Văn hóa

"Nóng" với trào lưu phim sitcom

Với đặc điểm là phim nhiều tập, mỗi tập có thời lượng ngắn, nội dung từng tập độc lập với một tình huống hài riêng, không cần dàn diễn viên tên tuổi hay số lượng hùng hậu..., phim sitcom (cụm từ viết tắt của situation comedy) - hài kịch tình huống đang lấn sân mạnh mẽ trên tivi, các kênh phát hành trên mạng xã hội.

Phim sitcom Sửu nhi với hơn 5 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Ảnh: kênh youtube phim Sửu nhi
Phim sitcom Sửu nhi với hơn 5 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Ảnh: kênh youtube phim Sửu nhi

Thể loại phim mới này lôi kéo một lượng lớn diễn viên có tên tuổi lẫn mới vào nghề tham gia. Và khán giả, đối tượng mà các phim sitcom hướng tới cũng bị hút vào những sản phẩm này.

* Người người làm phim sitcom

Phim sitcom được khán giả Việt biết đến rộng rãi kể từ khi phim Nhật ký vàng anh được trình chiếu (năm 2006). Sau đó là hàng loạt phim sitcom được sản xuất, như: Bộ tứ 10A8, Cửa sổ thủy tinh, Lẵng hoa tình yêu... Các phim kể trên vào thời điểm này chủ yếu trình chiếu trên tivi vào một khung giờ nhất định, lại ít có diễn viên nổi tiếng tham gia mà phần lớn do các diễn viên trẻ thủ vai. Thế nhưng, hiện nay phim sitcom hút rất nhiều diễn viên hài tên tuổi lẫn diễn viên trẻ và những ai có lòng đam mê với phim ảnh tham gia.

Trong đó, phim sitcom Gia đình là số 1 phiên bản Việt là một minh chứng điển hình nhất. Phim quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng, như: NSƯT Việt Anh, Phi Phụng, Quang Tuấn, cặp vợ chồng hài Thu Trang - Tiến Luật... Qua hơn 1 tháng công chiếu, phim đang thu hút sự chú ý của người xem.

Phim sitcom Gia đình là số 1. Ảnh: nguồn internet
Phim sitcom Gia đình là số 1. Ảnh: nguồn internet

Hay như phim sitcom Khu phố ùm bà lằng phát sóng trên kênh VTV9 cũng quy tụ dàn diễn viên hùng hậu là: Hoàng Sơn, Lê Huỳnh, Mai Hoàng Chung, Dương Cường, Tuấn Dũng, Bảo Ngọc, Việt bờm…

Trước đó, những phim như: Chuyện gì đang xảy ra? Xóm trọ vui nhộn phát sóng HTV9 cũng có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, trong đó có Lê Khánh, Huy Khánh, Tiến Luật, ca sĩ Phương Thanh...

Theo diễn viên Quang Tuấn, người từng tham gia vào không ít phim thuộc thể loại này, thì đóng phim sitcom không hề đơn giản mà đòi hỏi ở người nghệ sĩ rất nhiều kỹ năng khác nhau. Phim sitcom đang được nhiều người lựa chọn thực hiện bởi sự mới mẻ cả về nội dung lẫn thời lượng phim, giá thành sản xuất thấp. Mỗi phim chỉ từ
15-30 phút và chủ yếu là tình tiết, ứng biến hài của diễn viên để tạo tiếng cười cho khán giả. Nhờ đó mà nghệ sĩ thể hiện được tố chất, khả năng tung hứng của bản thân.

Tuy có rất nhiều phim sitcom được chiếu trên truyền hình song con số này vẫn còn rất khiêm tốn nếu so sánh với lượng phát hành qua kênh YouTube, bởi việc sản xuất dòng phim này ít tốn kém, không đòi hỏi dàn diễn viên nổi tiếng mà tập trung chủ yếu vào kịch bản có thể gây hài cho người xem hay không. Điều này cũng lý giải vì sao các phim, như: Tầng 18 cộng có hơn 3 triệu lượt xem; Sửu nhi Kem xôi cùng đạt mức trên 5 triệu lượt xem. “Mỗi tập của phim chỉ từ 6-20 phút nên rất dễ xem. Xem phim này rất vui vì toàn tình huống hài nên đem đến những phút thư giãn, vui tươi cho tôi” - Nguyễn Thị Uyên Phương, sinh viên Trường đại học Đồng Nai thường xuyên xem các phim sitcom trên mạng xã hội, nói.

* Hay, vui nhưng chưa tới

Tuy nhiên, theo nhận xét của đạo diễn của phim Gia đình là số 1 Nhất Trung, phim sitcom là phim tình huống hài. Do vậy dù là phim chiếu trên truyền hình với đội ngũ thực hiện chuyên nghiệp hay phim phát trên mạng xã hội do các nhóm tự thực hiện, nếu muốn được người xem chú ý thì phải có kịch bản tốt. Song hiện khâu kịch bản phim được xem là phần yếu và thiếu nhất đối với các nhóm làm phim trẻ lẫn những người chuyên nghiệp.

Nhà viết kịch bản phim - kịch Tâm Ngọc cho biết: “Viết kịch bản hấp dẫn với nội dung mới lạ, tình tiết gây cười bất ngờ hiện nay không phải dễ. Nguyên nhân là do có quá nhiều nhóm cùng thực hiện phim hài tình huống nên không ít lần khán giả xem mới được 1/2 của phim đã biết tình huống gây cười là gì vì đã được xem một nội dung tương tự vào trước đó. Còn nếu nắm không chắc ranh giới giữa sitcom với hài kịch, phim thì kịch bản sẽ rất dễ bị nhầm lẫn, lúc đó sitcom không còn đúng nghĩa”.

Từ thực tế này mà giới chuyên môn nhận định những bộ phim mang tên sitcom của Việt Nam thực hiện thời gian qua còn mang nặng tính kịch, có đặc điểm của phim truyền hình hơn là phim tình huống hài, thiếu hẳn kịch bản để duy trì sản xuất dài tập.

Điều này lý giải vì sao trong vô số phim sitcom được trình chiếu chỉ có số ít sản phẩm được khán giả chú ý theo dõi và đánh giá là đúng với tiêu chí sitcom của nước ngoài. Đặc biệt, không ít phim đang gây được sự quan tâm đột nhiên dừng phát sóng, như trường hợp của 5S Online là một ví dụ.

Một vấn đề khác là nhiều nhóm làm phim trẻ vì muốn lôi kéo người xem nên quá lạm dụng việc khoe hình thể một cách phản cảm, dẫn đến phản ứng của khán giả như phim Căn phòng là một điển hình. Phim này sau đó bị cơ quan quản lý cấm phát hành vì không phù hợp với văn hóa người Việt.

Theo ông Đỗ Dũng, Hội viên Hội điện ảnh Việt Nam tại Đồng Nai, những người làm phim sitcom, nhất là các nhóm làm phim trẻ phát trên mạng xã hội, vẫn đang từng bước mày mò, học hỏi từ cách làm phim của thế giới. Trong quá trình dò dẫm tìm hướng đi, mỗi người cần lưu đến nội dung phim truyền đạt sao cho hài hước nhưng không dung tục, phù hợp với văn hóa Việt Nam nói riêng, người Á Đông nói chung và phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        673,476       899