Văn hóa

Sống ảo và những hệ lụy

Vài ngày gần đây, dư luận xôn xao và thậm chí không tiếc lời chê trách việc một cựu học sinh THCS tại Khánh Hòa dùng xăng đốt trường để thực hiện đúng lời hứa "câu like" trên facebook.

Vài ngày gần đây, dư luận xôn xao và thậm chí không tiếc lời chê trách việc một cựu học sinh THCS tại Khánh Hòa dùng xăng đốt trường để thực hiện đúng lời hứa “câu like” trên facebook.

Hàng loạt hành động, lời nói được xem là quái dị của người trẻ Việt được đăng tải trên các trang mạng xã hội trong thời gian qua. Nguồn: internet
Hàng loạt hành động, lời nói được xem là quái dị của người trẻ Việt được đăng tải trên các trang mạng xã hội trong thời gian qua. Nguồn: internet

Nhưng đó không phải là trường hợp đầu tiên vì câu like trên trang cá nhân mà đưa ra những thử thách vô nghĩa, hành động thiếu suy nghĩ để được dư luận quan tâm.

Làm mọi thứ để câu like

Trước đó, trên trang facebook có tên “N.T. - Việt Nam nói là làm” cũng đã xuất hiện những lời thách thức: đủ 100 ngàn like sẽ tẩm xăng tự thiêu và nhảy cầu. Hay đủ 30 ngàn like sẽ đâm dao vào người... và tất cả những hành động này được cam kết sẽ quay trực tiếp để phát lên trang cá nhân làm bằng chứng thực hiện đúng lời hứa.

Ngoài việc đưa ra những lời thách thức mang tính bất chấp nguy hiểm của bản thân, xã hội, không ít người còn nghĩ ra những trò khoe của, khoe thân để gây sự chú ý của cộng đồng mạng dù đó có là sự chú ý theo kiểu lên án. Mới đây nhất, trên facebook xuất hiện một đoạn phim ngắn ghi lại cảnh một cô gái đang ngâm mình trong bồn tắm có rải đầy tiền mệnh giá lớn. Nữ nhân vật tự tin cho rằng tắm tiền sẽ làm da đẹp và đưa ra lời khuyên mọi người nên làm theo mình.

Theo ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, Tổng thư ký Hội Sử học tỉnh, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, từ tháng 10-2016, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh sẽ phối hợp cùng Hội Tâm lý giáo dục tỉnh đến sinh hoạt với học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn nhằm góp phần vào việc định hướng cho học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, rèn luyện đạo đức, điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực.

“Nhiều người trẻ làm những việc rất kệch cỡm rồi phát tán lên mạng. Tôi xem chẳng thấy gì là khâm phục mà chỉ tự hỏi không biết những người này có vấn đề gì về thần kinh hay không?” - Ngọc Hoàng, sinh viên đang học đại học năm cuối tại Đồng Nai, nói.

Hoặc như một thanh niên lấy hình ảnh của cầu thủ bóng đá Ronaldo đang ngồi trên chuyên cơ riêng cắt ghép thay đổi thành hình ảnh của bản thân để khoe sự giàu sang. Nhưng sau đó sự thật nhanh chóng bị đưa ra ánh sáng và chủ nhân phải khóa trang cá nhân.

Đặc biệt, với những trường hợp học sinh đánh nhau, thay vì báo cho giáo viên, phụ huynh đến giải quyết vụ việc, nhiều học trò đã dửng dưng cầm điện thoại để quay lại cảnh tượng này. Tuy nhiên, việc quay lại hình ảnh bạo lực học đường này không vì mục đích “làm bằng chứng” mà là đưa lên trang cá nhân để hút người khác vào xem, chia sẻ, bình luận nhằm mục đích trở thành trang cá nhân có đông người theo dõi.

Tác hại khôn lường

Để trở thành một trong những người được cộng đồng mạng theo dõi nhiều, không ít bạn trẻ đã phải trả giá quá đắt. Nữ cựu học sinh THCS tại Khánh Hòa sau khi thực hiện cam kết đốt trường, 2 chân đã bị bị bỏng nặng và phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Rồi đây dù muốn dù không thì “thành tích đốt trường vì câu like” chắc chắn sẽ đeo bám nữ sinh này đến suốt đời.

Còn với thanh niên có trang facebook “N.T. - Việt Nam nói là làm”, chắc chắn việc lấy dao đâm mình, đổ xăng tự thiêu không thể không làm bản thân đau đớn, người thân lo lắng. Hay như những nam thanh nữ tú tắm tiền, cắt ghép thay đổi khuôn mặt mình vào trong khung cảnh sống giàu sang đều đang bị cộng đồng cười chê. Thậm chí có người đã phải khóa trang facebook cá nhân vì bị cộng đồng “ném đá”, chê cười quá nhiều.

Việc sử dụng mạng xã hội là nhu cầu của nhiều người, trong đó có học sinh, sinh viên. Vậy nên không có gì lạ khi những thông tin tiêu cực thường xảy ra ở người sử dụng facebook cũng thuộc về đối tượng học sinh, sinh viênlà chính. Làm sao để thanh niên không lạm dụng mạng xã hội vì mục đích xấu đang rất cần có sự chung tay của nhà trường, giáo viên, phụ huynh và xã hội.

Theo bà Đỗ Thanh Tâm, cán bộ Phòng Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD-ĐT), người lớn không nên cấm cản con em sử dụng mạng xã hội. Thay vào đó phụ huynh, giáo viên cần là người bạn trên thế giới ảo để nắm bắt tư tưởng, hành động cũng như dành nhiều thời gian định hướng cho học sinh, sinh viên, con em sử dụng, kết nối với cộng đồng thông qua thế giới ảo ra sao để mang lại hiệu quả tích cực trong việc học, giao tiếp xã hội.

Đứng về phía người làm công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử, ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh, chia sẻ thêm: “Những người sử dụng mạng xã hội nên có ý thức khi phát tán những hình ảnh, cảnh quay bạo lực; đừng bấm like để ủng hộ lời thách thức trên mạng một cách thiếu suy nghĩ... Điều này vô tình khiến cho học sinh, sinh viên lầm tưởng đó là điều hay được mọi người quan tâm. Do vậy, cũng dễ hiểu vì sao mà nhiều người đang tiếp tục quay các clip đánh nhau, tắm tiền, tự thiêu, tự đâm dao để hút người xem rất phản cảm, thiếu văn hóa dù bị xã hội lên án rất nhiều”.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        670,805       1,186