Những năm qua, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tân Phú đã mang một diện mạo mới nhờ ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là những vùng lâu nay chậm phát triển do tình trạng "ngăn sông cách đò".
Những năm qua, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tân Phú đã mang một diện mạo mới nhờ ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là những vùng lâu nay chậm phát triển do tình trạng “ngăn sông cách đò”.
Cầu Đắc Lua là một trong những công trình trọng điểm của huyện Tân Phú |
Để tạo điều kiện cho những vùng kinh tế khó khăn như các xã: Đắc Lua, Tà Lài, Nam Cát Tiên… thay da đổi thịt, huyện Tân Phú đã quan tâm, đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm về giao thông, giúp kết nối các vùng kinh tế còn khó khăn với các nơi khác, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
* Gỡ các “nút thắt” giao thông
Tập trung hoàn thiện giao thông nông thôn Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Võ Tuấn Dũng cho biết, những năm qua, lãnh đạo huyện luôn xác định muốn kinh tế trong vùng phát triển thì cần phải đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông. Từ những định hướng trên, lãnh đạo huyện đã tranh thủ mọi nguồn hỗ trợ từ tỉnh, cùng với ngân sách địa phương để ưu tiên cho xây dựng hạ tầng giao thông. Đến nay, huyện Tân Phú đã có 11 dự án đã và đang thực hiện theo kế hoạch giai đoạn 2011-2020 với tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án giao thông lớn khác trên địa bàn huyện như: nâng cấp đường Tà Lài - Trà Cổ, lập dự án xây dựng đường Đắc Lua nối với ấp 7. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có dự án mở rộng, nâng cấp đường kết nối đường Trà Cổ - Tà Lài (đường 774B) từ xã Phú Điền đến xã Nam Cát Tiên dài hơn 20 km. Khi hệ thống giao thông hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cho Tân Phú khai thác tiềm năng về kinh tế, du lịch và thương mại. |
Những năm trước, khi có việc cần đi tới các địa phương vùng xa của huyện Tân Phú như các xã: Đắc Lua, Tà Lài, Nam Cát Tiên... không ít người ngán ngại bởi đường đi khá trắc trở, đặc biệt là vào mùa mưa. Những địa bàn khác tuy không phải qua sông nhưng giao thông cũng gặp nhiều khó khăn do địa bàn xa xôi, đường đi chất lượng kém.
Với mong muốn vực dậy những vùng quê nghèo, thay đổi cuộc sống cho người dân, lãnh đạo huyện Tân Phú đã chú trọng ưu tiên đầu tư vốn ngân sách cho những dự án hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế khó khăn, đồng thời vận động nhân dân đồng tình tham gia xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông tại các địa phương với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Kết quả của sự cố gắng, đồng lòng đó là những công trình người dân hằng mong ước đã hoàn thành, giao thông nối liền các xã vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản và nhu cầu đi lại của người dân.
Xã Đắc Lua là một địa bàn vùng sâu, kinh tế còn nhiều khó khăn của huyện Tân Phú. Để đến được xã Đắc Lua, trước đây phải vượt qua hơn 60km (tính từ UBND huyện Tân Phú) và di chuyển bằng phà qua sông Đồng Nai mới vào đến xã. Cách trở giao thông là nguyên nhân chính khiến Đắc Lua trở thành xã phát triển khá chậm về kinh tế, xã hội của huyện Tân Phú. Năm 2017, sau gần 30 năm mong đợi, cầu Đắc Lua đã chính thức được thông xe, chấm dứt cảnh “qua sông lụy đò”.
Tương tự cầu Đắc Lua, công trình cầu Đa Kai (xã Phú Bình) cũng được đầu tư với tổng vốn trên 11 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Sau khi hoàn thành, cầu Đa Kai tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần thúc đẩy kinh tế xã Phú Bình phát triển bởi đây là con đường duy nhất dẫn đến vùng sản xuất lúa rộng gần 800 hécta ở xã Đa Kai (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) để nhiều hộ dân ở xã Phú Bình canh tác, sản xuất.
Một dự án khác cũng góp phần tháo gỡ “nút thắt” giao thông vùng xa là cầu Tà Lài (xã Tà Lài) được đầu tư xây dựng mới với tổng kinh phí trên 77 tỷ đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số ấp 4 và ấp 7 của xã.
Ngoài ra, các dự án: đường Phú Xuân - Thanh Sơn - Phú An, đường Phú Lâm - Phú Bình, đường 600A, 600B... với tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng cũng được chú trọng đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường dân sinh nối liền các xã, ấp, các khu đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cũng được quan tâm, vận động đầu tư, sửa chữa kịp thời, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
* Tạo sức bật cho vùng khó khăn
Mục tiêu chính trong việc thực hiện những dự án, công trình trọng điểm về giao thông của huyện chính là kết nối giao thông giữa các vùng, tạo động lực phát triển cho các địa phương trong huyện. Là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những năm trước ấp 4 và ấp 7, xã Tà Lài được xem là vùng kinh tế khó khăn do điều kiện đi lại không thuận lợi, phải qua sông mới đến. Đầu năm 2019, cầu Tà Lài chính thức thông xe đã tạo nên một sức bật mới cho bà con trong vùng, ngoài ra, hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng hoàn chỉnh. Dễ thấy nhất là du lịch tại địa phương khởi sắc, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số trong ấp có dịp quảng bá văn hóa.
Đường giao thông tại xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) được xây dựng khang trang, sạch đẹp theo chuẩn nông thôn mới |
Ông K’Yểu, người dân tộc Châu Mạ, ấp 4, xã Tà Lài chia sẻ, trước kia người dân ấp 4 quanh năm chỉ lo làm việc ruộng đồng để mong có đủ ăn hằng ngày, không nghĩ đến tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, một phần do giao thông khó khăn nên cuộc sống nghèo và lạc hậu kéo dài. Từ khi được đầu tư cầu Tà Lài, ban đầu là cầu treo và sau đó là cầu bê tông kiên cố mới khánh thành gần đây, đã tạo sự khác biệt lớn trong cách nghĩ của bà con đồng bào dân tộc.
Điểm nhấn của sự phát triển chính là nghề dệt thổ cẩm truyền thống được khơi dậy, các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, ẩm thực của người Châu Mạ được phục hồi, đưa vào các chương trình du lịch đã giúp tăng thu nhập cho các hộ dân. “Vợ tôi dệt thổ cẩm bán cho du khách mỗi tháng cũng có thu nhập thêm từ 4-5 triệu đồng. Tôi tham gia đoàn biểu diễn văn nghệ đi biểu diễn phục vụ khách du lịch cũng mang lại nguồn thu nhất định. Được kết quả như hôm nay, bà con nơi đây rất biết ơn sự quan tâm của Nhà nước đã tạo điều kiện cho vùng đồng bào nghèo vươn lên” - ông K’ Yểu cho biết thêm.
Ông Đỗ Thành Huy, Chủ tịch UBND xã Phú An chia sẻ, trên địa bàn xã Phú An có 2 tuyến giao thông lớn được đầu tư trong những năm gần đây là đường 600A và 600B có chiều dài hơn 26km. 2 tuyến đường này đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, kết nối giao thông trong xã cũng như với các địa phương lân cận. Đặc biệt, khi giao thông được thông thoáng, việc vận chuyển các loại nông sản, nguyên liệu, vật tư phục vụ nông nghiệp... được đáp ứng, giảm bớt chi phí sản xuất, tăng lợi ích kinh tế cho người dân.
Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Đắc Lua nhận định, hơn 2 năm qua xã Đắc Lua có sự thay đổi nhanh chóng, không chỉ nhà cửa, xe cộ mà các loại hình dịch vụ cũng phát triển khá mạnh. Đáng nói nhất là việc vận chuyển nông sản, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh tế tại địa phương trở nên thuận tiện, chi phí giảm khiến cho lợi nhuận kinh tế của bà con tăng lên. “Cầu Đắc Lua thông xe gần như giải quyết được mọi rào cản kìm hãm sự phát triển kinh tế. Có cầu, bà con mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, nâng chất lượng cuộc sống hơn hẳn trước kia. Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo huyện trong phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa như Đắc Lua là rất cần thiết và đáng trân trọng” - ông Hải nói.
Đầu tư nhiều công trình hạ tầng trên các lĩnh vực Theo báo cáo của UBND huyện Tân Phú, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 được giao khoảng 451 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh giao huyện làm chủ đầu tư khoảng 130 tỷ đồng, nguồn ngân sách phân cấp cho huyện quyết định đầu tư khoảng 320 tỷ đồng. Ngoài những công trình trọng điểm về giao thông, huyện đầu tư trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục... như: Trạm bơm Giang Điền, Trạm bơm ấp 4, xã Tà Lài; Trung tâm văn hóa - thể thao huyện và hơn 20 công trình giáo dục khác bao gồm trường mầm non, tiểu học, THCS... |
Ngọc Liên