Văn hóa

Từ Đất nghĩ và những trăn trở…

Sáng nay 24-9, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ diễn ra triển lãm và thảo luận về gốm Biên Hòa, chủ đề Đất nghĩ.

Các tác giả tham gia triển lãm về gốm Biên Hòa, chủ đề Đất nghĩ đang thảo luận về sản phẩm đem ra trưng bày tại sự kiện. Ảnh: V.TRUYÊN
Các tác giả tham gia triển lãm về gốm Biên Hòa, chủ đề Đất nghĩ đang thảo luận về sản phẩm đem ra trưng bày tại sự kiện. Ảnh: V.TRUYÊN

Đây là triển lãm đầu tiên do những người làm gốm, học gốm tự do tại TP.Biên Hòa tổ chức. Triển lãm tập hợp sản phẩm của 14 người làm gốm, có nhiều năm gắn bó, được đào tạo về gốm tại TP.Biên Hòa được thực hiện dưới sự bảo trợ của Quỹ Hoàng tử Claus vì văn hóa và phát triển (Prince Claus Fund for Culture and Development) của Hà Lan.

Truyền thống, cách tân hội tụ

Đến với triển lãm, người xem được thưởng thức trên 200 tác phẩm gốm do những người thợ gắn bó hàng chục năm lẫn những người chỉ mới vài năm với nghề nặn đất sét này. Do vậy, sản phẩm cũng đa dạng với nhiều mẫu mã khác nhau theo phong cách của từng tác giả. Trong đó, bộ sản phẩm của ông Đinh Công Lai, người có 40 năm gắn bó với gốm Biên Hòa, hiện là Trưởng khoa gốm Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, thể hiện được đặc điểm của gốm truyền thống Biên Hòa.

Theo ông Đinh Công Lai, sản phẩm được trưng bày tại triển lãm này là những bình, lọ hoa theo vẻ đẹp truyền thống đặc trưng của gốm Biên Hòa là có sự cân đối, hài hòa trong tạo hình sản phẩm, hoàn toàn được nặn bằng tay trên bàn xoay, nguồn nguyên liệu là cao lanh và đất sét, màu men tại Biên Hòa.
Ngoài ra, còn phải kể đến những bức tranh gốm - một cách thể hiện độc đáo và đầy sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng (hiện là giảng viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai). Những tác phẩm này có đặc điểm là các chi tiết không liền khối mà được cắt rời từng bộ phận, sau đó ghép lại theo ý đồ của tác giả.

14 tác giả tham gia triển lãm lần này là: Đinh Công Lai, Đinh Công Việt Khôi, Hồ Thị Thu Cúc, Nguyễn Quang Hoàng, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Trọng Lộc, Nguyễn Trọng Tuấn, Nguyễn Trung Thường, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Trung, Phạm Công Hoàng, Tô Văn Thăng, Trần Minh Công, Trần Ngọc Thảo.

Bên cạnh những gương mặt có thâm niên trong nghề làm gốm, triển lãm còn tạo điều kiện để 2 sinh viên Nguyễn Trọng Tuấn và Trần Ngọc Thảo (sinh viên Khoa gốm Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai) tham gia. Theo chia sẻ của 2 sinh viên này, thay vì đi theo phong cách gốm Biên Hòa truyền thống, cả 2 muốn thử sức với nghệ thuật gốm sắp đặt, tạo ra những sản phẩm mang tính trừu tượng nhằm tạo sự mới lạ trong sản phẩm.

Ngoài ra, khi đến với sự kiện người xem còn bất ngờ bởi lần đầu tiên nhìn những sản phẩm gốm được trưng bày ngay trên những chiếc chiếu hoa đặt trên nền nhà dựa theo cách bày bán gốm nơi góc phố, ngoài chợ trước kia. Điều này hứa hẹn sẽ tạo cho người xem một cách tiếp cận sản phẩm trong một không gian mới lạ, thay vì thường nhìn tác phẩm được treo trên tường (tranh gốm), kê trên bục, bệ như trước đây.

Và tâm tình của người thợ gốm

Bên cạnh mong muốn được một lần giới thiệu những sản phẩm do mình sáng tạo đến với công chúng, mỗi người thợ đã, đang và mới gắn bó với gốm đều có những trăn trở và hy vọng về môn nghệ thuật mà minh đang theo đuổi. “Gốm Biên Hòa rất nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn có tiếng vang ra nước ngoài. Vậy nên Quỹ Hoàng tử Claus vì văn hóa và phát triển của Hà Lan mới sẵn sàng hỗ trợ số tiền khá lớn để các tác giả trong tỉnh thực hiện tác phẩm, tổ chức hội thảo, trưng bày sản phẩm đến công chúng. Trong khi đó, có một thực tế là những năm gần đây Khoa gốm không tuyển được học viên. Cụ thể, khóa C16 (năm 2014) chỉ có 5 học viên theo học. Các khóa tiếp theo là C17, C18 không tuyển được học viên nào. Nếu so với thời điểm những năm từ 1999-2002 được xem là hoàng kim của Khoa gốm khi mỗi năm có trên 100 học viên theo học thì thực tế hiện nay quả thật rất đáng buồn” - ông Đinh Công Lai nói.

Còn bà Hồ Thị Thu Cúc, một thợ gốm nổi tiếng tại xã Hóa An (TP.Biên Hòa), cho biết bà đã gắn bó với gốm hàng chục năm, nhưng rồi các xưởng gốm đóng cửa nên gần 4 năm nay bà phải bỏ nghề đi làm công nhân. Qua triển lãm này, bà vẫn nuôi hy vọng một ngày không xa khi công chúng, các tổ chức nước ngoài quan tâm đến gốm nhiều hơn thì bà sẽ có cơ hội được sống với nghề như trước kia.

Không chỉ những người gắn bó lâu năm với gốm như ông Lai mà cả sinh viên đang theo học gốm cũng có những lo lắng không kém. “Năm sau là thời điểm tôi ra trường. Nhưng tôi tìm việc làm ở đâu khi các lò gốm tại Biên Hòa ngày càng ít? Đây là điều khiến tôi không khỏi lo lắng cho tương lai của mình” - Trần Ngọc Thảo, sinh viên Khoa gốm khóa C16, Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai chia sẻ.

Với nỗi niềm và tâm tư đó, mỗi tác giả đến với triển lãm đều mong muốn làm sao vực dậy được một bộ môn nghệ thuật truyền thống của Biên Hòa, Đồng Nai. “Qua triển lãm lần này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá đến mọi người về gốm Biên Hòa, về Khoa gốm của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Chúng tôi cũng mong muốn các xưởng gốm sẽ được tạo điều kiện để hoạt động tốt hơn. Vì chỉ khi đó, Khoa gốm của trường hay người học gốm mới tìm đến Biên Hòa để học nghề” - ông Đinh Công Lai chia sẻ thêm.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        672,670       543