Văn hóa

Gian nan giữ lửa nghề

Khắc ghi lời cha Minh Tơ dạy: "Dù có 1 khán giả con vẫn phải hát" đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Sơn vượt qua mọi khó khăn trên bước đường nghệ thuật, giữ vững niềm đam mê với sân khấu dù "kiếp tằm đã hết vương tơ"…

Khắc ghi lời cha Minh Tơ dạy: “Dù có 1 khán giả con vẫn phải hát” đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Sơn vượt qua mọi khó khăn trên bước đường nghệ thuật, giữ vững niềm đam mê với sân khấu dù “kiếp tằm đã hết vương tơ”…

Nghệ sĩ Thanh Sơn kể lại những thăng trầm trong hoạt động nghệ thuật của mình. Ảnh: P.Trang
Nghệ sĩ Thanh Sơn kể lại những thăng trầm trong hoạt động nghệ thuật của mình. Ảnh: P.Trang

Nghệ sĩ (NS) Thanh Sơn là con của NS Minh Tơ và là em của NSND Thanh Tòng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật hát bội - tuồng cổ, NS Thanh Sơn là hậu duệ đời thứ tư của gia tộc Vĩnh Xuân - Bầu Thắng - Minh Tơ.

Bôn ba học nghề…

Khi Thanh Sơn bước vào tuổi thiếu niên thì NS Minh Tơ đã vào tuổi 50, bị căn bệnh khớp hành hạ nên không dạy nghề được nhiều cho con. Dù không được cha truyền nghề bài bản như anh Thanh Tòng nhưng với lòng đam mê, NS Thanh Sơn đã tìm mọi cách để học nghề.  NS Thanh Sơn nhớ lại: “Ban đầu, ba cho Sơn lên sân khấu làm quân lượm tiền, quân chạy hiệu, dọn đạo cụ, học đánh trống, làm đèn, chỉnh âm thanh và làm nhiều công việc hậu đài khác. Ba nói: “Muốn giỏi phải lăn lóc học nghề. Con ráng giỏi mọi việc thì sau này không ai làm khó con được”.

13 tuổi là  mốc đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của Thanh Sơn khi được ba giao cho vai lớn đầu tiên - Quan Bình. Đây là vai không có thoại, chỉ biểu diễn vũ đạo và thể hiện khí phách nam nhi bên cạnh Châu Xương - Bạch Long và Quan Công - Minh Tơ trong vở Quan Công đại chiến Bàng Đức

Khi NS Minh Tơ không còn sức khỏe để trực tiếp truyền nghề cho Thanh Sơn nữa thì NS Thanh Tòng lại dạy cho Thanh Sơn kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sân khấu lẫn cách đối nhân xử thế. NSND Thanh Tòng kèm cặp cho Thanh Sơn đến năm 1984 thì Thanh Sơn phải tự bơi, tự tìm cách học nghề qua những tiền bối khác.

Để học nghề, anh đã chịu khó làm người sai vặt cho các nghệ sĩ lớn. Luôn muốn học hỏi không ngừng, Thanh Sơn đã tìm đến các bậc tiền bối để học đánh chập chã từ nghệ nhân Bảy Đực (thân phụ nghệ sĩ Trường Sơn); học chèo thuyền với động tác vừa đẹp mắt vừa oai dũng từ NSND Năm Đồ; học múa giáo, đánh kiếm và kích từ NSND Thành Tôn; học múa chùy, đánh siêu từ nghệ nhân tuồng cổ Sáu Há (người Hoa)... Đam mê nghề, chịu khó học hỏi, thạo công việc hậu đài cùng với tư chất thông minh của con “nhà nòi” đã giúp Thanh Sơn từng bước đi lên và khẳng định được chỗ đứng trong nghệ thuật cải lương tuồng cổ.

Dấu ấn trong hoạt động nghệ thuật

Ấn tượng sâu sắc nhất mà Thanh Sơn nhớ mãi đó là lần anh dựng lớp Hồng Xích Nguyên múa roi dây trong vở Bão táp Nguyên Phong. Cũng nhờ học lỏm ngón nghề từ thầy dạy võ ở Nhà văn hóa quận 5, anh đã áp dụng thành công trong dàn dựng vũ đạo cho vở diễn. Thành công từ vũ đạo đã làm nức lòng khán giả, được các bậc tiền bối đánh giá cao.

Từ thành công của Bão táp Nguyên Phong, Thanh Sơn liên tiếp được nhiều đoàn hát mời dàn dựng cho các vở diễn:  lớp ‘’Bùi Thị Xuân bị bốn voi xé xác’’ trong Nữ tướng cờ đào của Đoàn Sài Gòn 2; sáng tạo dựng lớp ‘’đứng trên ván’’ vở San Hậu cho Đoàn Huỳnh Long, dựng vũ đạo cho vở cải lương Thanh Xà - Bạch Xà ở Nhà hát Hòa Bình... Dựng thành công những lớp ‘’Ngũ hổ tướng’’ trong kịch Nỏ thần, NS Thanh Sơn đã góp phần đem lại huy chương vàng, bạc cho Sân khấu Kịch Phú Nhuận trong Hội diễn Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009. Rồi đến dàn dựng cho Chuông vàng vọng cổ và nhiều chương trình khác.

Không chỉ dàn dựng vũ đạo thành công trong nghệ thuật tuồng cổ, anh còn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả trong các phim điện ảnh, truyền hình.

Trong những năm gần đây, khi nghệ thuật tuồng cổ rơi vào cảnh chợ chiều, NS Thanh Sơn cùng một số nghệ sĩ khác và những học trò của mình thường xuyên đi hát ở những lễ hội Kỳ yên. NS Thanh Sơn chạnh lòng: “Đi hát ở lễ hội Kỳ yên đa số khán giả là trẻ con nên đối tượng thưởng thức nghệ thuật bị hạn chế, khán giả không nghiêm túc. Rồi có những lúc hát như “họp tổ dân phố”.

Khắc ghi lời cha Minh Tơ dạy “Dù có 1 khán giả con vẫn phải hát” đã giúp cho NS Thanh Sơn vượt qua mọi khó khăn trên bước đường nghề nghiệp, giữ vững niềm đam mê với sân khấu, truyền lửa đam mê cho nhiều học trò và hy vọng vào một ngày mai khởi sắc của sân khấu tuồng cổ.

Rồi niềm hy vọng ấy cũng dần trở thành hiện thực khi sân khấu Nhà văn hóa Thanh Niên mời NS Thanh Sơn biểu diễn trong thời gian gần đây. Để làm mới lại nghệ thuật sân khấu tuồng cổ, Thanh Sơn đã viết trích đoạn tuồng cổ lồng thêm vào những yếu tố tâm lý xã hội và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Được đứng trên sân khấu, được biểu diễn, được làm sống lại nghệ thuật tuồng cổ. Đó là mong ước của NS Thanh Sơn. “Màn nhung nên khép lại vì con tằm hết tơ!...” là kết thúc của vở Kiếp tằm vương tơ đã được NS Thanh Sơn cùng học trò Ái Loan viết và tham gia biểu diễn. Song đối với Thanh Sơn, trong anh vẫn luôn cháy mãi ngọn lửa đam mê và ngày ngày vẫn thấy anh lặng lẽ ra ngã tư đường ngồi ngồi viết viết kịch bản trích đoạn những tuồng cổ mới…

Phương Trang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        673,537       864