Số lượng các khu công nghiệp (KCN) tăng lên nhanh chóng kéo theo một lượng lớn lao động nhập cư, chuyên gia nước ngoài vào làm việc, dẫn đến nhu cầu nơi ăn chốn ở, dịch vụ phục vụ cuộc sống… tăng cao. Nhiều KCN trong cả nước cũng như Đồng Nai đã nỗ lực cải thiện, đổi mới để nâng chất thu hút đầu tư bằng dịch vụ đi kèm.
Số lượng các khu công nghiệp (KCN) tăng lên nhanh chóng kéo theo một lượng lớn lao động nhập cư, chuyên gia nước ngoài vào làm việc, dẫn đến nhu cầu nơi ăn chốn ở, dịch vụ phục vụ cuộc sống… tăng cao. Nhiều KCN trong cả nước cũng như Đồng Nai đã nỗ lực cải thiện, đổi mới để nâng chất thu hút đầu tư bằng dịch vụ đi kèm.
Khu đô thị The Viva City đón đầu Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) của Tập đoàn Đất Xanh. Ảnh: V.Gia |
Một trong những giải pháp mà các KCN đang tiến hành là chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình “KCN gắn với khu thương mại, dịch vụ, đô thị hiện đại” nhằm tăng sức cạnh tranh, tính hấp dẫn với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
* Giải quyết những tồn tại của KCN truyền thống
Việc phát triển các KCN những năm qua ở một số vùng còn nhiều bất cập. Trong đó, dễ thấy nhất là cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ và hiện đại. Đặc biệt là chưa tạo ra được khu dân cư và các công trình xã hội để đem lại môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động.
Phát triển KCN quá nhiều nhưng quy hoạch đô thị chưa đồng bộ dẫn đến quá trình đô thị hóa tự phát, việc đảm bảo cho sự phát triển bền vững của KCN nói riêng và địa phương nói chung vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm là việc phát triển bền vững KCN phải đi đôi với phát triển khu dân cư và các tiện ích xã hội đi kèm được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.
Trước những tồn tại trên, tháng 5-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018 về quy định về quản lý KCN và khu kinh tế. Trong đó, nghị định dành một mục để quy định việc phát triển KCN - đô thị - dịch vụ. Mục tiêu là nhằm hình thành khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, gắn kết giữa phát triển KCN với quá trình đô thị hóa tại các địa phương. Đồng thời, loại hình này có trách nhiệm giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác, đảm bảo cuộc sống của công nhân trong KCN, góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều KCN. Mô hình KCN - đô thị - dịch vụ là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai là địa phương thuộc tốp đầu cả nước về phát triển KCN. Cùng với quá trình công nghiệp hóa là đô thị hóa, trong khi đó quỹ đất đô thị tại trung tâm như Biên Hòa, Long Khánh, các thị trấn còn lại không nhiều. Do đó, cùng với việc mở rộng, đầu tư thêm KCN thì Đồng Nai cũng khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng xã hội, đặc biệt là phát triển các khu dân cư, khu đô thị liền kề với các KCN theo quy hoạch. Điều này sẽ giúp giảm tải áp lực đô thị hóa về trung tâm cũng như tạo cơ sở bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
* Nhiều nhà đầu tư tham gia
Trên thực tế, do nhu cầu tự thân của cư dân KCN cũng như sự nhạy bén của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư hạ tầng KCN mà những năm qua, đã có nhiều dự án đô thị, nhà ở được xây dựng để phục vụ KCN.
Các khu nhà liên kế trong dự án Viva Park đang được xây dựng. Ảnh: V.Gia |
Đầu tiên phải kể đến dự án Nhà ở công nhân KCN Nhơn Trạch do Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam (IDICO) thực hiện. Dự án có quy mô 27 block chung cư 5 tầng được xây dựng từ năm 2013-2019. Dự án này gồm 3.520 căn hộ có diện tích từ 34-65m2, giải quyết chỗ ở cho gần 8 ngàn công nhân. Ngoài ra, còn có các công trình công cộng khác như: nhà trẻ, chợ, trạm y tế, sân thể thao, công viên cây xanh, đường giao thông nội bộ để góp phần nâng cao đời sống cho người lao động.
Sau khi đầu tư KCN Amata (TP.Biên Hòa) thành công, Tập đoàn Amata cũng tiếp tục đầu tư KCN công nghệ cao Long Thành và khu đô thị - dịch vụ (huyện Long Thành) với diện tích trên 1 ngàn hécta... Mới đây, Amata đã đề xuất UBND tỉnh cho chuyển đổi dự án Khu đô thị - dịch vụ Long Thành thành dự án thành phố thông minh.
Theo ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Amata, tập đoàn này đã đầu tư xây dựng một số dự án thành phố thông minh tại Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc). Việc chuyển đổi tên gọi sẽ đưa dự án được phát triển mạnh hơn, phục vụ tốt hơn cho cư dân làm việc trong các KCN và tạo “bộ mặt” đô thị mới cho địa phương.
Trong số các doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này, Tổng công ty phát triển KCN Sonadezi là một trong những đơn vị chủ lực. KCN Long Thành được Sonadezi “nhắm” đến là một KCN - đô thị. Ngoài xây dựng hạ tầng đất công nghiệp cho thuê, KCN Long Thành còn có những tiện ích đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và người lao động như: chung cư cho công nhân, trường học, trạm xăng dầu, trung tâm thương mại... Từ ý tưởng đó, Sonadezi Long Thành đã đầu tư xây dựng Khu dân cư Tam An 1 với điểm nhấn là các khối nhà ký túc xá giúp các nhà đầu tư trong KCN Long Thành ổn định nơi ăn, chốn ở cho công nhân lao động.
Ngoài Khu dân cư Tam An 1, Sonadezi còn đầu tư Khu dân cư dịch vụ Giang Điền quy mô 140 hécta và tiếp tục đầu tư các dự án khác. “Mô hình của Sonadezi là làm KCN phải có khu dân cư gần đó, trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực này. Xu hướng này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh nên rất mong nhận được sự đồng hành từ các cơ quan, ban, ngành liên quan, các địa phương” - bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sonadezi cho hay.
Cùng “đón đầu” KCN Giang Điền, Công ty cổ phần bất động sản Đất Xanh đã đầu tư các dự án Viva Park, Viva City ngay liền kề đó. Theo lãnh đạo công ty, ngoài phục vụ cho công nhân, chuyên gia trong KCN thì những dự án này còn hướng tới mục tiêu phát triển đô thị trong tương lai. Nơi đây có lợi thế giao thông, lại rất gần Sân bay Long Thành cũng như kết nối tứ giác đô thị của Đồng Nai là Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch - Trảng Bom sẽ là điều kiện tốt để phát triển.
Văn Gia