Kinh tế

Điều chỉnh tăng phù hợp với quy định của Chính phủ

Ban Chỉ đạo xây dựng bảng giá đất tỉnh đang gấp rút hoàn thành việc lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương để hoàn thành bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trong tháng 9-2019 để trình HĐND tỉnh thông qua.

Các doanh nghiệp, cá nhân đều rất quan tâm đến bảng giá đất vì liên quan trực tiếp đến việc nộp tiền sử dụng đất, thuế, chuyển mục đích sử dụng đất...

Đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) dự tính giá đất mới từ 3-26 triệu đồng/m2, cao hơn bảng giá đất năm 2019  từ 1-9 triệu đồng/m2. Ảnh: H. Giang
Đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) dự tính giá đất mới từ 3-26 triệu đồng/m2, cao hơn bảng giá đất năm 2019 từ 1-9 triệu đồng/m2. Ảnh: H. Giang

TIN LIÊN QUAN
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, nội dung bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 đã cơ bản hoàn thành và lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương. Các địa phương hầu hết đều thống nhất với bảng giá đất mới, tuy nhiên, một số huyện đề xuất tăng thêm giá đất nông nghiệp và giảm giá đất phi nông nghiệp ở một số vị trí để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

* Phân loại đất để tính giá

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 xây dựng đối với tất cả các tuyến đường trên địa bàn tỉnh (kể cả hẻm có chiều rộng 4m trở lên và có chiều dài 200m). Những hẻm có chiều rộng dưới 4m thì giá đất sẽ tính theo đường chính đi vào.       

Bảng giá đất giai đoạn tới sẽ phân thành 2 loại đất để áp giá là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Trong đó, đất nông nghiệp sẽ phân thành đất trồng cây hằng năm, cây lâu năm, đất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, đất nông nghiệp các đảo, cù lao. Đất phi nông nghiệp gồm có: đất ở, đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất nghĩa trang... Tuy nhiên, mức giá đất cụ thể cho từng loại còn căn cứ vào các tuyến đường, vị trí.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường cho biết: “Giá đất ở giai đoạn tới sẽ được xây dựng chi tiết và cụ thể ở cả khu vực đô thị lẫn vùng nông thôn. Thậm chí, có những tuyến đường sẽ được chia thành nhiều đoạn để tính giá cho thích hợp. Bảng giá đất về cơ bản đã hoàn thành, hiện chỉ còn tổng hợp thêm ý kiến của một số địa phương để hoàn thiện rồi trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh trong kỳ họp cuối năm”.

Theo đó, bảng giá đất nông nghiệp từ năm 2020 được đề xuất từ 25-450 ngàn đồng/m2 tùy theo vị trí và địa bàn. Khu vực có giá đất nông nghiệp cao nhất là TP.Biên Hòa, có giá dao động từ 130-450 ngàn đồng/m2. Nơi có giá đất nông nghiệp thấp nhất là huyện Tân Phú, từ 25-160 ngàn đồng/m2. Đất phi nông nghiệp dự kiến từ 60 ngàn đồng đến 35 triệu đồng/m2, tăng từ 0,2-3 lần so với giá đất năm 2019.

Ý kiến của một số địa phương về bảng giá đất giai đoạn tới là nên tăng giá đất nông nghiệp và giảm giá đất phi nông nghiệp. Nguyên nhân là do giá đất nông nghiệp trên thị trường hiện cao hơn bảng giá đất của tỉnh bình quân 4-8 lần, cá biệt có nơi đã tăng hơn 10 lần, ví dụ một số vị trí ở TP.Biên Hòa và các huyện như: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom.

Bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa nhận định: “Giá đất nông nghiệp tại Biên Hòa mà người dân chuyển nhượng có những nơi lên đến 7-10 triệu đồng/m2, nhưng trong bảng giá đất giai đoạn tới của tỉnh chỉ điều chỉnh cao nhất là 450 ngàn đồng/m2, so ra quá thấp so với giá thị trường, vì thế thành phố đề nghị nên điều chỉnh tăng vượt khung. Như vậy khi thu hồi đất cho các dự án sẽ thuận lợi hơn”.

* Đề xuất giảm giá đất phi nông nghiệp

Các địa phương đều có đề xuất nên giảm giá đất phi nông nghiệp để tạo thuận lợi cho người dân trong chuyển mục đích sử dụng đất. Tại Đồng Nai, nhu cầu về đất ở rất lớn nên nhiều người dân đang chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà. Nếu bảng giá đất phi nông nghiệp trong 5 năm tới tăng quá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân khi có ý định chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này có thể dẫn đến tác động xấu cho quản lý ở địa phương vì những hộ dân không đủ điều kiện tài chính để chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ “liều” xây dựng trái phép.

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị cho hay: “Theo bảng giá đất mới đang hoàn thiện thì đất phi nông nghiệp ở một số tuyến đường của Tân Phú sẽ tăng từ 0,2-3 lần. Huyện đã đề xuất điều chỉnh giảm giá đất phi nông nghiệp để giúp người dân dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.

Đồ họa thể hiện sự thay đổi giá đất nông nghiệp, đất ở của một số địa phương trong tỉnh theo bảng giá đất đề xuất cho giai đoạn 2020-2024 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện sự thay đổi giá đất nông nghiệp, đất ở của một số địa phương trong tỉnh theo bảng giá đất đề xuất cho giai đoạn 2020-2024 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Ý kiến một số lãnh đạo huyện cho rằng, giá đất phi nông nghiệp giữ nguyên hoặc chỉ tăng ít so với giá đất đã điều chỉnh của năm 2019 thì sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc chuyển mục đích sử dụng đất. Số tiền để chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp sẽ giúp người dân chấp hành đúng quy định về đất đai, xây dựng, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa bớt gánh nặng khi thực hiện các dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh mà trong đó phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho đúng quy hoạch.

Đơn cử như giá đất phi nông nghiệp trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) giá năm 2019 từ 1,6-17 triệu đồng/m2, từ năm 2020-2024 được đề xuất lên 2,7-26 triệu đồng/m2. Tuyến quốc lộ 51 thuộc địa bàn TP.Biên Hòa bảng giá đất năm 2019 là 1,2-18 triệu đồng/m2, nhưng 5 năm tới có thể 1,5-22 triệu đồng/m2... Như vậy, những cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sẽ phải nộp số tiền cao hơn
20-70% so với giá hiện nay.

* Bảng giá là căn cứ để thu thuế, phí

Bảng giá đất trên sẽ là căn cứ để tính tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất trong hạn mức. Trong đó, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (không phải đất ở) sang đất ở.

Bảng giá đất cũng dùng để tính thuế sử dụng đất, phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng đất, tính tiền xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, tính tiền bồi thường...

Theo quy định của Chính phủ, bảng giá đất của các tỉnh, thành sẽ được xây dựng 5 năm/lần. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nếu giá đất trên thị trường tăng, giảm ở mức cộng trừ 20% thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Trong giai đoạn 2016-2019, giá đất tại Đồng Nai có nhiều biến động nên đã buộc phải điều chỉnh 2 lần. Lần điều chỉnh gần đây nhất là vào tháng 3-2019.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (Sở Tài nguyên - môi trường) cho rằng, giá đất nông nghiệp và phi nông nghiệp tại Đồng Nai trong 2-3 năm qua tăng rất cao. Có những nơi giá đất tăng từ 2-10 lần so với bảng giá đất nên buộc bảng giá đất trong giai đoạn tới phải điều chỉnh tăng để thu hẹp khoảng cách chênh lệch với giá đất chuyển nhượng trên thị trường và phù hợp với quy định của Chính phủ.

Ngoài thuế, phí lệ phí từ đất đai tăng thì khi bảng giá đất điều chỉnh tăng, người dân cũng có lợi vì khi triển khai các dự án sẽ được hưởng lợi từ giá bồi thường và các khoản hỗ trợ khác cao hơn.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,100,152       850