tự nguyện.
Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) Bùi Thị Kim Huê, địa bàn xã còn nhiều học sinh khó khăn nên việc thu các khoản đầu năm học nhà trường rất cân nhắc. Nhiều khoản đóng góp lớn nếu được thì có thể giãn ra thu làm nhiều lần. Những thứ phụ huynh có thể tự mua sắm cho con mình thì để phụ huynh tự giải quyết, thay vì trường đứng ra thu tiền để mua như: đồng phục, ghế nhựa, ảnh dán thẻ… Trường chỉ đưa ra quy định về màu đồng phục và loại ghế nhựa để phụ huynh biết và mua sắm.
Còn Trưởng phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc Thân Anh Thiết cho biết ngoài các khoản thu đầu năm học là học phí và bảo hiểm y tế theo quy định của toàn ngành, phòng đã đề nghị các trường từ mầm non tới THCS hạn chế các khoản thu khác, hoặc có mức thu, thời gian thu phù hợp. Việc thu các khoản hạn chế ảnh hưởng tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, làm cho học sinh có tâm lý lo lắng khi cha mẹ chưa có tiền đóng ngay. Với học sinh thuộc diện hộ nghèo, mồ côi cha mẹ thì các trường đề xuất các hình thức hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí để học sinh yên tâm học tập, tránh tình trạng không có tiền đóng góp mà bỏ học...
Công Nghĩa