Cơn mưa lớn chiều 18-9 kéo dài đến đêm đã "biến" một phần KP.Miễu, phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) thành "sông" khiến hàng chục nhà dân nơi đây bị nước tràn vào, có nhà bị ngập đến cả mét.
Cơn mưa lớn chiều 18-9 kéo dài đến đêm đã “biến” một phần KP.Miễu, phường Phước Tân (TP.Biên Hòa) thành “sông” khiến hàng chục nhà dân nơi đây bị nước tràn vào, có nhà bị ngập đến cả mét.
Nước chảy cuồn cuộn trên con đường liên khu phố ở KP.Miễu, phường Phước Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh: P. Liễu |
Nhiều người dân ở KP.Miễu, phường Phước Tân cho biết, do khu vực này nằm gần Sông Buông, nơi thoát nước từ khu vực thượng nguồn TP.Long Khánh, huyện Trảng Bom đổ xuống nên chỉ cần có mưa lớn, kéo dài nhiều ngày là y như rằng người dân nơi đây phải sống trong cảnh ngập lụt.
* “Thấp thỏm” mỗi khi mưa lớn
Hầu như mùa mưa năm nào, khu vực nói trên cũng xảy ra ngập lụt. Tuy nhiên, theo một số người dân KP.Miễu, khoảng 10 năm về trước, nước lũ tràn về rồi rút ngay nhưng những năm gần đây, nước rút rất chậm.
Ông Trần Duệ, một người dân sinh sống ở KP.Miễu hơn 20 năm cho biết, trước kia đất khu vực này là đất nông nghiệp, lại có nhiều kênh, suối nhỏ nên mưa xuống nước vừa ngấm, vừa thoát đi nhanh. Hiện nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được phân lô, bán nền, xây dựng phủ kín, xây lấp một phần kênh, suối thoát nước tự nhiên nên khi nước từ thượng nguồn đổ về, thoát không kịp gây ngập lụt ngày càng trầm trọng.
Một số nơi ở vị trí thấp, gần sông, suối, nước lũ cuồn cuộn chảy cuốn trôi nhiều tài sản của người dân. Nhiều trường hợp cả người và xe bị cuốn đi, nhưng may mắn đều được người dân cứu kịp.
Bà Nguyễn Thị Ngoan (ngụ KP.Miễu, phường Phước Tân), nhà ở ngay “rốn lũ” than thở, dù biết mưa lớn nhà sẽ bị ngập, từ chiều 18-9, mẹ con bà đã kê đồ đạc lên cao. Nhưng không ngờ nước lũ đổ về lớn, nước dâng cao hơn khiến bà không xoay xở kịp. Tất cả đồ đạc trong nhà đều bị ngập nước, hư hỏng hết.
“Sau mỗi trận lũ, nước lũ rút đi còn để lại một lớp bùn sình, đất cát rất dày phải cạo, rửa vài ngày mới xong. Chắc mẹ con tôi phải nghĩ đến chuyện chuyển đi nơi khác sống, chứ năm nào cũng vài trận ngập thế này thì khổ quá!” - bà Ngoan chia sẻ.
Điều đáng quan tâm, trên con đường liên khu phố (KP.Miễu và KP.Hương Phước) còn có Trường THCS Phước Tân 1 với cả ngàn học sinh. Nhiều năm qua, mỗi khi mưa lớn, nhà trường buộc phải cho học sinh nghỉ học nhiều ngày liền. Cụ thể như ngày 19-9, nhà trường cũng phải cho học nghỉ học vì các ngả đường vào trường đều bị ngập sâu, có đoạn dòng lũ xoáy mạnh, gây nguy hiểm cho học sinh.
* Kiến nghị xây đập ngăn lũ
Ngay từ sáng sớm 19-9, ông Nguyễn Đức Quyến, Phó trưởng KP.Miễu, phường Phước Tân đã có mặt tại trục đường liên khu phố này để ngăn người qua lại. Theo ông Quyến, đây là trục đường chính nối KP.Miễu và KP.Hương Phước nên lượng người đi lại rất đông, trong đó có rất nhiều học sinh đến Trường THCS Phước Tân trên con đường này. Nếu không chặn ngay từ đầu đường, để người dân đi sâu vào trong sẽ có nguy cơ rơi xuống vùng lũ xoáy cuốn xuống sông Buông. Từ đầu mùa mưa 2019 đến nay, tuy chưa có trường hợp thương vong về người, nhưng xe cộ, đồ đạc, cây trái của người dân bị cuốn trôi khá nhiều.
Ông Trần Duệ đứng trước cổng nhà mình ở KP.Miễu, phường Phước Tân (ảnh chụp ngày 19-9). Ảnh: P. Liễu |
Người dân ở KP.Miễu đã nhiều lần phản ảnh tình trạng này với chính quyền địa phương và kiến nghị cần có giải pháp để khắc phục. Theo người dân nơi đây, chỉ có một giải pháp duy nhất là đắp một cái “đập” dài khoảng 150m, cao 1,5m ngay ở đầu đoạn lũ nhằm hướng dòng lũ chảy ra suối theo một đường khác, hạn chế tình trạng ngập lụt trong khu dân cư.
Theo ông Quyến, chi phí xây đập này khoảng 100 triệu đồng và cần hộ dân ở gần vị trí này hiến đất để làm. Khu phố đã vận động bà Nguyễn Thị Thanh Hương hiến đất và hỗ trợ 50 triệu đồng để đắp đập, số tiền còn lại đang được khu phố vận động bà con đóng góp.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND phường Phước Tân Huỳnh Thanh Phương cho biết, theo vị trí địa lý, KP.Miễu cách sông Buông chỉ hơn trăm mét. Đây là nơi tiếp nhận và chuyển tải lượng nước từ thượng nguồn đổ về qua thác Giang Điền rồi đổ vào sông Buông. Vì thế mỗi khi mưa lớn và kéo dài, lượng nước từ Giang Điền đổ về rất lớn, sông Buông không thoát kịp sẽ gây ra tình trạng ngập lụt là điều khó tránh khỏi.
“Địa phương cũng đã nghe người dân kiến nghị việc xây đập ngăn lũ. Hiện tại, UBND phường không có kinh phí nên đang khuyến khích người dân xã hội hóa xây đập này. Nếu người dân vận động đủ kinh phí và có người hiến đất để làm, UBND phường sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng với người dân khắc phục tình trạng ngập lụt ở đây” - Phó chủ tịch UBND phường Phước Tân Huỳnh Thanh Phương cho biết.
An Nhiên