Văn hóa

Tháng Giêng dâng hương cầu an

Thời điểm này, những dòng người trong và ngoài tỉnh đổ về các chùa chiền, đình, miếu ở Đồng Nai để dâng hương cầu an ngày một đông.

 

Người dân dâng hương tại chùa Đàlani (huyện Trảng Bom). Ảnh: V.Truyên
Người dân dâng hương tại chùa Đàlani (huyện Trảng Bom). Ảnh: V.Truyên

Với đặc điểm và lợi thế là có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ được thiết kế đẹp mắt, cùng hơn 200 đình, đền dân gian, dịp này tại Đồng Nai cũng diễn ra nhiều hoạt động lễ hội văn hóa đặc sắc thu hút đông đảo người dân tham gia với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Tránh mê tín, ăn mặc phản cảm

Trong mùa lễ hội này, các cơ quan chức năng của tỉnh lưu ý du khách khi đến dâng hương, xin lộc tại đình, chùa không nên tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan, bói toán, mua các loại văn hóa phẩm bị cấm được các đối tượng lợi dụng nơi đông người bày bán tràn lan. Dịp này, trụ trì các chùa, ban quản lý, ban tế tự các đình, đền cũng khuyến cáo người dân ăn mặc lịch sự, có thái độ tôn trọng nơi tôn nghiêm, đồng thời không ngắt hoa, bẻ cành các cây trồng bên trong các đình, chùa; không vứt rác bừa bãi... để tránh làm mất vẻ mỹ quan.

TP.Biên Hòa là nơi thu hút đông người đến tham gia các hoạt động vào tháng Giêng hàng năm. Những địa điểm tại thành phố được du khách tìm đến tham quan, dâng hương, cầu bình an cho bản thân, gia đình trước tiên phải kể đến 4 địa điểm nổi tiếng, như: Tổ đình Long Thiền (phường Bửu Hòa), chùa Đại Giác (xã Hiệp Hòa), chùa Bửu Phong (phường Bửu Long) và đình Tân Lân (phường Hòa Bình). Với tiếng tăm, lịch sử, kiến trúc mang dáng dấp cổ kính đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ, 4 địa điểm này luôn thu hút rất đông người từ các nơi về lễ phật, dâng hương lên thành hoàng bổn cảnh. Những năm gần đây, nhiều người cũng chọn đến những ngôi chùa có quy mô lớn là Quan âm tu viện (xã Hóa An), Thiền viện Phước Sơn  (xã Phước Tân) để tham quan và cầu mong bình an, phước lành trong năm mới.

Mùa lễ hội xuân năm 2017, Ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu (chùa Ông, xã Hiệp Hòa) tiếp tục thực hiện lễ hội lần thứ 5. Từ năm 1975 đến nay, đây là di tích đầu tiên của tỉnh có tổ chức lễ hội. Năm nay, sự kiện diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9-2 (mùng 10 đến 12 tháng Giêng) với các hoạt động phong phú, như: dâng hương lên các vị thần linh để cầu mong mưa thuận gió hòa, biểu diễn lân - sư - rồng, thả hoa đăng trên sông Đồng Nai... Năm nay, lễ hội chùa Ông có tổ chức tuần du trên sông và vòng quanh chợ Biên Hòa, hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo người dân tham dự.

Ngoài TP.Biên Hòa, nhiều đình, đền và chùa ở các địa phương khác trong tỉnh cũng thu hút một lượng không nhỏ du khách tìm đến tham quan, như: chùa Đàlani - một ngôi chùa lớn tại huyện Trảng Bom; cụm di tích cấp tỉnh: đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa (phường Xuân An) và chùa Long Thới (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh) Thiền viện Thường Chiếu (huyện Long Thành). Đặc biệt, di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc), nơi có chùa Bửu Quang, cây đa 3 gốc... từ khi có hệ thống cáp treo lại càng thu hút nhiều người tìm đến dâng hương, lễ phật.

Sẵn sàng đón khách tham quan

Để có thể đáp ứng nhu cầu tham quan, dâng hương tăng cao đột biến trong mùa lễ hội đầu năm, ban quý tế, ban quản lý, ban hộ tự các đình, đền, chùa trong tỉnh đã chuẩn bị khá kỹ khâu tổ chức, trong đó đặc biệt chú trọng các công trình phụ. Theo Đại đức Thích Giác Liêm, trụ trì chùa Đàlani, nhà chùa vừa đưa vào sử dụng thêm khu vực nhà khách để mọi người nghỉ chân, chuẩn bị 15 ngàn phần lộc xuân để người viếng chùa thỉnh lộc. Còn tại đình Tân Lân, đình Bình Quan (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa); đình Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), ban quý tế các đình đã sắp xếp, bố trí thêm nhà vòm, bàn ghế, tiến hành sửa chữa lại hệ thống nhà vệ sinh nhằm đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho du khách.

Riêng tại 2 di tích cấp quốc gia có số lượng du khách đông trong mùa lễ hội hàng năm là di tích danh thắng núi Chứa Chan và chùa Ông, chính quyền địa phương phối hợp với ban quản lý di tích thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Theo ông Bùi Tấn Trước, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng núi Chứa Chan, tuy đã có hệ thống cáp treo dẫn lên núi nhưng ban quản lý di tích vẫn phối hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giải tỏa các trường hợp xây dựng trái phép cũng như việc buôn bán mất trật tự trên đất di tích, nhất là tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách. Việc làm này nhằm tạo lối đi thông thoáng lên núi cho những ai muốn khám phá di tích bằng cách đi bộ như từ trước đến nay.

Tại di tích chùa Ông, chính quyền địa phương đã phối hợp với ban trị sự di tích thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn và bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, nạn làm giá trong thời gian diễn ra lễ hội, nhất là bảo vệ an ninh trật tự vào thời điểm hàng đêm khi tại đây diễn ra chương trình nghệ thuật miễn phí do nhiều đơn vị nghệ thuật tại Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh luân phiên thực hiện.

Tất cả sự chuẩn bị tại các đình, chùa, di tích trong tỉnh hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm cũng như kỷ niệm đẹp khi đến Đồng Nai trong những ngày đầu của năm mới.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        674,740       722