Xã hội

Chốt sổ khi doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội

Thời gian qua, nhiều người lao động gặp không ít khó khăn trong việc chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) do thiếu thông tin và hiểu biết hạn chế về các quy định của Luật BHXH cũng như Bộ luật Lao động.

Đặc biệt, đối với những trường hợp doanh nghiệp còn nợ đọng tiền BHXH thì người lao động khi chốt sổ thường bị vướng...

Người lao động làm thủ tục chế độ bảo hiểm xã hội sau khi chấm dứt hợp đồng lao động tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: P.LIỄU
Người lao động làm thủ tục chế độ bảo hiểm xã hội sau khi chấm dứt hợp đồng lao động tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: P.LIỄU

Khó khăn khi chốt sổ

Anh Nguyễn Văn Danh (ở xã Tam An, huyện Long Thành), công nhân tại một công ty cơ khí ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch), cho biết anh làm ở nhà máy 3 năm thì xin nghỉ việc để chuyển về làm gần nhà. Song công ty không thể chốt và trả sổ cho anh vì đơn vị này hiện thiếu nợ tiền BHXH đến 15 tháng. “Đã nhiều lần tôi trở lại công ty để hỏi, nhưng đơn vị trả lời chưa biết bao giờ mới chốt sổ được. Tôi chỉ biết chờ đợi. Không có sổ BHXH, tôi không thể cộng dồn thời gian tham gia BHXH vào nơi làm việc mới” - anh Danh nói.

Đến BHXH tỉnh để được tư vấn, chị Nguyễn Đặng Thảo Nguyên (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa), từng làm việc 4 năm tại một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, cho hay tháng 8-2016 chị xin nghỉ việc nhưng công ty không chấp nhận đơn, đồng thời gây khó khăn khi không chịu chốt sổ BHXH. Hiện chị Nguyên đang giữ sổ BHXH nhưng trong sổ thì công ty chưa hoàn tất thủ tục về thời gian tham gia BHXH.

Để được chốt sổ hoặc tự mình thực hiện việc chốt sổ BHXH, người lao động cần đến cơ quan BHXH nộp hồ sơ gồm những giấy tờ sau: bản sao quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; thuyên chuyển, nghỉ việc hưởng chế độ; hoặc hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc vừa hết thời hạn; sổ BHXH; chứng minh nhân dân (bản chính).

Được biết, mỗi ngày BHXH tỉnh tiếp và tư vấn cho hàng chục người lao động về các thủ tục liên quan đến việc chốt sổ BHXH, đặc biệt là đối với những trường hợp doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH. Trong khi đó, theo Điều 47, Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động phải có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cùng những giấy tờ khác cho người lao động. Theo quy định tại Điều 18 Luật BHXH và Điều 47 Bộ luật Lao động, khi người lao động nghỉ việc đúng pháp luật, chậm nhất là 30 ngày kể từ khi có quyết định thôi việc, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm lập thủ tục chốt sổ để trả cho người lao động.

Ngoài ra, người lao động vẫn có quyền tự mình hoàn thành thủ tục chốt sổ BHXH như Điều 19, Quyết định 1111/QĐ-BHXH quy định: người lao động ngừng việc, chuyển công tác… có thể tự mình thực hiện việc xác nhận sổ BHXH tại cơ quan BHXH nơi doanh nghiệp đó tham gia BHXH.

Người lao động có thể tự chốt sổ BHXH

Riêng những trường hợp doanh nghiệp nơi người lao động làm việc đang trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật mà còn nợ tiền BHXH, BHYT mà người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH. Từ cơ sở này, người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới. Sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp cũ, cơ quan chức năng sẽ xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động để thanh toán chế độ cho người lao động.

Đối với doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, đang phải nợ BHXH, BHYT, người lao động có thể yêu cầu giám đốc doanh nghiệp gửi văn bản về cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT và đóng trước một khoản BHXH, BHYT để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH cho người lao động. Khi nhận được văn bản kiến nghị của doanh nghiệp, giám đốc BHXH tỉnh sẽ xem xét, phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động này khi phải chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý làm công văn báo cáo tình trạng hoạt động khó khăn cho BHXH thì người lao động có thể tự mình đi chốt sổ BHXH.

Trao đổi về những vướng mắc trong chốt sổ BHXH của người lao động thời gian qua, Phó giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết toàn tỉnh hiện có gần 70 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên. Tổng số tiền nợ BHXH lên tới gần 123 tỷ đồng. Việc nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp gây khó khăn trong việc giải quyết chính sách BHXH, chế độ thai sản, ốm đau… dẫn đến hàng ngàn người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi.

Đồng Nai hiện có hơn 6,7 ngàn doanh nghiệp tham gia đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho hơn gần 700 ngàn lao động. Theo ông Phạm Minh Thành, Phó giám đốc BHXH tỉnh, dù BHXH thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt vấn đề này nên có dư nợ BHXH khá cao. Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, BHXH tỉnh đang phối hợp cùng Liên đoàn Lao động tỉnh tiến hành rà soát, hoàn tất các thủ tục khởi kiện những doanh nghiệp nợ đọng cao, như: Công ty cổ phần Lilama 45-1 nợ 18,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần và đầu tư sản xuất Hoàng Gia nợ trên 10 tỷ đồng…

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,555,898       1,205