Xã hội

Hành chính công thời @

Ngày nay, khi thực hiện những giao dịch, dịch vụ hành chính công, người dân đã không cần phải đến tận trụ sở của các sở, ban ngành để nộp hoặc điền những văn bản, biểu mẫu…, mà chỉ cần ngồi tại nhà click chuột...

Ngày nay, khi  thực hiện những giao dịch, dịch vụ hành chính công, người dân đã không cần phải đến tận trụ sở của các sở, ban ngành để nộp hoặc điền những văn bản, biểu mẫu…, mà chỉ cần ngồi tại nhà click chuột...

Bài 1:  Dịch vụ hành chính công trực tuyến: Đã gần dân hơn

Chính nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các dịch vụ hành chính công và nhờ môi trường mạng, không chỉ góp phần giải quyết được tình trạng chầu chực, đợi chờ, mà còn giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc và đặc biệt là hạn chế được chuyện bị vòi vĩnh, nhũng nhiễu…

* Đem dịch vụ công đến… tận nhà

Với sự bùng nổ công nghệ thông tin và môi trường mạng ngày càng được ứng dụng rộng rãi, dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ... Như vậy, người dân, doanh nghiệp không cần phải đến hoặc chỉ phải đến 1 lần duy nhất để thanh toán lệ phí và nhận kết quả tại bộ phận “một cửa” của đơn vị.

Giao diện của Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh được thiết kế đơn giản để người dân dễ dàng sử dụng
Giao diện của Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh được thiết kế đơn giản để người dân dễ dàng sử dụng

Được thành lập từ đầu năm 2016 với sự chủ trì của Sở Nội vụ và phối hợp điều hành quản lý bởi Sở Thông tin – Truyền thông, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã trở thành công cụ hữu hiệu để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội giao dịch với các cơ quan nhà nước một cách thuận lợi và minh bạch. Điều này đã góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, kích thích phát triển công nghệ thông tin, hình thành hạ tầng Chính phủ điện tử mạnh ở địa phương.

Hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã và đang cung cấp hàng trăm dịch vụ công qua mạng. Người dân có thể truy cập và  được cung cấp thông tin văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương chính sách về thông tin kinh tế, xã hội và thị trường; cung cấp dịch vụ đăng ký, cấp phép xuất nhập khẩu trực tuyến; cung cấp dịch vụ khai báo thuế trực tuyến; cung cấp dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến…

Là người từng sử dụng giao dịch dịch vụ công từ Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, ông Mai Thành Tiến (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa) cho biết: “Trước đây khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, tôi phải đến tận văn phòng của Sở kế hoạch - đầu tư để làm thủ tục, rồi chờ đợi. Bây giờ, sử dụng đăng ký kinh doanh qua mạng rất thuận lợi. Tôi chỉ cần mở máy và làm theo quy trình đăng ký được hướng dẫn, trong 3 ngày thôi giấy chứng nhận đã được đưa về tận nhà qua đường bưu điện với cước phí 25 ngàn đồng. Bây giờ người dân, doanh nghiệp sử dụng mạng nhiều, vì thế Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh rất thuận tiện, thủ tục nhanh gọn, chính xác… người dân, doanh nghiệp không phải chuẩn bị hồ sơ giấy, đi nộp, bổ sung rườm rà như trước”.

Để biết tiến trình xử lý hồ sơ của mình, người dân cung cấp số biên nhận rồi tra cứu để xem hồ sơ đang được giải quyết đến khâu nào
Để biết tiến trình xử lý hồ sơ của mình, người dân cung cấp số biên nhận rồi tra cứu để xem hồ sơ đang được giải quyết đến khâu nào

Việc đăng ký làm giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất ở vốn là một trong những thủ tục nhiêu khê. Để thuận lợi, nhiều người dân đã đến với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh để làm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất qua mạng điện tử. Chị Lê Thị Lài, một người dân ở xã Hóa An (TP. Biên Hòa)  rất ngạc nhiên và không nghĩ sử dụng dịch vụ mạng để đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở lại dễ dàng đến thế. Bà Lài cho biết: “Quy trình nhanh gọn, thủ tục đơn giản và hoàn toàn dễ dàng trong tra cứu, theo dõi, kiểm tra tiến độ cấp giấy. Chỉ trong chưa đầy một tuần kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, tôi đã có trong tay giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mới tên mình”.

* Tra cứu dễ dàng, giao dịch thuận lợi

Hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã tích hợp dịch vụ hành chính công của 20 sở, ngành và 11 huyện, thị  xã và thành phố. Tại đây người dân rất dễ dàng tra cứu và thực hiện các giao dịch hành chính công trực tuyến tại cổng thông tin này.

Sau khi đăng nhập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh, người dùng muốn đăng  ký sử dụng dịch vụ của sở, ngành nào thì chỉ cần click chuột vào đơn vị đó, một danh sách các dịch vụ hiện ra và người dân có thể chọn lựa dịch vụ  cần giao dịch bằng cách điền thông tin vào mẫu đăng ký,  gửi đi, đồng thời nhận lại ngay số biên lai hồ sơ. Để tiện liên lạc người dân cung cấp thêm số điện thoại hoặc e-mail cá nhân để cơ quan chủ dịch vụ thông báo trong trường hợp cần bổ sung thông tin, giấy tờ cho thủ tục. Nếu muốn nhận kết quả qua đường bưu điện, người dân chỉ cần đăng ký dịch vụ và yên tâm chờ kết quả được chuyển về tận nhà.

Danh sách dịch vụ của từng sở, ngành công khai minh bạch và người dân chỉ cần click chuột, chọn và hoàn thành việc đăng ký của mình
Danh sách dịch vụ của từng sở, ngành công khai minh bạch và người dân chỉ cần click chuột, chọn và hoàn thành việc đăng ký của mình

Theo ông Phạm Văn Huyên, Trưởng phòng công nghệ thông tin (Sở Thông tin - truyền thông) - đơn vị “trực cổng” tiếp nhận các đăng ký giao dịch của người dân tại Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh cho biết: “Nếu trước đây, hồ sơ thủ tục gửi đi, người dân chỉ biết chờ khi nào cơ quan đó báo đến nhận kết quả hoặc bổ sung những giấy tờ cần thiết, còn không biết quy trình, tiến trình hồ sơ của mình được giải quyết đến đâu…giờ đây người dân hoàn toàn có thể tra cứu và biết hồ sơ của mình đang được xử lý đến đâu, kết quả ra sao và thời gian hồ sơ hoàn tất. Khi đã có kết quả, người dân sẽ được nhắn tin hoặc gửi e-mail báo mời đến nhận hoặc chuyển đến tận nhà qua đường bưu điện nếu đăng ký dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Thông tin – truyền thông, hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh  đang vận hành thông suốt, nhiều chuyên mục được bổ sung, hiệu chỉnh và làm mới, bảo đảm thông tin đầy đủ theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP về đẩy mạnh công tác minh bạch thông tin, đáo ứng nhu cầu tìm hiểu, khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp. Cơ sở dữ  liệu được thường xuyên hiệu chỉnh, xây dựng và cập nhật trên cổng với hơn 1.800 tin bài, hình ảnh, văn bản… Bảo đảm thông tin kịp thời các chỉ đạo, điều hành, các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

Theo thống kê của bộ phận “trực cổng”, 11 tháng của năm 2016, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã tiếp nhận 786.036 lượt giao dịch. Trong số  733,260 hồ sơ đã được giải quyết  (đạt 94,8%), có 71% số hồ sơ hoàn thành trước hạn, chỉ có 8,1% số hồ sơ bị trễ hạn. Cũng theo thống kê của bộ phận này, số lượt truy cập và đăng ký giao dịch trực tuyến nhiều nhất là Sở tài nguyên – môi trường với 19.541 hồ sơ giao dịch; kế đến là Sở kế hoạch - đầu tư với 13.506 hồ sơ; Ban quản lý các khu công nghiệp là 11.156 hồ sơ; Sở giao thông vận tải 5.901 hồ sơ; Sở Tư pháp và Sở Y tế lần lượt là 4.595 và 4.034 hồ sơ…

Không chỉ có các giao dịch hành chính công trực tuyến cấp sở ngành, mà Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh còn tiếp nhận các giao dịch cấp huyện và cấp xã. Cũng trong 11 tháng của năm, số lượt truy cập và giao dịch với huyện Nhơn Trạch nhiều nhất với 30.558 lượt; kế đến là TP. Biên Hòa  với 30.282 lượt, huyện Long Thành là 18.554 lượt và Xuân Lộc 17.337 hồ sơ. Riêng cấp xã, phường Tân Hiệp (TP. Biên Hòa) đứng đầu số lượt giao dịch với gần 14.000 lượt; thấp nhất là phường Xuân An (TX. Long Khánh) chỉ với 6.623 lượt, trong đó xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) có số hồ sơ giải quyết trễ hạn nhiều nhất với 2.140/8.048 hồ sơ.

Mặc dù mới đi vào hoạt động chưa đầy một năm, nhưng Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã trở thành điểm giao dịch đáng tin cậy và thuận lợi cho người dân. Điều này không chỉ đẩy mạnh chương trình Chính phủ điện tử của tỉnh mà còn góp phần vào việc xóa bỏ cơ chế “xin – cho” từ phía cơ quan, cán bộ giải quyết dịch vụ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân không bị nhũng nhiễu, vòi vĩnh, làm tiền khi các yêu cầu, thủ tục cũng như tiến độ giải quyết hồ sơ được công khai minh bạch.

Bài và ảnh: Phương Liễu

Xem tiếp Bài 2: Trang thông tin điện tử: Trăm hoa đua nở

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,549,321       956