Văn hóa

Chi mạnh cho bảo tồn di tích

Thời gian gần đây, các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trong tỉnh không ngừng được đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cũng như thu hút du khách đến tham quan.

Công nhân đang hoàn thiện những bước cuối của dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa). Ảnh: V.TRUYÊN
Công nhân đang hoàn thiện những bước cuối của dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa). Ảnh: V.TRUYÊN

Điều này đã góp phần giải quyết tình trạng xuống cấp nhiều năm liền, đồng thời thay thế tình cảnh đìu hiu vắng vẻ của các di tích trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo ra một môi trường sinh hoạt thu hút cộng đồng tìm đến tham quan, du lịch, học tập.

“Lột xác”

Bà Trần Thị Diệu (ngụ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Khi được đầu tư, các di tích tại Đồng Nai ngày càng hấp dẫn người dân đến tham quan, tìm hiểu, vui chơi giải trí. Ngay như di tích danh thắng quốc gia Bửu Long, nếu trước kia tôi chỉ đến một lần rồi thôi thì nay dịp lễ tết nào tôi cũng đưa gia đình đến vui chơi, tham quan”.

Sau nhiều năm xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào, hiện tại di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đang bước vào những công đoạn cuối cùng của quá trình trùng tu, tôn tạo. Sau khi hoàn thành, bên cạnh những hạng mục cũ được trùng tu, tôn tạo lại, như: khu nhà cổ phía Tây, nhà cổ nhỏ phía Đông, phục hồi các đoạn tường và tháp canh bị xâm thực, phục dựng toàn bộ nội thất của 2 khu nhà... Một số công trình mới cũng được xây dựng, bao gồm: khu dịch vụ văn hóa, thảm cỏ cây xanh, hệ thống đèn, khu vực để xe, sân tổ chức sự kiện ngoài trời... Dự kiến trong năm 2017, sau 3 năm thực hiện với mức đầu tư từ ngân sách tỉnh hơn 41 tỷ đồng, di tích Thành cổ Biên Hòa hoàn thành và mở cửa phục vụ người dân đến tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc.

Dự án trùng tu, tôn tạo di tích Nhà lao Tân Hiệp (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã hoàn thành cuối năm 2016 với kinh phí thực hiện hơn 24 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa gần 3,5 tỷ đồng, còn lại từ nguồn ngân sách. “Hay tin Đồng Nai thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Nhà lao Tân Hiệp, những cựu tù chính trị đều phấn khởi. Niềm mong ước chung, tâm nguyện bấy lâu của anh chị em cựu tù chính trị từng bị giam cầm tại Nhà lao Tân Hiệp trước kia đã hoàn thành” - Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai Trần Thị Hòa nói.

Đồng Nai cũng đang thực hiện những bước đầu tiên trong dự án trùng tu, tôn tạo, mở rộng di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Cũng trong thời gian gần đây, hàng loạt di tích như: chùa Bửu Phong (nằm trong di tích cấp quốc gia Khu danh thắng Bửu Long và chùa Bửu Phong), chùa Bửu Quang (nằm trong di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia núi Chứa Chan), di tích lịch sử cấp quốc gia mộ Trịnh Hoài Đức... cũng được đầu tư sửa chữa.

* Còn đó những trăn trở

Ngoài những di tích được Nhà nước đầu tư từ ngân sách để thực hiện trùng tu, tôn tạo, nhiều di tích đã huy động rất tốt nguồn lực xã hội hóa để phát triển, thu hút du khách. Đặc biệt, trong thời gian qua các di tích danh lam thắng cảnh liên tục được đầu tư lớn về cảnh quan, loại hình dịch vụ và thu hút rất đông du khách. Trong đó, di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia núi Chứa Chan được đầu tư thêm hệ thống cáp treo phục vụ nhu cầu của du khách lên thăm chùa trên núi, bến bãi giữ xe, khu dịch vụ ăn uống và quà lưu niệm... cũng được đưa vào sử dụng. Hay Khu du lịch Bửu Long (nằm trong di tích cấp quốc gia Khu danh thắng Bửu Long và chùa Bửu Phong) liên tục được đầu tư, cải tạo vườn thú, nhà kính phong lan, đồi hoa hướng dương, dịch vụ cắm trại dã ngoại, ẩm thực.

Nằm liền kề với Khu du lịch Bửu Long là di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên cũng được bổ sung các vườn tượng; khu vực trồng, chăm sóc, triển lãm bonsai cố định; nơi tổ chức các hoạt động văn hóa. Mỗi địa điểm kể trên đã và đang thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít di tích đang trong tình cảnh chờ tiền để cứu nguy. Trong đó, đáng lo nhất là di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà Xanh (nằm trong khuôn viên Trường cao đẳng nghề Đồng Nai, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Di tích này hiện mỗi khi mưa là nước dột từ trên xuống dưới, sàn nhà của tầng lầu không còn vững chắc. Hay như di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh công trình nhà chủ Công ty cao su SIPH (thường gọi là nhà Tây núi Thị, biệt thự Tây núi Thị, xã Suối Tre, TX.Long Khánh), do nhiều năm qua không được quan tâm, trùng tu nên đang bị xuống cấp trầm trọng. Cũng tại TX.Long Khánh, di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn cũng đang trong tình trạng xuống cấp, mỗi khi mưa thì đứng bên trong nhà bảo tồn khu mộ cũng như đứng ở bên ngoài.

Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, 55 di tích được xếp hạng trong tỉnh  luôn được Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh theo dõi, cập nhật thường xuyên. Di tích nào có dấu hiệu xuống cấp đều được cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế, tìm phương án trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, di tích hư hại không thể sửa được ngay mà cần có thời gian khảo sát, lập hồ sơ, xin ý kiến các ngành liên quan và UBND tỉnh. Với những di tích được xếp hạng cấp quốc gia thì cần thêm bước xin ý kiến trung ương, do vậy thời gian sẽ kéo dài thêm dẫn đến dư luận sốt ruột, cơ quan chức năng “ngồi trên đống lửa” vì sợ điều không may xảy ra với di tích.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        673,416       926