Văn hóa

Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử

Tiếp sau Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Dương..., Đồng Nai đã xây dựng một chương trình hoạt động có tầm nhìn khá xa về nghệ thuật đờn ca tài tử thông qua đề án của UBND tỉnh về "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030".

Tiếp sau Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Dương..., Đồng Nai đã xây dựng một chương trình hoạt động có tầm nhìn khá xa về nghệ thuật đờn ca tài tử thông qua đề án của UBND tỉnh về “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Đội đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai tham dự liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tại Long An.
Đội đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai tham dự liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tại Long An.

Đồng Nai hiện là một trong 21 địa phương có lưu giữ nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 5-12-2013. Vào thời điểm đó, Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa) đã tổ chức lễ đón nhận di sản hết sức long trọng và là một trong những điểm cầu truyền hình trực tiếp được cả nước biết đến. Cho đến nay, hoạt động đờn ca tài tử ở Đồng Nai tuy chưa được “quy hoạch” cụ thể, song trên thực tế đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của tỉnh nhà và có nhiều khởi sắc, nhất là ở hoạt động biểu diễn.

Toàn tỉnh có 31 câu lạc bộ, nhóm với 328 nghệ nhân đờn ca tài tử đang hoạt động thường xuyên (53 nghệ nhân đờn, 232 nghệ nhân ca, 43 người vừa đờn vừa ca). Câu lạc bộ đờn ca tài tử Nhà văn hóa - Trung tâm Văn hóa tỉnh, TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Xuân Lộc, huyện Nhơn Trạch... là những đơn vị mạnh. Tuy nhiên, đờn ca tài tử trong thời đại của Vpop, của công nghệ số gặp phải vô số khó khăn và thách thức, nghệ nhân làm nghề và truyền nghề chủ yếu nhờ lòng yêu nghề, tinh thần tự nguyện và sự “khổ luyện”. Công tác đào tạo thực sự chưa đưa vào chính quy, chưa mang tính chiến lược. Các câu lạc bộ chưa có kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên, cũng chưa có kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn đờn ca tài tử trong tỉnh. Nghệ nhân tinh thông nghề đờn, trụ cột của phong trào đờn ca tài tử không còn nhiều (cả tỉnh chỉ có khoảng 10 người có thể chơi được hết 20 bản tổ).

Để thực hiện hiệu quả chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ (giai đoạn 2014-2020), tỉnh Đồng Nai giao cho Sở Văn hóa - thể thao và du lịch chịu trách nhiệm tư vấn, xây dựng và triển khai các công việc của đề án; Phân viện Nghệ thuật quốc gia tại TP.Hồ Chí Minh phối hợp tư vấn khoa học; các sở, ngành, cơ quan báo chí và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hỗ trợ các hoạt động chuyên môn; các địa phương được đầu tư phát triển đờn ca tài tử theo các danh mục ưu tiên. Đề án có những yêu cầu và mục tiêu cụ thể, đáng chú ý là tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, đưa đờn ca tài tử vào đào tạo, bồi dưỡng và gắn với tập quán, tín ngưỡng, đời sống xã hội; có chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Đặc biệt là tạo điều kiện cho nghệ nhân các câu lạc bộ đờn ca tài tử có nhiều cơ hội giao lưu, trình diễn trong và ngoài nước. Về phương pháp thực hiện, việc lồng ghép các hoạt động văn hóa cơ sở và nâng cao hiệu quả quản lý chính là cách làm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện hiện nay.

Mai Sơn

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        673,578       881