Kinh tế

Không thể tái đàn heo ồ ạt

Dịch tả heo châu Phi (ASF) đã làm tổng đàn heo của tỉnh giảm hơn 1 triệu con, thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Hiện dịch này chưa có dấu hiệu dừng lại...

hông chỉ Đồng Nai mà cả nước rơi vào nguy cơ thiếu thịt heo trầm trọng.

Chỉ các cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh mới được tái đàn trong giai đoạn hiện nay. Trong ảnh: Trại nuôi heo tại xã  Gia Kiệm, huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên
Chỉ các cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh mới được tái đàn trong giai đoạn hiện nay. Trong ảnh: Trại nuôi heo tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên

Heo hơi “sốt giá”, nhiều cơ sở muốn tái đàn, nhưng UBND tỉnh đặc biệt ra yêu cầu: không tái đàn ồ ạt mà chỉ tái đàn ở những khu vực an toàn.

* Nhiều địa phương tái phát dịch

Theo ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Sở đã phối hợp cùng các địa phương chỉ cho tái đàn những cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, những cơ sở ứng dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch xuống mức thấp nhất. Ông Minh cho biết thêm: “Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 600 cơ sở có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng sinh học, nguy cơ xảy ra dịch thấp sẽ được khuyến khích tái đàn”.

Tình hình lây lan dịch ASF trên địa bàn tỉnh đã dần được khống chế nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại vì nhiều địa phương đã tái phát dịch.

Tính đến ngày 4-11, toàn tỉnh có gần 5,2 ngàn hộ chăn nuôi thuộc 538 ấp, 136 xã, phường có dịch ASF. Các địa phương đã tiêu hủy trên 438,8 ngàn con heo, tăng khoảng 10,6 ngàn con so với 2 tuần trước đó. Đến nay, toàn tỉnh đã có 26/136 xã, phường đã ra quyết định công bố hết dịch. Nhưng đã có 6 xã công bố hết dịch lại tái phát dịch.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Đình Minh cho biết: “Mặc dù, Sở đã có những biện pháp phòng và chống dịch ASF tương đối nghiêm ngặt, nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguy cơ tái dịch ở những địa phương sau khi công bố hết dịch rất cao”.

Đến nay, dịch ASF vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc chữa trị nên nguy cơ bùng phát dịch và tái dịch rất cao. Đồng Nai nằm ở khu vực có nhiều tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua nên việc ngăn ngừa dịch lan rộng tương đối khó khăn.

* Heo “sốt giá”, nông dân rục rịch tái đàn

Hơn 1 tháng trở lại đây, giá heo hơi liên tục “leo thang” và hiện ở thị trường miền Nam đã cán mốc 62-65 ngàn đồng/kg. Nhiều tỉnh miền Bắc, giá heo hơi đã vượt qua 70 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay nhưng dự báo giá heo sẽ tiếp tục lập mức kỷ lục mới vì nguồn heo ngày càng khan hiếm.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đến đầu tháng 11-2019, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này còn khoảng 1,48 triệu con. Như vậy, đàn heo của Đồng Nai đã giảm 41% so với thời điểm trước khi có dịch ASF.

Dịch tả heo châu Phi đã khiến cả nước phải tiêu hủy gần 5 triệu con heo và nguy cơ thiếu thịt heo trong thời gian tới vẫn tiếp tục xảy ra. Giá heo hơi được dự báo sẽ còn tăng cao, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán 2020 khi nhu cầu về thịt heo lớn.

Hàng ngàn hộ chăn nuôi của Đồng Nai có hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi heo, nhiều hộ đầu tư tiền tỷ xây dựng chuồng trại nên luôn mong muốn được giữ lại nghề chăn nuôi, được sớm tái đàn để gỡ lại khó khăn do cơn đại dịch này gây ra.

Đợt dịch vừa qua, trang trại của bà Nguyễn Thị Lành tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) đã bị tiêu hủy hơn 2 ngàn con heo. Bà Lành chia sẻ, gần 2 năm nay, trang trại của bà đầu tư hàng tỷ đồng để mở rộng trại chăn nuôi. Nuôi heo là nghề mưu sinh bao năm nay của gia đình bà Lành, mọi vốn liếng cũng đều dồn vào đầu tư mở rộng trại chăn nuôi. “Tôi chỉ mong được giữ lại nghề nuôi heo; mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để có vốn tái đàn chăn nuôi” - bà Lành bày tỏ.

Giá heo tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã rục rịch tái đàn. Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết, huyện đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các hộ chăn nuôi có heo đã bị dịch ASF không được tái đàn. Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn tự tái đàn, đặc biệt là những trại nuôi có quy mô lớn đã nhập heo con giống về trại.

“Địa phương đã xảy ra trường hợp hộ chăn nuôi có heo không bị dịch nhưng tái đàn trong vùng dịch. Sau đó trại heo này đã bị dịch ASF. Những trường hợp người chăn nuôi tự ý tái đàn khi không đủ điều kiện sẽ không được hỗ trợ khi đàn heo bị dịch ASF” - ông Cương nói.

* Cấm tái đàn nếu không đủ điều kiện

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn có nguy cơ tái phát, các địa phương của Đồng Nai đều tăng cường công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh, nhất là tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thận trọng trong việc tái đàn.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, công tác kiểm soát dịch ASF trên địa bàn huyện được làm rất chặt chẽ. Huyện tăng thêm các chốt lưu động với lực lượng chính là cảnh sát giao thông, tuần tra, kiểm soát cả ban đêm. Nhờ đó, huyện phát hiện và xử lý được nhiều vụ vi phạm về vận chuyển heo và sản phẩm từ heo.

Đặc biệt, UBND huyện đã đề nghị công an vào cuộc, xử phạt hàng trăm triệu đồng để ngăn chặn việc các xe chở heo vào các điểm dừng chân rửa xe, tắm heo sau khi xác định nhiều hộ chăn nuôi nằm dọc tuyến quốc lộ bị dịch ASF. Theo đó, các điểm trung chuyển heo được kiểm soát rất chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh heo không đảm bảo, không đúng quy định.

Biểu đồ thể hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện nay (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Bà Tiên khẳng định: “UBND huyện đã triển khai cho các xã, thông tin rộng rãi trên đài huyện và giao cho các ấp xuống làm việc trực tiếp với hộ chăn nuôi về nội dung những trường hợp các hộ chăn nuôi đã xảy ra dịch ASF thì không được tái đàn. Trường hợp hộ chăn nuôi tự ý tái đàn sẽ không được hỗ trợ nếu tái phát dịch”.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương không cho tái đàn ồ ạt để tránh dịch tiếp tục lan rộng sẽ thiệt hại nặng nề hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Các địa phương phải rà lại tất cả các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn, chỉ những khu vực đảm bảo an toàn mới cho tái đàn. Nếu các cơ sở không chấp hành thì khi xảy ra dịch, tỉnh sẽ không hỗ trợ thiệt hại”.

Bình Nguyên - Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,017,901       39