Xã hội

Cẩn trọng khi đo mắt ở cửa hàng kính thuốc

Kinh doanh kính thuốc là hoạt động hành nghề y có điều kiện, người phụ trách tiệm kính thuốc phải có chuyên môn trong nghề y và được cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, trên thực tế đa phần các cửa hàng kính thuốc trong tỉnh không đáp ứng được điều kiện này và hoạt động không phép.

Đo mắt tại một cửa hàng kinh doanh kính thuốc ở TP.Biên Hòa.
Đo mắt tại một cửa hàng kinh doanh kính thuốc ở TP.Biên Hòa.

Phần lớn các cửa hàng kính thuốc không có người phụ trách chuyên môn về y tế, không được đào tạo về đo khúc xạ dẫn đến việc đo, chẩn đoán tật khúc xạ mỗi nơi một khác, thậm chí còn thiếu chính xác. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực của khách hàng, nhất là trẻ em.

* Mỗi nơi “phán” một kiểu!

Gần một tháng nay, con gái 7 tuổi của chị N.T.T. (ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) thường xuyên nháy mắt. Lo lắng cho thị lực của con, chị T. liền đưa cháu đến một cửa hàng kinh doanh kính thuốc trên đường Đồng Khởi, thuộc phường Tam Hiệp, để kiểm tra thị lực. Một người đàn ông trung niên tại đây đã tiến hành đo mắt bằng máy, sau đó gắn tròng kính cận vào cho cháu đeo thử và yêu cầu cháu đọc chữ cái ở trên bảng rồi kết luận cháu bị cận thị và loạn thị. Tuy nhiên, khi chị T. thắc mắc, tại sao cận thị mà cháu vẫn đọc trôi chảy được chữ khi không đeo kính, người đàn ông này mới giải thích cháu bị cận nhẹ, chỉ cần đeo kính nửa độ là được. Nếu không đeo kính mắt trẻ sẽ điều tiết nhiều gây mỏi dẫn đến tật hay nháy.

Nghi ngờ kết quả trên, chị T. lại đưa con đến đo mắt tại một cửa hàng kính thuốc khác trên đường Đồng Khởi thuộc phường Tân Mai và được kết luận bị loạn thị, mắt phải 1 độ, mắt trái 1,5 độ, phải đeo kính nếu không mắt sẽ ngày càng nhòe đi, không thấy chữ. Tuy nhiên, khi chị T. đưa con đi khám tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thì được bác sĩ cho biết, thị lực của cháu bình thường, nguyên nhân cháu hay nháy mắt là do cháu bị vôi kết mạc, gây cộm, ngứa. Như vậy, nếu không đi khám ở cơ sở y tế chuyên khoa, con chị T. sẽ bị đeo kính cận thị, loạn thị một cách oan uổng.

Theo thông tin từ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, hiện nay trước tình trạng gia tăng các tật khúc xạ về mắt, số bệnh nhân đến khám và đo thị lực ngày càng đông. Trong số đó có khá nhiều trường hợp là nạn nhân của các tiệm kính thuốc do đeo kính không đúng độ gây chóng mặt, nhức đầu, học thiếu tập trung.

Chị Nguyễn Thị Nhi ở KP.5, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết do con chị đi học nhìn bảng bị nhòe chữ nên chị đưa con đi đo thị lực tại một cửa hàng kính thuốc trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa) và được nhân viên ở đây kết luận cháu bị cận, phải đeo kính 2,5 độ. Tuy nhiên, khi đeo kính một thời gian cháu thường xuyên than hay mỏi mắt, chóng mặt, hoa mắt nên chị đưa con đến bệnh viện khám thì mới hay cháu chỉ bị cận 1,5 độ.

* Không đủ điều kiện cấp phép

Theo thông tin từ Phòng y tế Biên Hòa, chỉ tính riêng địa bàn thành phố đã có gần 30 cửa hàng kinh doanh kính thuốc. Trong khi đó, số cơ sở được cấp phép hoạt động chỉ tính trên đầu ngón tay do không đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Theo quy định hiện hành, chủ cơ sở kính thuốc phải có bằng trung cấp y và đã được đào tạo 6 tháng về khúc xạ; có thời gian thực hành 12 tháng về khúc xạ và thời gian làm việc từ 45-54 tháng về khúc xạ tại các cơ sở y tế mới đủ điều kiện xin cấp giấy chứng chỉ hành nghề.

Đeo kính sai số rất tác hại

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Thu, Trưởng khoa mắt Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết tật khúc xạ gồm các bệnh: cận thị, loạn thị, viễn thị. Nếu đeo kính sai độ, khiến mắt phải điều tiết nhiều gây ra nhức mỏi mắt, rối loạn điều tiết, lâu ngày dẫn đến não mắt gây hoa mắt, chóng mặt, rối loạn tiền đình. Đeo kính sai độ rất tai hại với trẻ nhỏ, khiến mắt trẻ nhanh mỏi, hay chảy nước mắt sống, cay mắt, hay nheo mắt, chóng mặt, người hay mệt, học hành giảm sút. Do đó, nếu đeo kính mà vẫn còn những biểu hiện nói trên phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để khám và điều trị sớm, tránh rối loạn điều tiết. Vì việc điều trị rối loạn điều tiết rất khó khăn, có khi không thể cải thiện được tình trạng nhức mỏi mắt và giảm thị lực.

Ông Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề Sở Y tế, cho biết do điều kiện cấp phép hoạt động kinh doanh kính thuốc rất khó nên số lượng hồ sơ nộp xin cấp giấy phép hoạt động rất ít so với thực tế. Trong thời gian qua, Phòng Quản lý hành nghề Sở Y tế đã  kiểm tra một số cơ sở kinh doanh kính thuốc thì hầu như đều vi phạm vì không có người phụ trách chuyên môn đủ điều kiện theo yêu cầu. “Tuy nhiên do thấy mức xử phạt không có giấy phép hoạt động cao, từ 50 - 70 triệu đồng, trong khi điều kiện kinh doanh kính thuốc khắt khe nên cũng nương tay trên tinh thần nhắc nhở và cho làm cam kết thời gian nộp hồ sơ xin giấy phép hoạt động. Nếu kiểm tra mà xử lý kiên quyết thì đồng loạt nhiều cửa hàng kinh doanh kính phải đóng cửa do không có giấy phép hoạt động” - ông Ánh nói.

Như vậy, hiện nay công tác quản lý hoạt động của các tiệm kính thuốc còn chưa được siết chặt. Vẫn còn nhiều cửa hàng kính thuốc hoạt động không có người có chuyên môn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thị lực của khách hàng, nhất là ở trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, trong thời gian tới ngành y tế cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước mắt, để bảo vệ sức khỏe của mình, người dân cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị các bệnh về mắt để được tư vấn, điều trị chính xác, an toàn.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,574,096       1,644