Xã hội

Ớn với nhà vệ sinh trường học

Nhiều học sinh sau khi tan trường đều hối thúc cha mẹ mau chóng đưa về nhà để đi vệ sinh. Khi cha mẹ hỏi: "Sao con không đi vệ sinh ở trường?", nhiều em không ngần ngại nói thẳng: "ớn lắm!".

Nhiều học sinh sau khi tan trường đều hối thúc cha mẹ mau chóng đưa về nhà để đi vệ sinh. Khi cha mẹ hỏi: “Sao con không đi vệ sinh ở trường?”, nhiều em không ngần ngại nói thẳng: “ớn lắm!”. 

Phần lớn học sinh Trường THCS thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) vào nhà vệ sinh chỉ để rửa tay. Nhà vệ sinh Trường THCS thị trấn Long Thành hư chốt, bể kính cửa khiến học sinh ngại vào.
Phần lớn học sinh Trường THCS thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) vào nhà vệ sinh chỉ để rửa tay. Nhà vệ sinh Trường THCS thị trấn Long Thành hư chốt, bể kính cửa khiến học sinh ngại vào.

Thậm chí, để hạn chế tối đa việc đi vệ sinh tại trường, nhiều em đã “nín” hoặc nhịn ăn hoặc uống nước để không phải đi tiêu, tiểu.

Mắc… ói hơn mắc tiểu

Những năm gần đây, dù các trường đã cố gắng dọn dẹp nhà vệ sinh trong trường học, song hầu như mỗi lần vào đó trở thành nỗi kinh hoàng đối với học sinh bởi mùi hôi thối nồng nặc.

Nói về nhà vệ sinh, ở trường, T.L., học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Đức Ứng (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành), khẳng định từ đầu niên học tới giờ em chưa một lần dám bước chân vào đó. L. cho biết do nhà vệ sinh rất dơ dáy và bốc mùi “kinh khủng muốn ói” nên em cũng như nhiều bạn khác chưa một lần đặt chân đến. Để hạn chế chuyện đi vệ sinh, L. rất ít uống nước khi đến lớp. Mỗi lần có nhu cầu đó, L. thường phải “nín” chờ tan học để về nhà… giải tỏa. Theo mẹ của L., bà đã nhiều lần thấy con đi học về là hớt hải chạy thẳng vào toa lét. Hỏi mới biết vì không dám đi vệ sinh trong trường nên buộc “bấm bụng”… nhịn. “Sợ con bé bị bệnh nên tôi khuyên cháu phải đi chứ không nên chịu đựng. Tuy nhiên, cháu không nghe và nói nhà vệ sinh ở trường đã hôi thối lại không an toàn nên không dám vào. Năm học nào nhà trường cũng kêu gọi phụ huynh đóng tiền thuê nhân công dọn vệ sinh hàng tháng, nhưng không hiểu sao nơi ấy vẫn không sạch. Tôi hy vọng tình trạng này sớm kết thúc để nhà vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh của học sinh khi đến trường nữa” - mẹ của L. chia sẻ.

Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết hàng năm vào dịp đầu năm học mới, Sở thường tổ chức họp, kiểm tra công tác chuẩn bị của các trường, qua đó nhắc nhở chung việc chú trọng giữ vệ sinh trong trường học. Để tạo nguồn kinh phí bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, nhất là nhà vệ sinh, các trường phải chủ động kêu gọi bằng nguồn xã hội hóa để thực hiện.

Tình trạng học sinh không dám đi vệ sinh tại các trường học đã tồn tại từ lâu. Thời gian gần đây, dù được quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này, nhưng trên thực tế học sinh vẫn còn… sợ mỗi lần bước chân vào khu vực “nhạy cảm” ấy; trường hợp không thể nhịn, đành bịt mũi tiểu tiện rồi bỏ chạy ra ngoài. Không chỉ “ô nhiễm”, khá nhiều nhà vệ sinh của trường học còn bị hư cửa, bể kiếng nên không an toàn cho học sinh, nhất là nữ, do đó phần lớn khi có em vào nhà vệ sinh chỉ để rửa tay.

Qua khảo sát của chúng tôi, nhà vệ sinh của một số trường tiểu học và THCS ở TP.Biên Hòa cũng bốc mùi hôi rất khó chịu.

Xã hội hóa chưa hiệu quả

Lâu nay, hầu như các trường học đều không có kinh phí cho việc thuê nhân công dọn nhà vệ sinh. Chính vì vậy, vào đầu niên học các trường đều kêu gọi phụ huynh đóng góp khoản chi này với mức thu từ 30-80 ngàn đồng/năm học; trường có trên 3 ngàn học sinh thì mỗi phụ huynh đóng 70 ngàn đồng/năm học. Tuy nhiên, nhà vệ sinh ở hầu hết các trường học đều chưa đảm bảo sạch sẽ mà bốc mùi hôi thối ngay khi mới đến trước cửa.

Trong khi đó, chia sẻ về việc khắc phục tình trạng nhà vệ sinh thường bốc mùi như phản ảnh của học sinh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Cao Sang cho biết trường hiện có 8 khu phòng vệ sinh, phục vụ cho hơn 3,3 ngàn học sinh. Những năm trước do thiếu nhân công nên việc dọn dẹp các khu nhà vệ sinh chưa được như ý muốn. Từ năm học 2016-2017, nhà trường được Ban đại diện cha mẹ học sinh và mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí nên đã thuê thêm nhân công. Hiện nay, trường có 2 lao động chuyên dọn dẹp nhà vệ sinh, 2 người quét dọn sân trường và hành lang lớp học. Song, do ý thức của một số học sinh chưa cao nên vẫn còn tình trạng mất vệ sinh, gây mùi hôi trong khu nhà vệ sinh của trường. “Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở các em phải ý thức giữ vệ sinh chung, nhưng nhiều em chưa thực hiện tốt. Vào giờ giải lao giữa buổi, vì nhu cầu vệ sinh nhiều hơn nên đôi khi nước xả không kịp cũng dẫn đến mùi hôi. Hiện đã có mạnh thường quân hỗ trợ hệ thống xả nước tự động cho nhà vệ sinh nam, chúng tôi đang vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí lắp đặt thêm cho nhà vệ sinh nữ để có đủ nước phục vụ” - bà Sang nói.

Có thể nói, các bậc phụ huynh chắc chắn không ngần ngại đóng góp vào việc nâng cấp trường lớp, nhất là nhà vệ sinh, để học sinh có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn. Thế nhưng, vì sao hàng năm khoản hỗ trợ xã hội hóa để làm sạch nhà vệ sinh trường học mà học sinh vẫn kêu “ô nhiễm”? Vấn đề này không ít phụ huynh thắc mắc, nhỏ to với nhau nhưng chưa có thời điểm phù hợp để bộc bạch.  

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,555,931       1,403