Đồng Nai hiện có hàng chục mỏ khai thác đá đang hoạt động. Tuy nhiên hiện nay, việc đánh giá tác động môi trường trong hoạt động khai thác đá mới chỉ thực hiện đơn lẻ ở từng mỏ...
Đồng Nai hiện có hàng chục mỏ khai thác đá đang hoạt động, trong đó tập trung chủ yếu ở 3 cụm mỏ lớn trên địa bàn TP.Biên Hòa, 2 huyện Vĩnh Cửu và Thống Nhất. Tuy nhiên hiện nay, việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong hoạt động khai thác đá mới chỉ thực hiện đơn lẻ ở từng mỏ mà chưa có đánh giá tổng quan cho từng cụm mỏ.
Một mỏ khai thác đá tại cụm mỏ Tân Cang, phường Phước Tân, TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Đủ chi tiết nhưng… thiếu tổng thể
Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 mỏ khai thác đá đang hoạt động, trong đó tập trung chủ yếu ở 3 cụm mỏ chính gồm: cụm mỏ Tân Cang, phường Phước Tân, TP.Biên Hòa (có 10 mỏ); cụm mỏ Thiện Tân, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu (có 8 mỏ) và cụm mỏ Soklu, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất (có 6 mỏ).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 mỏ đá đang khai thác với tổng diện tích hơn 1.100 hécta. Tổng trữ lượng các mỏ đang hoạt động vào khoảng 381 triệu m3, công suất khai thác hằng năm đạt hơn 22 triệu m3. |
Ông Võ Hồng Vinh, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) cho biết, theo quy định của Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, tất cả các mỏ đá trên địa bàn tỉnh khi được cấp phép khai thác đều có đầy đủ các thủ tục về đất đai, giấy phép khai thác khoáng sản, ĐTM. Trong đó, ĐTM của tất cả các mỏ khai thác đá hiện nay đều được Bộ TN-MT thực hiện và phê duyệt.
Điều đó có nghĩa là tất cả các mỏ đá trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng đầy đủ các quy định trước khi đi vào khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế, các mỏ khai thác đá đang hoạt động phần lớn được phân bổ theo cụm với nhiều mỏ đá cùng hoạt động. Điều này khiến cho việc chỉ thực hiện đánh giá ĐTM đơn lẻ của từng mỏ là chưa đủ để lường hết các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT thừa nhận, cả 3 cụm mỏ khai thác đá lớn trên địa bàn tỉnh hiện đều chưa có đánh giá ĐTM tổng thể. Điều này khiến cơ quan chức năng chưa tính toán hết những tác động đến môi trường và người dân trong các khu vực này cả trong quá trình khai thác cũng như sau khi khai thác xong. “ĐTM của từng mỏ chỉ đánh giá tác động đến môi trường quanh phạm vi khu vực mỏ khai thác. Trong khi đó, các cụm mỏ, gồm nhiều mỏ khai thác thì phạm vi ảnh hưởng cũng lớn hơn nên cần có đánh giá tổng thể trên quy mô rộng hơn” - ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết.
Lấy dẫn chứng cho thiếu sót này, ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, tại 3 cụm mỏ đá lớn trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống sát với ranh của các mỏ khai thác đá. Nguyên nhân là do khi thực hiện ĐTM riêng lẻ cho từng mỏ đá thì những hộ dân này không thuộc phạm vi ảnh hưởng của mỏ đá nào nên không thuộc diện phải di dời. Tuy nhiên, khi xét tổng thể trên phạm vi toàn cụm, việc sinh sống sát ranh với khu vực có nhiều mỏ khai thác đá khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là tình trạng phát tán bụi và tiếng ồn trong quá trình khai thác. Do đó, theo ông Nguyễn Ngọc Hưng: “Nếu có ĐTM tổng thể đánh giá được tác động của cụm mỏ trên phạm vi rộng thì cơ quan chức năng có thể thực hiện di dời những hộ dân này, tạo ranh ngăn cách giữa khu vực cụm mỏ với khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”.
Đồ họa thể hiện sự phân bố, diện tích, số lượng mỏ đá khai thác, trữ lượng, công suất khai thác hiện nay và thời hạn cấp phép khai thác cho các mỏ đá thành phần của các cụm mỏ khai thác đá đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: P.Tùng - Đồ họa: Hải Quân) |
Việc thiếu ĐTM tổng thể cũng khiến cho việc tính toán mức độ ô nhiễm tại các cụm mỏ khai thác đá chưa đúng với thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí vẫn đang xảy ra tại các cụm mỏ. Kết quả 2 đợt quan trắc trong năm 2018 của Sở TN-MT cho thấy, môi trường không khí tại 2 cụm mỏ đá lớn là Tân Cang và Thiện Tân đều có nồng độ bụi vượt quy chuẩn cho phép. Theo đó, diễn biến nồng độ bụi TSP tại 2 cụm mỏ này dao động khá lớn từ 17,8-4.872 Microgra/m3 (µg/m3), vượt so với quy chuẩn cho phép từ 1,12-16,24 lần.
Tại cụm mỏ đá Tân Cang, việc thiếu ĐTM tổng thể cũng tạo ra nguy cơ gây ảnh hưởng đến dòng sông Buông. Theo đó, việc có nhiều mỏ khai thác đá tại cụm mỏ này được bố trí hai bên sườn sông Buông khiến nguy cơ con sông này trong tương lai có thể trở thành “dòng sông nổi” khi hoạt động khai thác chấm dứt. Bởi các mỏ đá tại cụm mỏ này được cấp phép khai thác với độ sâu 80m, sau khai thác sẽ trở thành các vực sâu “uy hiếp” đến sông Buông.
Tương tự, tại 2 cụm mỏ Thiện Tân và Soklu, tình trạng “bỏ ngỏ” thực hiện ĐTM tổng thể cũng khiến nhiều vấn đề trong quá trình khai thác như: những tác động đến đời sống người dân, ô nhiễm không khí trong khai thác, vận chuyển đá cũng chưa được tính toán hết.
* Thiếu quy định cụ thể
Cho rằng việc thực hiện ĐTM đối với các cụm mỏ khai thác đá là cần thiết, song ông Nguyễn Ngọc Hưng cũng thừa nhận, hiện chưa có bất kỳ một quy định hay hướng dẫn nào của Nhà nước đối với hoạt động này. “Không chỉ Đồng Nai mà cũng chưa có bất kỳ một địa phương nào của cả nước thực hiện ĐTM đối với các cụm mỏ. Nguyên nhân là do chưa có bất kỳ quy định hay hướng dẫn thực hiện nào” - ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết.
Thiếu quy định cụ thể khiến việc thực hiện ĐTM đối với các cụm mỏ của các địa phương, trong đó có Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải thực hiện ĐTM đối với cả 3 cụm mỏ đá lớn trên địa bàn. Tuy nhiên, xét trên mức độ ảnh hưởng, cấp bách nhất hiện nay là phải thực hiện ĐTM tổng thể đối với cụm mỏ Tân Cang, trên cơ sở này, Sở TN-MT sẽ xem xét để kiến nghị thực hiện đối với 2 cụm mỏ còn lại. “Quan điểm của Sở TN-MT là không thể chậm trễ hơn đối với việc làm ĐTM cho cụm mỏ đá Tân Cang. Trên cơ sở của cụm mỏ đá Tân Cang, Sở sẽ tính toán đến việc thực hiện ĐTM đối với các cụm mỏ khác nhằm đánh giá chính xác tác động đến môi trường” - ông Nguyễn Ngọc Hưng nhấn mạnh.
Phạm Tùng