Kinh tế

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải là động lực trong đổi mới sáng tạo của Việt Nam

Ngày 31-10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng với Tỉnh ủy Đồng Nai và Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngày 31-10, tại Hội trường Tỉnh ủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng với Tỉnh ủy Đồng Nai và Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.

Cùng dự hội thảo có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo, doanh nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

* Đổi mới sáng tạo là yếu tố “sống còn”

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Mặc dù chỉ chiếm 9,2% diện tích nhưng vùng chiếm hơn 45% GDP, 40% kim ngạch xuất khẩu, 43% thu ngân sách của cả nước. Kinh tế vùng phát triển năng động, đạt tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,75 lần mức bình quân của cả nước; năng suất lao động gấp 1,8 lần cả nước; thu hút hơn 56% dự án và 45% số vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhận định, thế giới ngày nay đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mang lại sự thay đổi trong đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bước chuyển sang nền kinh tế số đưa đến những cách tiếp cận mới. Động lực tăng trưởng chủ yếu là dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nguồn lực tri thức và tài nguyên số trở nên quan trọng trong việc đánh giá tiềm lực quốc gia.

Xu thế hội nhập, bối cảnh thay đổi của nền kinh tế thế giới với sự phát triển kinh tế số cũng đặt ra yêu cầu, thách thức lớn cho Việt Nam. Mô hình tăng trưởng của nước ta thời gian qua đang phụ thuộc quá nhiều vào chiều rộng, mới bước đầu thay đổi theo chiều sâu. Mặc dù tạo ra nhiều thành tựu, giải quyết việc làm, song dư địa phát triển của mô hình kinh tế cũ không còn nhiều. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới không cao. Thậm chí nếu không cẩn thận, mô hình kinh tế này trở thành “bẫy hội nhập” của Việt Nam. Do vậy việc chuyển đổi mô hình kinh tế đang đặt ra một cách bức thiết.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh phát biểu tại hội thảo

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực kinh tế lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Dư địa phát triển kinh tế theo chiều rộng đã không còn nhiều, trong khi tiềm năng của vùng, nhất là đổi mới sáng tạo, cải cách thể chế cũng chưa phát huy được đầy đủ. Nhiều “điểm nghẽn” vẫn còn tồn tại, liên kết kinh tế chưa như mong muốn. Kết nối hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng phát triển đô thị, quản lý đô thị bất cập cũng là thách thức lớn, đòi hỏi phải thay đổi.

“Trong xu thế mới, cần khẳng định Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn phải là vùng dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, là hình mẫu của chiến lược, động lực phát triển mới của đất nước. Muốn phát triển bền vững phải đổi mới sáng tạo trong cả cách nghĩ và cách làm, trong tư duy, hành động. Chủ động áp dụng những mô hình mới trong quản trị xã hội, quản trị sản xuất, kinh doanh. Nắm bắt cơ hội “đi tắt, đón đầu” và đi thẳng vào phát triển những nội dung của nền kinh tế số là đòi hỏi cấp thiết lúc này” -
GS-TS.Nguyễn Xuân Thắng nhận định.

Về phương diện địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho hay, Đồng Nai đã tích cực, chủ động để tìm ra những hướng đi mới trong phát triển. Tuy nhiên trong những năm qua, tình hình kinh tế vẫn diễn biến với những khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen. Những khó khăn, thách thức chỉ có thể được giải quyết khi có sự chung sức của cả nền kinh tế, từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của chính quyền đến sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế. Trong đó yêu cầu về đổi mới sáng tạo là một nội dung mang tính quyết định.

“Xu thế đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh trên thế giới. Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, Đồng Nai rất mong muốn lĩnh hội được những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các tỉnh, thành để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật mới cho tỉnh cũng như góp phần vào sự phát triển chung của khu vực” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

* Cần cách tiếp cận mới để phát triển

“Tầm nhìn hiện nay phải khác, tư duy cũng phải thay đổi. Quan tâm lớn nhất hiện nay là quy hoạch. Đi liền với quy hoạch phải có phân công, phân cấp. Nếu không phân công, phân cấp thì không có sáng tạo. Những địa bàn trọng điểm, phải giao nhiệm vụ để phát huy sự sáng tạo của địa phương, khu vực” - GS-TS.Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

PGS-TS.Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi ở từng quốc gia, khu vực. Riêng đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các địa phương cũng cần có sự nhận thức lại về những tác động sâu rộng của cuộc cách mạng này. Trong những năm tới, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm thay đổi cấu trúc kinh tế, thay đổi nhu cầu việc làm và tạo ra những ngành mới mà chúng ta hiện nay chưa biết. Cách tiếp cận mới phải dựa trên đổi mới sáng tạo, và đặc biệt chú trọng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nếu vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ không được thực hiện nghiêm thì đổi mới sáng tạo rất khó để thành công.

Góp ý giải pháp để xây dựng một nền kinh tế thông minh, một tương lai thông minh cho vùng, TS.Nguyễn Văn Vẹn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng, Trường đại học tài chính - marketing cho rằng, cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý phải có khả năng đồng sáng tạo chia sẻ, mục tiêu là nhằm phát huy trí tuệ tập thể và tính kỷ luật. Bên cạnh đó, đổi mới xây dựng lộ trình cơ sở hạ tầng thông minh là yếu tố quan trọng quyết định thành công đô thị thông minh trong tương lai.

Quang cảnh hội thảo khoa học
Quang cảnh hội thảo khoa học

Từ thực tiễn của Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng cần có sự liên kết mạnh mẽ trong vùng. Bởi hạn chế của vùng hiện nay vấn đề đầu tiên phải nói đến là kết nối về hạ tầng. Đơn cử như với tuyến đường sắt đô thị, metro chỉ đến Suối Tiên (quận 9, TP.Hồ Chí Minh) thì hiệu quả chưa thật sự cao. Nếu tuyến đường sắt đô thị kéo dài đến Bình Dương, Biên Hòa thì sẽ rất tốt cho phát triển. Tuy nhiên muốn đưa về rất khó, vì vướng quy định, đường sắt đô thị ở địa phương nào, địa phương đó quản lý. Hiện nay các địa phương đang phối hợp để có phương án kéo dài tuyến, tuy nhiên mới đang ở bước đầu…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chia sẻ thêm, Đồng Nai đã có nhiều cải cách hành chính, nhưng thực tiễn đặt ra là phải tiếp tục cải cách về thể chế, đặc biệt là cần có sự phân quyền nhiều hơn. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh lấy ví dụ, Biên Hòa có 1,2 triệu dân, quy mô dân đô thị lớn thứ 3 cả nước dù chỉ trực thuộc tỉnh. Trong khi đó, nhân lực quản lý hạn chế. Phòng Quản lý đô thị của thành phố đảm nhận lượng công việc thậm chí ngang với một  sở xây dựng của địa phương khác, nhưng nhân lực chỉ mười mấy người. Với các địa phương tự chủ về tài chính, đề nghị cho địa phương được tự chủ về nhân lực. Nơi nào việc nhiều thì dùng nhiều người; chỗ nào ít việc thì tự quyết định giảm nhân sự để phù hợp.

 “Muốn sáng tạo, đổi mới phải chấp nhận rủi ro trong quản lý. Bởi, không chấp nhận rủi ro, hệ thống chính quyền khó có thể thực hiện được. Vì hệ thống thanh tra, kiểm tra bao giờ cũng lấy quy định và luật để đối chiếu, trong khi chính quyền ngoài việc quản lý theo luật phải kết hợp với thực tiễn” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chia sẻ.

Văn Gia

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,092,780       415