Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang được doanh nghiệp rất quan tâm. Tuy nhiên, từ khi nghị định có hiệu lực đến nay, các địa phương trên địa bàn Đồng Nai vẫn khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn lớn.
Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang được doanh nghiệp rất quan tâm. Chính sách mới này hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khá đồng bộ từ miễn, giảm tiền sử dụng và tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai, tín dụng; hỗ trợ trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, đầu tư hạ tầng...
Ảnh tư liệu |
Tuy nhiên, từ khi nghị định có hiệu lực đến nay, các địa phương trên địa bàn Đồng Nai vẫn khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn lớn. Theo phản ảnh của các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết với quy mô lớn tại Đồng Nai, họ đều gặp khó khăn chung là thiếu quỹ đất với quy mô lớn. Có những vùng quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt tập trung còn quỹ đất thì giá thuê và mua đất nông nghiệp ở Đồng Nai quá cao cũng là rào cản không nhỏ.
Đồng Nai có nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái, cây tiêu, điều... với diện tích cả ngàn hécta nhưng doanh nghiệp chọn hướng liên kết với nông dân cũng không dễ vì giữa hai bên vẫn chưa xây dựng được lòng tin bền vững; hợp đồng giữa hai bên cũng dễ dàng bị phá vỡ do sự ràng buộc về pháp lý còn yếu.
Theo đó, việc đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất thay sức người vẫn là câu chuyện còn... dài hơi vì việc tập trung diện tích quy mô lớn để ứng dụng đồng bộ kỹ thuật, máy móc là điều không dễ. Cụ thể, nhiều dự án cánh đồng lớn về cây mía, cây lúa…từng được doanh nghiệp triển khai tại Đồng đã phá sản do dự án chỉ có khoảng 50-70 hécta mà có cả trăm bờ bao ngăn cách để phân biệt diện tích giữa các hộ dân. Vùng chôm chôm Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) có diện tích cả ngàn hécta, vài năm trước đã có doanh nghiệp về đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm chôm chôm Java xuất khẩu đi thị trường Pháp. Qua kiểm định về chất lượng và các điều kiện khác, sản phẩm chôm chôm Java Bình Lộc đều đạt chuẩn. Nhưng chương trình này không khả thi vì địa phương không đáp ứng được tiêu chuẩn có vùng chuyên canh thuần giống chôm chôm Java do nhiều hộ dân ở vùng này chuyển đổi sang trồng chôm chôm Thái hoặc sầu riêng…
Theo các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành nông nghiệp tuy không thiếu nhưng thường vẫn còn độ chênh khi áp dụng vào thực tế nên hiệu quả chưa như mong muốn. Trong đó, vấn đề thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiêu khê cũng khiến doanh nghiệp còn e dè khi tiếp cận.
Bình Nguyên