Ông Trần Anh Tùng (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) là nông dân tiêu biểu của Đồng Nai được trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016". Những kết quả tích cực mà ông Tùng đạt được bắt đầu từ tư duy làm nông không cần phải "tay lấm, chân bùn" mà hiệu quả công việc vẫn cao nhờ ứng dụng máy móc, kỹ thuật mới.
Ông Trần Anh Tùng (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) là nông dân tiêu biểu của Đồng Nai được trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”. Những kết quả tích cực mà ông Tùng đạt được bắt đầu từ tư duy làm nông không cần phải “tay lấm, chân bùn” mà hiệu quả công việc vẫn cao nhờ ứng dụng máy móc, kỹ thuật mới.
Ông Trần Anh Tùng và vườn sầu riêng chuẩn VietGAP của mình tại huyện Long Thành. Ảnh:B.Nguyên |
Ông Tùng cũng được biết đến như người đi đầu trong việc tìm tòi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất khi chuyển đổi giống cây trồng mới, cho lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, tự nghiên cứu, chế tạo chiếc máy phun thuốc đa năng để giảm công lao động. Ông cũng là lớp nông dân tiên phong của Đồng Nai thực hiện trồng sầu riêng theo chuẩn VietGAP khi chương trình được triển khai tại địa phương từ cuối năm 2013.
* Với tôi, trái sầu riêng Long Thành là số một
“Long Thành hiện đang quy hoạch lại phát triển theo hướng nông nghiệp gắn với khai thác du lịch sinh thái. Đây là hướng đi giàu tiềm năng và nông dân chúng tôi rất quan tâm cải tạo lại cảnh quan vườn cây ăn trái, trồng thêm cây cảnh trang trí để sẵn sàng đưa vào khai thác du lịch sinh thái vườn khi Long Thành phát triển mô hình này”. |
* Tại sao ông lại mê trồng các loại đặc sản trái cây Long Thành?
- Khi tôi 11 tuổi, gia đình tôi mới về đất Bình Sơn sinh sống. Thời đó vùng này chỉ toàn đất rừng và chỉ có một số vùng có dân miền Nam sinh sống lâu đời mới trồng cây ăn trái. Nhưng ở trung tâm huyện, trên tuyến quốc lộ 51 lại có khu chợ chuyên bán trái cây và đặc sản địa phương thu hút rất đông khách đi Vũng Tàu ghé mua. Từ thời đó, trái cây Long Thành đã có tiếng về chất lượng thơm ngon. Cứ dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5-5 âm lịch) là thương lái khắp nơi đổ về vùng này mua trái cây. Mùa trái chín, khách khắp nơi cũng tìm về tận nhà vườn để thưởng thức trái cây vừa hái xuống.
Thời kinh tế gia đình còn khó khăn, lâu lâu mới có trái cây ăn mà mình cũng phải vào nhà vườn để mua được rẻ hơn. Đến mùa trái chín, được người quen cho vài ký trái cây ăn là quý lắm. Từ khi mới mười mấy tuổi, tôi đã có suy nghĩ những loại trái cây ở vùng này ngon quá, giá trị kinh tế lại cao và ấp ủ dự định phát triển những loại trái cây đặc sản của địa phương.
* Ông đã trồng qua rất nhiều loại cây ăn trái, nguyên nhân gì khiến ông chọn gắn bó với trái sầu riêng?
- Trồng vườn cây ăn trái cần vốn lớn, lại vài năm mới thu hoạch, thời tôi còn nhỏ, gia đình tôi chủ yếu làm mía rồi chuyển sang cây cà phê. Đến khi mười tám, đôi mươi, tôi mới bắt đầu trồng 130 cây sầu riêng đầu tiên xen trong vườn cà phê. Sống được khoảng 100 cây, trái bói bị sượng ngắt nhưng tôi vẫn kiên trì mất mấy mùa thu hoạch với mong muốn nhờ kỹ thuật chăm sóc sẽ cải tạo lại loại giống kém chất lượng, nhưng rồi đành chặt bỏ.
Tuy Long Thành có nhiều loại đặc sản trái cây ngon nhưng đúc kết lại nông dân vùng này vẫn ví “sầu riêng là vua, măng cụt là hoàng hậu” vì những loại trái này có giá trị cao cả về mặt ẩm thực và kinh tế. Chính vì vậy, gia đình tôi có 5 anh em đều trồng cây ăn trái như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm…nhưng dòng chủ lực vẫn là sầu riêng. Bản thân tôi từng thử trồng qua bưởi, nhãn... có thành công và thất bại và chính việc thử nghiệm đó, tôi mới yên tâm chọn gắn bó với cây sầu riêng như bây giờ. Hiện vườn tôi đang trồng thêm giống sầu riêng Sukang ruột đỏ, một đặc sản của Malaysia hiện đang đứng đầu về giá trị kinh tế.
* Theo ông, trái sầu riêng nói riêng và trái cây Long Thành có gì đặc biệt để thu hút khách?
- Tôi nghĩ trái sầu riêng, chôm chôm, dâu da… của Long Thành ngon còn do “chất đất”. Vừa là người trồng, vừa là người có kinh nghiệm chuyên thu mua trái cây, tôi đã đi rất nhiều vùng trồng cây ăn trái khác nhau từ Long Khánh, miền Tây đến Lâm Đồng, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, tỷ lệ sầu riêng của Long Thành bị sượng ít hơn, ăn múi sầu riêng có hậu là vị ngọt thanh. Chôm chôm nhiều vùng “sáng tươi, chiều héo”, riêng trái chôm chôm Long Thành có thể để 3 ngày, tối chỉ cần phơi sương là trái vẫn tươi ngon.
Điều từ xưa ông bà ta đã khẳng định “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” hiện vẫn rất đúng. Kỹ thuật canh tác quyết định rất lớn cho chất lượng trái ngon. Nông dân Long Thành rất sớm thực hiện quy trình sản xuất sầu riêng VietGAP, họ lại rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác mới nên chất lượng trái cây ngày càng ngon.
Năm nào tôi cũng tham gia hội thị trái ngon an toàn Nam bộ vì một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá trái cây ngon là họ kiểm tra mẫu sản phẩm để đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng là cách tôi khẳng định kỹ thuật canh tác của bản thân cũng như của những nông dân ở xứ này.
* Trái ngon thì phải siêng quảng bá
* Vì sao suốt nhiều năm qua ông bỏ nhiều công sức, tâm huyết đeo đuổi mục tiêu đưa trái cây Long Thành vào siêu thị?
- Trước đây tôi cũng nghĩ nông dân chỉ cần làm giỏi khâu sản xuất, trồng ra sản phẩm chất lượng, an toàn còn đầu ra, thị trường sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Nhưng khi nông dân chúng tôi bỏ rất nhiều công thực hành sản xuất theo chuẩn VietGAP để có sản phẩm an toàn thì bao năm qua trái cây vẫn bán trôi nổi trên thị trường. Đây chính là nguyên nhân khiến một nông dân vốn chỉ quen với ruộng vườn như tôi quyết định học cách làm kinh doanh.
Năm 2016, tôi làm thêm dịch vụ thu mua, đóng gói trái cây tại nhà. Thời mới mở vựa thu mua trái cây, tôi kinh doanh đủ loại, từ cam, quýt, bưởi đến chuối, mít. Nhưng giờ tôi chỉ tập trung vào các loại trái cây đặc sản có tiếng của Long Thành như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm…Tôi cũng chỉ bán hàng tuyển từ những nhà vườn sản xuất sạch, ổn định về chất lượng trái ngon.
Tôi cũng đại diện cho nông dân trồng sầu riêng tại địa phương đàm phán với siêu thị về việc đưa sản phẩm sầu riêng VietGAP vào siêu thị. Tôi đã chủ động liên hệ với Co.opmart Biên Hòa, tổ chức quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm sầu riêng VietGAP. Sau 1 tuần bán thử tại siêu thị, sản phẩm sầu riêng VietGAP đã được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt và siêu thị cũng đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
* Được biết, ông còn tham gia rất nhiều các chương trình hội chợ trong và ngoài tỉnh để bán trái cây Long Thành?
- Ngoài việc bắt tay với siêu thị, chúng tôi còn có hướng đi khác là tự phát triển kênh bán lẻ. Hiện kênh bán hàng chủ yếu của tôi là các đơn đặt hàng của khách là giới công chức và doanh nghiệp. Tôi bán hàng rất tốt qua mạng xã hội và dự định sẽ xây dựng một website riêng chuyên bán đặc sản trái cây Long Thành.
Năm 2016, ông Trần Anh Tùng đại diện cho nông dân trồng sầu riêng tại địa phương đàm phán với siêu thị về việc đưa sản phẩm sầu riêng VietGAP vào kênh tiêu thụ hiện đại, từng nhiều lần tổ chức quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm sầu riêng VietGAP tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh và đưa trái sầu riêng cùng nhiều loại trái cây đặc sản khác của Long Thành tham gia rất nhiều hội chợ lớn, nhỏ với mong muốn thương hiệu trái cây ngon của địa phương không ngừng vươn xa. |
Chính vì vậy, cứ nghe tỉnh nào có hội chợ mà có gian hàng nông sản Đồng Nai là tôi đều chủ động đăng ký tham gia. Mùa trái cây này, tôi đi Vũng Tàu chơi, thấy họ có hội chợ với nhiều tỉnh, thành tham gia, tôi liên hệ ngay đến Trung tâm xúc tiến thương mại của Đồng Nai “xin” 1m2 trưng bày và về đưa hàng đến tham gia. Mỗi đợt hội chợ không chỉ là dịp để bán hàng mà còn giúp quảng bá rất tốt về tiếng thơm cho đặc sản địa phương.
* Ông mong mỏi điều gì mà luôn quan tâm, bỏ công vun vén làm thương hiệu cho đặc sản trái cây Long Thành?
- 8 năm qua, năm nào tôi cũng tham gia và đoạt giải ở hội thị trái ngon an toàn Nam bộ, trong đó trái sầu riêng luôn đoạt giải cao. Cụ thể, năm 2019, tôi đoạt giải nhì - sầu riêng Ri6 và giải khuyến khích nội dung thi củ - quả lạ, hiếm. Điều này khẳng định về chất lượng đặc sản trái cây của gia đình tôi nói riêng, của đất Long Thành nói chung và chất lượng trái ngon này được giữ ổn định qua từng năm.
Hiện chỉ tính riêng hai xã Bình Sơn và Bình An, đã có trên 60 hécta trồng sầu riêng, chủ yếu là 2 giống Ri6 và Monthong. Nguồn trái cây ngon của địa phương là rất dồi dào. Qua thực tế bán hàng, khách rất chuộng trái cây ngon, an toàn nên cơ hội phát triển thị trường là không thiếu.
Mong muốn của tôi là nông dân trồng cây ăn trái của Long Thành liên kết lại để có đầu ra bền vững, thương hiệu đặc sản trái cây ngon Long Thành sẽ vươn xa nhờ uy tín chất lượng và qua đó, đời sống nông dân khấm khá lên.
* Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)