Xã hội

Gia tăng bệnh rối loạn tiêu hóa

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2017 vừa qua, toàn tỉnh có 119 ca khám cấp cứu ngộ độc thức ăn, tăng đến 147% so với năm 2016, chủ yếu do rối loạn tiêu hóa.

Thức ăn đường phố không được che đậy khiến thực phẩm dễ nhiễm vi sinh. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra một trạm dừng chân ở TX.Long Khánh. Ảnh: A.An
Thức ăn đường phố không được che đậy khiến thực phẩm dễ nhiễm vi sinh. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra một trạm dừng chân ở TX.Long Khánh. Ảnh: A.An

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, với thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay cũng dễ làm vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa phát triển mạnh mẽ, nếu ăn uống không cẩn thận rất dễ bị mắc các bệnh về tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp...

Bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết nguyên nhân rối loạn tiêu hóa phần lớn do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi sinh. Cụ thể, như thức ăn để lâu ngày, không được bảo quản tốt, được hâm đi hâm lại nhiều lần hoặc ăn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh dễ dẫn đến nhiễm các vi khuẩn đường tiêu hóa có trong thức ăn, nước đá. Việc ăn uống thực phẩm chứa quá nhiều đồ ngọt, nhiều tinh bột cũng dẫn đến hiện tượng lên men tăng mạnh gây ra đầy hơi, khó tiêu.

Hội chứng rối loạn tiêu hóa gây ra do sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ tiêu hóa. Hội chứng hoàn toàn không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên lại gây khó chịu vì gây ra đau bụng và thay đổi vấn đề đại tiện. Chế độ ăn uống là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Triệu chứng tiêu biểu của bệnh rối loạn tiêu hóa là đầy hơi, sình bụng và đau bụng. Các cơn đau bụng với mức độ tùy vào từng cá nhân, từ đau nhẹ đến đau quằn quại. Người bệnh có thể đau nhẹ và liên tục hoặc co thắt thành từng cơn. Một số ít trường hợp có thể đau lan ra sau lưng.

Để phòng bệnh rối loạn tiêu hóa, theo bác sĩ Đinh Cao Minh, tốt nhất nên ăn uống ở nhà, ăn chín uống chín; chọn thực phẩm kỹ, có nguồn gốc rõ ràng; hạn chế ăn các đồ ăn vỉa hè, đồ ăn chiên rán, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh. Chú ý, bảo quản thực phẩm đồ ăn trong tủ lạnh cần được đậy kín, bọc cẩn thận. Sau khi đưa ra ngoài tủ lạnh cần đun nóng để tiêu diệt vi sinh có trong thực phẩm, đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hóa.

Cần phải xây dưng chế độ ăn khoa học, kết hợp nhiều loại thực phẩm để tạo ra sự cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể. Trong chế độ ăn cần chú ý rau xanh, bổ sung chất xơ và vitamin cho cơ thể. Tránh ăn quá nhiều đường, chất ngọt, béo. Ngoài ra, xây dựng giờ giấc ăn uống khoa học, có lịch trình cụ thể. Chú ý không ăn uống thất thường, không ăn quá no hoặc để bụng quá đói ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

An An (ghi)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,049,635       67