Kinh tế

'Điểm sáng' mới trong thu hút đầu tư

Từ một huyện thuần nông, Trảng Bom hiện có ngành công nghiệp đứng vào hàng phát triển nhất của tỉnh. Trở thành huyện công nghiệp theo hướng hiện đại là mục tiêu của huyện nhằm giúp thương mại - dịch vụ khởi sắc và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt của huyện trong tương lai.

Sản xuất cơ khí tại một công ty ở Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom)
Sản xuất cơ khí tại một công ty ở Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom). Ảnh: H.Lộc

Là địa phương đi sau trong phát triển công nghiệp, tuy nhiên, Trảng Bom được xem là “điểm sáng” mới trong thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng doanh nghiệp tìm đến Trảng Bom ngày càng nhiều, đặc biệt 5 năm trở lại đây.

* Ưu tiên phát triển công nghiệp

Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Hữu Đảng cho biết: Tương lai, huyện Trảng Bom tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp. Đây được xem là “đòn bẩy” để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo chuẩn đô thị Trảng Bom loại IV và hướng đến thị xã trong giai đoạn 2020-2025. Công nghiệp chủ lực, cơ khí chế tạo, ngành ít thâm dụng lao động và ít gây ô nhiễm môi trường sẽ được ưu tiên thu hút.

Chính quyền địa phương luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, địa phương cùng phát triển bền vững. Phát triển kinh tế gắn với nâng cao các dịch vụ y tế - giáo dục - thương mại, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nếu năm 2014, huyện Trảng Bom chỉ có 115 dự án FDI, thì nay đã thu hút gần 200 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký khoảng 10 tỷ USD, trở thành một trong 4 địa phương phát triển công nghiệp nhất tỉnh.

Hiện Trảng Bom có 4 khu công nghiệp (Hố Nai, Bàu Xéo, Sông Mây, Giang Điền) với tổng diện tích hơn 1,68 ngàn hécta, giải quyết việc làm cho gần 130 ngàn lao động. Ngoài ra, địa phương cũng quy hoạch được 4 cụm công nghiệp (1 cụm đã lấp đầy, 1 cụm đã có chủ đầu tư, 2 cụm đang kêu gọi đầu tư) và 1 cụm làng nghề.

9 tháng của năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp huyện đạt gần 75 ngàn tỷ đồng, tăng gần 14%; các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh đạt tỷ lệ cao, dự báo vượt kế hoạch năm, đồng thời thị trấn Trảng Bom được công nhận đô thị loại IV, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt gần 65 triệu đồng/người/năm.

“Từ năm 2008, huyện Trảng Bom đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, thực hiện nhiều khâu đột phá liên quan đến phát triển công nghiệp. Do đó, việc thu hút đầu tư vào huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Chẳng hạn liên quan đến tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, bộ phận “một cửa” hiện tại đã rút ngắn được 2/3 thời gian giải quyết thủ tục hành chính” - ông Lê Hữu Đảng, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết.

Trang trại nuôi gà ở xã An Viễn
Trang trại nuôi gà ở xã An Viễn. Ảnh: H.Lộc

Là doanh nghiệp có quy mô tại huyện Trảng Bom, ông Ðặng Minh Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH giày Việt Vinh Ðồng Nai (thuộc Tập đoàn Phong Thái - Đài Loan) cho biết, khi chọn địa điểm đầu tư, tập đoàn quan tâm đến hai vấn đề là nguồn nhân lực và giao thông thuận lợi. Huyện Trảng Bom là nơi đáp ứng được 2 tiêu chí đó. Quá trình hoạt động, các cơ quan chính quyền ở Trảng Bom cũng như tỉnh Đồng Nai luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Dó đó, số lượng doanh nghiệp thuộc tập đoàn ngày càng tăng. Tập đoàn Phong Thái hiện có 7 nhà máy với trên 65 ngàn lao động tại Việt Nam, trong đó Đồng Nai chiếm hơn một nửa.

Công nghiệp phát triển đã tạo đà cho các ngành nông nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển. Trong nông nghiệp hình thành các mô hình sản xuất, trang trại chăn nuôi lớn gắn với tiêu thụ, chế biến; thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tăng trưởng bình quân ngành thương mại dịch vụ trên 17% năm, gấp 4 lần về tốc độ tăng trưởng, tổng doanh thu ngành nông nghiệp.

Bên cạnh Phong Thái, nhiều công ty lớn và tập đoàn đa quốc gia, sau một thời gian làm ăn có hiệu quả đã mở rộng quy mô, đầu tư các nhà máy mới tại huyện Trảng Bom như: Tập đoàn Pousung, Tập đoàn Vpic, Tập đoàn Kenda... Hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp FDI đang tìm hiểu chính sách, môi trường đầu tư, tiềm lực về lao động và giao thông với ý định sẽ đặt nhà máy sản xuất tại địa phương.

* Hình thành nền “nông nghiệp hàng hóa”

Vài năm nay, huyện Trảng Bom liên tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng. Trên địa bàn huyện đã hình thành được các cụm, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị hiện đại. Năm 2017, Trảng Bom là huyện đầu tiên của tỉnh đạt nông thôn mới theo “chuẩn mới” áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ.

Huyện Trảng Bom trong những năm gần đây đã chuyển dần sang canh tác các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như: tiêu, cà phê, điều, thanh long, chuối, ca cao, bưởi… và dần hình thành nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Nông dân thu hoạch rau tại xã Đồi 61
Nông dân thu hoạch rau tại xã Đồi 61. Ảnh: H.Lộc

Trong đó, nhiều mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã và đang hình thành, thu hút được doanh nghiệp, nông dân cùng tham gia như: dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây điều tại xã An Viễn, mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao tại xã Sông Thao, cánh đồng lớn bưởi da xanh ở xã Bàu Hàm và cánh đồng lớn chuối ở xã Thanh Bình, cánh đồng rau ở xã Đồi 61... Qua đó, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện duy trì mức tăng bình quân hơn 4%/năm. Đời sống nông dân ở nông thôn ngày càng nâng cao.

Chăn nuôi trang trại được xem là thế mạnh của ngành nông nghiệp huyện Trảng Bom. Các trang trại gà, heo, chim cút... là vùng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp chế biến. Nhiều sản phẩm từ các trang trại chăn nuôi lạnh ở huyện Trảng Bom đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản.

Công nghiệp phát triển đã tạo đà cho các ngành nông nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển. Trong nông nghiệp hình thành các mô hình sản xuất, trang trại chăn nuôi lớn gắn với tiêu thụ, chế biến; thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tăng trưởng bình quân ngành thương mại dịch vụ trên 17% năm, gấp 4 lần về tốc độ tăng trưởng, tổng doanh thu ngành nông nghiệp.

Hoàng Lộc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,096,573       509