Kinh tế

Doanh nhân ngày càng được xã hội tôn trọng và kỳ vọng

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh, từng có gần 30 năm sát cánh cùng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

 

Ông Trần Ngọc Liêm. Ảnh:H.Quân
Ông Trần Ngọc Liêm. Ảnh:H.Quân

Ông là người đề xuất và tư vấn, hỗ trợ thành lập Hội Doanh nghiệp xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; tổ chức và đồng chủ trì các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An.

Ngoài ra, ông hiện là trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đại diện Chi nhánh VCCI tại TP.Hồ Chí Minh tham gia tổ chức, đồng chủ trì nhiều hoạt động của Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA).

* Doanh nhân Việt Nam trẻ và năng động hơn trước

 Thưa ông, qua nhiều năm theo dõi, sát cánh cùng doanh nghiệp Việt Nam và chứng kiến nhiều tầng lớp doanh nhân Việt Nam trưởng thành, ông nhìn nhận về đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay ra sao?

- Theo tôi, độ trẻ trung, năng động, linh hoạt của doanh nhân ngày càng được thể hiện. Tốc độ phát triển doanh nghiệp cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, tính bền vững của doanh nghiệp trong nước hiện vẫn chưa cao, song song với đó là quá trình đào thải cũng diễn ra khá nhanh.

Điều này thể hiện qua số lượng doanh nghiệp các năm tăng cao. Cụ thể, từ năm 2015-2018, trung bình mỗi năm có khoảng 100 ngàn doanh nghiệp thành lập mới. Chỉ tính riêng trong năm 2018, số lượng doanh nghiệp mới thành lập ở mức kỷ lục với khoảng 130 ngàn doanh nghiệp.

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể cũng còn cao. Riêng trong năm 2018, cả nước có khoảng 90 ngàn doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và khoảng 16 ngàn doanh nghiệp giải thể.

Hơn thế nữa, quy mô doanh nghiệp lớn của nước ta chưa cao. Tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm khoảng 74,4%, doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 22%, doanh nghiệp vừa chiếm khoảng 1,6% tổng số lượng doanh nghiệp trong nước. Tức là, chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp lớn. Con số này vẫn còn thấp so với kỳ vọng.

 Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư đã hơn 30 năm, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân từ chỗ chưa được đánh giá cao trong quan niệm xã hội cũ, nay lại trở thành tầng lớp mũi nhọn trong phát triển kinh tế đất nước và rất được tôn trọng. Ông nghĩ gì về điều này?

- Đúng là vai trò của doanh nhân có nhiều sự thay đổi tùy theo từng thời kỳ lịch sử của đất nước. Ngay từ khi thành lập nước, đội ngũ doanh nhân đã tích cực tham gia nhiều hoạt động về hỗ trợ nguồn tài chính để vận hành đất nước. Trong đó, doanh nhân là tầng lớp có nhiều đóng góp trong đợt phát động Tuần lễ vàng của Chính phủ lúc bấy giờ.

Trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh và giai đoạn đầu khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nền kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp và dựa vào nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa nên tầm quan trọng của doanh nhân giai đoạn này có phần mờ nhạt hơn.

Đến giai đoạn đổi mới, mở cửa và khi Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, vai trò của đội ngũ doanh nhân được khẳng định một cách rõ nét hơn. Đây chính là tầng lớp tổ chức hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối, đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng, tạo ra các giá trị trên thị trường... Nếu xem phát triển kinh tế là một mặt trận trong giai đoạn hiện nay thì lực lượng doanh nhân chính là thành phần không thể thiếu, có vai trò đầu tàu trên mặt trận này.

 Thủ tướng Chính phủ nhiều lần bày tỏ mong muốn Việt Nam trở thành một “quốc gia khởi nghiệp”, đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020. Ông có cho rằng nhất thiết phải đạt được con số này, thay vào đó, nên tập trung vào chất lượng thực sự của doanh nghiệp?

- Việc đạt được còn số này là cần thiết trong bối cảnh cả nước hiện có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, hơn 30 ngàn trang trại... Đây là nguồn rất lớn và rất dễ để phát triển thành doanh nghiệp. Theo khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI, phần lớn doanh nghiệp hiện nay đều từ hộ kinh doanh cá thể đi lên, cụ thể có 77% doanh nghiệp siêu nhỏ, 69% doanh nghiệp nhỏ và 55% doanh nghiệp vừa đi lên từ hộ kinh doanh. Do đó, các chính sách, cách thức phát triển doanh nghiệp cần có định hướng phù hợp, nên chú trọng, tập trung phát triển từ hộ kinh doanh nhiều hơn.

Về vấn đề chất lượng thực sự của doanh nghiệp, Nghị quyết 35/NQ-CP/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nêu rõ mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động mạnh. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hằng năm, có khoảng 30-35% doanh nghiệp trong nước có hoạt động đổi mới sáng tạo...

Hiện nay, cả nước có khoảng 740 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Mỗi năm chúng ta có thêm khoảng 100 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và số lượng không nhỏ các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể. Như vậy, tính tới ngày 1-1-2020 (còn khoảng 3 tháng) hay hết năm 2020 (15 tháng), với tốc độ phát triển này sẽ khó hoàn thành mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.

* Doanh nhân Việt Nam cần liên kết lại

 So với tầng lớp doanh nhân các nước trong khu vực (Thái Lan, Singapore...) thì doanh nhân Việt Nam có điểm mạnh gì?

- Lực lượng doanh nhân của nước ta phát triển khá mạnh, số lượng tăng nhanh. Điểm mạnh của phần lớn các doanh nhân trong nước là tính năng động, linh hoạt trong phân khúc nhỏ của thị trường, trong các thị trường “ngách”... Bên cạnh đó, việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin của chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng được chú trọng, có hướng phát triển tốt.

 Và nếu nhìn thẳng vào những điểm yếu của doanh nhân Việt Nam, thì theo ông đó là những điểm gì?

- Thực tế cho thấy, doanh nhân trong nước vẫn còn nhiều điểm hạn chế so với doanh nhân các nước trong khu vực. Một trong những điểm hạn chế lớn nhất là sự thiếu tính liên kết, chuyên nghiệp, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế của nhiều doanh nhân còn chưa cao. Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh tuy có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung vẫn còn thấp về quy mô so với các nước phát triển.

Phân tích dữ liệu cáo cáo PCI cho thấy chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ, gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa, 24% doanh nghiệp lớn có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp từ nước ngoài. Tương tự, chỉ có khoảng 3-4% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, 7% doanh nghiệp vừa và 11% doanh nghiệp lớn có khách hàng chính là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Qua đó cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn quẩn quanh tại thị trường nội địa, sự liên kết với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ còn rất thấp.

Ngoài ra, hiện nay phần lớn doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở mức thấp. Điều này khiến cho sự phát triển doanh nghiệp chưa lớn mạnh. Nhiều doanh nghiệp ở nước ta chủ yếu tham gia ở phân khúc sản xuất tạo ra giá trị thấp, tỷ lệ gia công sản phẩm còn cao...

 Việt Nam nhiều lần khẳng định cần “mở đường”, tạo nền tảng tốt cho doanh nghiệp tư nhân phát triển vì đội ngũ này đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước, chính sách có thực sự phát huy hiệu quả?

- Nhà nước ngày càng quan tâm đến các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng công nghệ cao... Tuy nhiên, các chính sách khi áp dụng vào thực tế lại có tính khả thi, tính thực thi chưa được như kỳ vọng. Nguồn lực hỗ trợ phân tán, chưa tập trung.

Trên thực tế, doanh nghiệp FDI vẫn đang có nhiều thế mạnh về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý... Doanh nghiệp FDI chỉ chiếm gần 3% về số lượng với khoảng 20 ngàn doanh nghiệp nhưng chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đối với chính sách thu hút đầu tư, trong tình hình hiện nay, nhất là trước những diễn biến phức tạp từ mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam, các địa phương cần lưu ý thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường... Đặc biệt, không nên thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá bởi như thế sẽ tác động không tốt tới quá trình phát triển của các doanh nghiệp ở địa phương, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 Xin cảm ơn ông!

Hải Quân (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,094,313       419