Đồng Nai đang xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mục tiêu là nhằm đánh giá và lựa chọn đúng mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.
Huyện Trảng Bom đang triển khai dự án cánh đồng lớn cho cây chuối cấy mô xuất khẩu. Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Phát triển chuỗi sản phẩm thế mạnh
Ngoài các sản phẩm tiêu, cà phê, điều, Đồng Nai còn có lợi thế rất lớn về các vùng cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi... có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Nhiều loại cây ăn trái đã xây dựng được vùng sản xuất sạch. Đây cũng là lợi thế không nhỏ cho địa phương tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chuối vào các hệ thống siêu thị của Nhật Bản chia sẻ về câu chuyện làm nông nghiệp trong hội nhập. Theo đó, muốn xuất khẩu tốt phải sản xuất với quy mô lớn, đảm bảo về chất lượng. Chính vì vậy, ông đang đầu tư dự án cánh đồng lớn cho cây chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom.
Cũng theo ông Huy, câu chuyện đầu ra không chỉ của riêng doanh nghiệp mà nông dân cũng phải tìm hiểu thật chi tiết, cụ thể nhu cầu của từng thị trường để làm ra sản phẩm thị trường cần. “Muốn bán hàng cho ai, phải hiểu nhu cầu của người đó. Muốn bán hàng đi Trung Quốc, phải tìm hiểu kỹ chuẩn mực của Trung Quốc, muốn bán đi Hàn Quốc thì phải hiểu rõ chuẩn mực của Hàn Quốc. Nếu nông dân vẫn giữ tư tưởng Trung Quốc là thị trường dễ tính thì không còn phù hợp. Bây giờ nông sản Việt muốn có đầu ra ổn định phải bán được cho doanh nghiệp Trung Quốc khó tính” - ông Huy nói.
* Nâng chất khâu sản xuất
Thu hút nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch theo chuẩn xuất khẩu đang được Đồng Nai tập trung khuyến khích vì đây là hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Chỉ ra điểm yếu của mặt hàng trái cây khi tham gia thị trường xuất khẩu, ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, vùng chôm chôm Bình Lộc đã thực hành sản xuất theo chuẩn VietGAP nhiều năm qua.
Nông dân trồng tiêu theo hướng hữu cơ tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu |
Tuy nhiên, vụ thu hoạch vừa qua, hợp tác xã chỉ bán được khoảng 145 tấn chôm chôm cho doanh nghiệp cung cấp vào các hệ thống siêu thị và xuất khẩu. Nhiều năm qua, trái chôm chôm Bình Lộc khó đẩy mạnh kênh tiêu thụ vào siêu thị và xuất khẩu do nông dân... ngại ghi nhật ký sản xuất là yêu cầu rất quan trọng để kiểm soát chất lượng cũng như khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Tâm: “Hiện Bình Lộc phát triển mạnh mô hình du lịch vườn. Đây cũng là động lực khuyến khích nông dân chăm chút giữ những vườn cây đạt chuẩn an toàn, vệ sinh để thu hút khách vì mô hình này là hướng mới mang lại hiệu quả cao cho nhà vườn”.
Ông Nguyễn Quân, Giám đốc Công ty Northwest Evergreen Co. (Hoa Kỳ) cho biết, những doanh nghiệp Việt Nam đi tiên phong xuất khẩu trái xoài vào thị trường Hoa Kỳ đã mất cả chục năm chuẩn bị. Hiện thị trường này đã mở cửa là một lợi thế rất tốt để đẩy mạnh xuất khẩu cho trái xoài Việt Nam.
“Qua khảo sát, tôi thấy không có loại xoài nào ngon bằng giống xoài cát Hòa Lộc nên đã nhiều lần về Việt Nam tìm vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu. Cửa đã mở, tiềm năng của thị trường Hoa Kỳ là rất lớn, quan trọng là nông dân cần thay đổi ngay thói quen sản xuất để tạo ra những sản phẩm an toàn để không bỏ lỡ cơ hội lớn này” - ông Quân nói.
Lê Quyên