Văn hóa

Ngạc nhiên trúc chỉ

Trên con phố nhỏ Thạch Hãn (phường Thuận Hòa, TP.Huế), Vườn Trúc Chỉ (Trúc Chỉ Garden) nép mình sau những tàng cây, bình lặng như chính cố đô luôn trầm mặc. Nhưng bên trong Vườn Trúc Chỉ là những tâm hồn nghệ sĩ bay bổng đầy sáng tạo với loại hình nghệ thuật mới: trúc chỉ.

Nguyên liệu làm trúc chỉ là tre chẻ nhỏ, ngâm vôi rồi nấu thành bột giấy. Bột giấy sau khi xeo, đặt các hình hoa văn rồi dùng nước xối để tạo độ dày mỏng, đậm nhạt và các hoa văn chìm nổi. Ảnh: H.LAM
Nguyên liệu làm trúc chỉ là tre chẻ nhỏ, ngâm vôi rồi nấu thành bột giấy. Bột giấy sau khi xeo, đặt các hình hoa văn rồi dùng nước xối để tạo độ dày mỏng, đậm nhạt và các hoa văn chìm nổi. Ảnh: H.LAM

Trúc chỉ, theo danh xưng đơn thuần của học giả Bửu Ý, là giấy tre - tức giấy làm từ tre, trúc. Nhưng với những nghệ sĩ ở Vườn Trúc Chỉ, trúc chỉ không đơn thuần là giấy mà được sáng tạo đến vô cùng để trở thành những sản phẩm nghệ thuật ứng dụng độc đáo. Sự khác biệt của trúc chỉ đã hình thành nên một khái niệm nghệ thuật mới: nghệ thuật trúc chỉ. Người nghiên cứu sáng tạo ứng dụng nghệ thuật trúc chỉ là họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường đại học nghệ thuật Huế - người đã bỏ hơn 10 năm khổ công với trúc chỉ.

Trúc chỉ được tạo thành các sản phẩm như: dù, quạt, đèn, nón lá, tranh thư pháp… và được sử dụng làm phông sân khấu biểu diễn. Ảnh: H.LAM
Trúc chỉ được tạo thành các sản phẩm như: dù, quạt, đèn, nón lá, tranh thư pháp… và được sử dụng làm phông sân khấu biểu diễn. Ảnh: H.LAM

* Ước mơ sản phẩm văn hóa Việt

Họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết đang chế tạo một số sản phẩm trúc chỉ mang dấu ấn riêng của Đồng Nai để tặng cho Văn miếu Trấn Biên, vì anh rất ấn tượng với địa điểm lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống này.

Phan Hải Bằng kể, từ lúc còn là sinh viên anh đã ấp ủ mơ ước sáng tạo sản phẩm nghệ thuật mang dấu ấn hoàn toàn của Việt Nam, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, đặc thù của địa phương. Sau khi tìm hiểu cách làm giấy dó ở Bắc Ninh, giấy sa ở Thái Lan, Phan Hải Bằng bắt đầu manh nha cho mình một lối đi riêng. Thử nghiệm qua các loại nguyên liệu như: rơm, tre, bã mía, thân chuối, anh nhận thấy bột tre đáp ứng yêu cầu vừa thỏa mãn tính ứng biến của nghệ thuật tạo hình, vừa có đủ độ bền, dai như giấy dó. Các xơ tre lại có thể kết dính với nhau trong quá trình tạo giấy mà chưa cần thêm bất kỳ chất keo nào khác, lại có xớ khá độc đáo, rất thích hợp cho việc chế tác, làm tranh. Tre cũng là loại cây mang tính biểu tượng của Việt Nam, có mặt ở bất kỳ làng quê nào. Nhiều năm lao vào thí nghiệm, nghiên cứu, không ít lần thất bại, bị chế giễu là “hâm”, cuối năm 2011 Phan Hải Bằng đã thành công trong việc chế tạo trúc chỉ.

“Trúc Chỉ đóng góp quan trọng trong việc khôi phục một số làng nghề truyền thống của Huế. Trong tất cả các đề tài nghiên cứu của Trường đại học nghệ thuật Huế, nghiên cứu về trúc chỉ của ThS. Phan Hải Bằng là đề tài có tính ứng dụng cao nhất từ trước đến nay” - PGS.TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học nghệ thuật Huế nhận xét khi đến thăm Vườn Trúc Chỉ vào cuối tháng 9-2016.

“Tôi nhớ, lúc ấy là khoảng tháng 11-2011, trên dòng sông Hương tôi công bố nghiên cứu của mình với bạn bè, những “tri kỷ hữu” đã luôn động viên, khích lệ tôi lâu nay, trong đó có anh Huỳnh Văn Tới (lúc đó là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai), anh Võ Văn Quân (Tổng giám đốc Công ty TNHH XQ Việt Nam). Mọi người chúc mừng, khuyến khích tôi phát triển, mở rộng nghệ thuật trúc chỉ. Tình cảm bạn bè khiến tôi ràn nước mắt” - Phan Hải Bằng xúc động kể lại.

Họa sĩ Phan Hải Bằng (bìa trái), PGS.TS Huỳnh Văn Tới (bìa phải) hội ngộ với Vườn Trúc Chỉ cuối tháng 9-2016.
Họa sĩ Phan Hải Bằng (bìa trái), PGS.TS Huỳnh Văn Tới (bìa phải) hội ngộ với Vườn Trúc Chỉ cuối tháng 9-2016.

Trúc chỉ có cách chế tạo giống như cách làm giấy dó truyền thống. Để có trúc chỉ, đầu tiên phải chẻ nhỏ tre, phân loại ruột, vỏ, sau đó ngâm khá lâu với nước vôi, rồi nấu và nghiền thành bột giấy. Bột giấy sau khi ép cho bớt nước được xeo trên một mặt phẳng, nếu muốn trên giấy nổi hình gì (mây, hoa lá…) thì dùng hình đã được thiết kế sẵn đặt lên,  sau đó dùng nước xối rửa bớt bột giấy để tạo ra độ dày mỏng, chìm nổi của hoa văn trên tờ giấy tre, tạo nên trúc chỉ. Có thể nói, mỗi một sản phẩm trúc chỉ gần như là “độc nhất vô nhị”, bởi quá trình chế tạo hoàn toàn thủ công, tùy thuộc vào tay nghề, sự sáng tạo của người làm mà trúc chỉ có độ dày mỏng, chìm nổi khác nhau. Trúc chỉ khi hình thành như một bức tranh với hoa văn độc đáo không chỉ từ hình ảnh thiết kế mà còn từ những xớ tre ngang dọc.

* Bay cao và lan xa

Đèn kéo quân làm bằng trúc chỉ, kết hợp sản phẩm gỗ của làng nghề truyền thống Bao La.
Đèn kéo quân làm bằng trúc chỉ, kết hợp sản phẩm gỗ của làng nghề truyền thống Bao La.

Nhưng sự sáng tạo trong ứng dụng của trúc chỉ không dừng lại ở đó. Từ những tấm trúc chỉ, rất nhiều sản phẩm mỹ thuật khác đã ra đời. Trúc chỉ được gia công, chế tạo thành dù (ô), quạt, đèn lồng, nón lá, túi xách và nhiều sản phẩm trang trí nội thất sang trọng khác, hoặc được tiếp tục vẽ màu thành tranh. Công ty TNHH XQ Việt Nam còn sử dụng trúc chỉ để thêu tranh. Đêm diễn của ca sĩ Lê Cát Trọng Lý tháng 9-2014 ở Huế sử dụng bộ tranh Mùa trăng của Vườn Trúc Chỉ để làm phông sân khấu, tạo hiệu ứng mới mẻ, “độc” và đẹp.

Trúc chỉ cũng được Phan Hải Bằng và ê-kíp cộng sự không ngừng nghiên cứu cải tiến. Thời gian đầu, trúc chỉ phải dùng ánh sáng để làm rõ độ đậm nhạt của hoa văn, nay thì trúc chỉ đã có được độ đậm nhạt tự nhiên. Trúc chỉ cũng được bồi trên lụa, hoặc được phủ lớp nhựa mỏng bên ngoài, thêm phụ gia để tăng tính chống thấm nước, tăng độ dai để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo hơn nữa.

Xuất hiện trên thị trường chưa lâu, nhưng với tính độc đáo của vật liệu và sự thăng hoa trong sáng tạo của các nghệ sĩ sản phẩm trúc chỉ được nhiều khách hàng yêu thích, nhất là khách ngước ngoài. Tuy nhiên, Vườn Trúc Chỉ chưa đặt nặng vấn đề kinh doanh mà chỉ mong muốn trúc chỉ được quảng bá rộng rãi để mọi người được biết đến một loại sản phẩm văn hóa đậm chất nghệ thuật truyền thống Việt, mong muốn thế giới biết Việt Nam bên cạnh giấy dó còn có trúc chỉ, cũng như Nhật Bản có giấy washi, Hàn Quốc có hanji. Và xa hơn, chàng họa sĩ tài hoa Phan Hải Bằng ấp ủ về một sự kết hợp giữa trúc chỉ với nhiều làng nghề thủ công khác nhau để trúc chỉ thực sự trở thành giá trị văn hóa của dân tộc. Bước đầu, Vườn Trúc Chỉ đã kết hợp với làng đan lát Bao La (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) dùng tre tạo ra khung cho bức tranh, nan quạt, cán dù bằng giấy trúc chỉ.

Hà Lam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        670,795       1,148