Khi tham gia vào hội nhập sâu, việc doanh nghiệp bị đánh cắp và làm giả nhãn hiệu hàng hóa diễn ra khá thường xuyên tại Việt Nam và các nước. Tuy nhiên ở Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại vẫn chưa chú ý đăng ký nhãn hàng hóa để bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm.
Sản phẩm nấm ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) được tỉnh hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở thị trường trong nước. Ảnh: H.Giang |
Theo Sở Khoa học - công nghệ, trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã hỗ trợ cho 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, trang trại đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Ngoài ra, một số doanh nghiệp của tỉnh đã đăng ký nhãn hiệu trực tiếp với Bộ Khoa học - công nghệ.
* Không đăng ký, dễ mất quyền
Những năm qua, đã có nhiều thương hiệu Việt Nam nổi tiếng như: kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, cà phê Trung Nguyên... từng bị nước ngoài sử dụng nhãn hiệu ở một số thị trường xuất khẩu, song chỉ có số ít doanh nghiệp thành công trong việc đòi lại nhãn hiệu. Quá trình đòi lại thương hiệu cho sản phẩm thường rất tốn kém, gian nan và đôi khi phải chịu mất trắng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đăng ký nhãn hàng hóa để bảo vệ thương hiệu là việc làm cần thiết cho những doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại có sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Khi chậm trễ trong việc đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng, mua với số lượng lớn, doanh nghiệp rất dễ bị đánh cắp, làm giả thương hiệu. Đồng thời, chậm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thì thương hiệu sẽ không được bảo hộ, rất khó bảo vệ quyền lợi của mình khi có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra.
Ông Nguyễn Kim Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Kim Minh (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty tôi chuyên sản xuất các loại bánh tráng dùng để làm chả giò. Do có bí quyết riêng nên sản phẩm được thị trường trong nước và nước ngoài khá ưa chuộng. Sản phẩm của công ty cũng từng bị làm giả nên tôi đang chuẩn bị thủ tục để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở trong nước và ở những thị trường sẽ xuất khẩu”.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Võ Văn Tỉnh, mỗi năm, đơn vị bắt giữ hàng chục tấn hàng hóa giả nhãn hiệu, trong đó đa số là mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm, giày dép, quần áo của nhiều thương hiệu trong nước, nước ngoài như: Ajinomoto, Nike, Sunsilk, Loréal, đường Biên Hòa, Bibica... Nhưng những sản phẩm trên đã được các doanh nghiệp đăng ký nhãn hàng hóa nên khi phát hiện rất dễ xử lý các đối tượng làm giả. Với những sản phẩm chưa đăng ký nhãn hiệu, sẽ rất khó để xử lý được đối tượng làm giả.
* Bảo vệ mình, tránh rủi ro
Tại Đồng Nai có hàng ngàn doanh nghiệp, hợp tác xã đã có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng lại chưa chú ý nhiều đến việc đăng ký nhãn hiệu tại những thị trường sẽ đưa hàng hóa đến. Đây là rủi ro rất lớn và đã từng có những bài học đắt giá về chuyện thương hiệu bị đánh cắp. Một ví dụ tiêu biểu là nước mắm nhỉ Phan Thiết bị Công ty Kim Seng, trụ sở tại Hoa Kỳ đã đăng ký nhãn hiệu “nước mắm nhỉ Phan Thiết” tại thị trường này 10 năm và đến năm 2019 mới hết hiệu lực. Hay như thương hiệu cà phê Đắk Lắk cũng bị một công ty của Pháp đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác nhau. Thương hiệu bánh kẹo của Công ty cổ phần Bibica và một số sản phẩm của Công ty cổ phần Vinamit cũng từng bị đánh cắp ở thị trường nước ngoài.
Công ty cổ phần thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) là một trong số ít doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong nước và những nước có xuất khẩu phẩm đến. Ảnh: H.Giang |
Chi phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hiện không cao, Để đăng ký thành công 1 nhãn hiệu hàng hóa, doanh nghiệp chỉ mất hơn 10 triệu đồng. Một doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại có thể đăng ký 1 hay nhiều nhãn hiệu.
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học - công nghệ) cho biết: “Tỉnh có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, trang trại đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu có thể đăng ký với Sở Khoa học - công nghệ để được hướng dẫn làm thủ tục và kinh phí thực hiện”. Cũng theo ông Trường, chương trình hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đã được tỉnh triển khai 9 năm nay. Tuy nhiên, khoảng 2-3 nay, các doanh nghiệp nhỏ mới bắt đầu quan tâm đến chuyện đăng ký nhãn hiệu ở thị trường trong nước. Mặt khác, doanh nghiệp cũng chưa chú ý đến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm ở những nước mà mình đang xuất khẩu.
Ông Trần Trọng Nguyễn, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên sản xuất thực phẩm - thương mại Đông Nhi (huyện Trảng Bom) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất bún, hủ tiếu khô tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Australia, Đài Loan. Hiện công ty chỉ đăng ký nhãnh hiệu ở thị trường trong nước, sắp tới mới đăng ký nhãn hiệu ở thị trường Australia, Đài Loan (Trung Quốc) và một số thị trường sẽ bán hàng vào để tránh bị đánh cắp thương hiệu một số doanh nghiệp khác”.
Câu chuyện thương hiệu bị đánh cắp không còn mới mẻ với doanh nghiệp Việt và nguyên nhân dẫn đến việc này là do doanh nghiệp chưa đăng ký nhãn hàng hóa để bảo hộ thương hiệu của mình.
Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài rất chú ý việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trước khi đưa sản phẩm ra thị trường nên sản phẩm và thương hiệu của họ được bảo hộ. Tại Việt Nam cũng như Đồng Nai, doanh nghiệp, hợp tác xã lại hay làm ngược lại, đợi khi sản phẩm của mình được thị trường ưa chuộng mới đi đăng ký nhãn hiệu nên rất dễ bị mất. |
Hương Giang