Trại vỗ béo bò thịt của gia đình bà Hoàng Thị Sâm và ông Cao Xuân Lâm là mô hình chăn nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc), vùng đất cát gặp khó khăn về nguồn nước trong sản xuất.
Bà Hoàng Thị Sâm giới thiệu trang trại chăn nuôi bò thịt của gia đình. Ảnh: B.NGUYÊN |
Điểm nổi bật là trại chăn nuôi này tự sản xuất thức ăn cho đàn bò từ việc tận dụng nguồn nguyên liệu là các phế phẩm nông nghiệp như: cây bắp, cây mì… sau thu hoạch.
* Khởi nghiệp từ gian khó
Năm 1992, gia đình bà Hoàng Thị Sâm từ miền Trung về lập nghiệp ở đất Xuân Hòa. Những ngày đầu khó khăn khi không có vốn, không có đất sản xuất, gia đình bà phải làm thuê, làm mướn để mưu sinh. Bà Sâm kể: “Xuân Hòa là vùng đất khó khăn về nguồn nước sản xuất nên cây trồng có năng suất không cao, lợi nhuận không bằng đầu tư chăn nuôi nên gia đình tôi chọn nuôi bò mẹ sinh sản. Kinh tế gia đình dần khấm khá khi đàn bò mẹ sinh sản không ngừng tăng lên”.
Vài năm trở lại đây, nuôi bò thịt theo kiểu chăn thả gặp khó khăn do không cạnh tranh được với bò ngoại nhập. Gia đình bà Sâm là một trong những hộ tiên phong tại địa phương chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp.
Từ năm 2018, gia đình bà Sâm đã đầu tư xây dựng lại khu chuồng trại; chuyển từ nuôi bò thả đồng sang nuôi bò nhốt trong phát triển chăn nuôi đại gia súc theo công nghệ, kỹ thuật mới. Nói về hiệu quả của mô hình mua bò đã trưởng thành về vỗ béo bán bò thịt, bà Sâm so sánh: “Nuôi bò vỗ béo bán thịt cho lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với cách nuôi chăn thả truyền thống; lại kiểm soát được rủi ro về dịch bệnh”.
* Tự làm thức ăn từ phế phẩm nông nghiệp
Chia sẻ câu chuyện chuyển đổi từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại theo hướng bán công nghiệp, bà Sâm nói: “Tuy ở Đồng Nai có một số công ty đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại để sản xuất thức ăn thô ủ men cho bò sữa, bò thịt, nhưng với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc đầu tư máy móc để tự sản xuất thức ăn thô tận dụng từ những phế phẩm nông nghiệp theo kiểu tự cấp, tự túc là điều không đơn giản”.
Để giải bài toán khó đầu tư lớn với đồng vốn eo hẹp, vợ chồng bà tận dụng khu chuồng trại có sẵn để cải tạo lại theo hướng chuồng công nghiệp; tự chế các máy móc trong sản xuất thức ăn chăn nuôi như: máy băm cỏ, trộn thức ăn…
Để luôn chủ động về nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bà Sâm đã xây dựng một quy trình trồng trọt - chăn nuôi khép kín. Với hơn 3 hécta đất sản xuất, 1 hécta bà Sâm để xây dựng khu chuồng trại và trồng cỏ nuôi bò. Đất còn lại để trồng mì, bắp; nguồn phân thải ra từ chăn nuôi lại đưa ngược ra đồng để cây trồng cho năng suất tốt.
Trung bình chỉ khoảng từ 3,5-4 tháng là trại nuôi có lứa bò thịt xuất bán. Nhờ đó, chỉ gần 2 năm chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi mới, trại chăn nuôi của gia đình bà Sâm đã phát triển quy mô tổng đàn lên cả trăm con/lứa. Đầu ra, giá cả sản phẩm luôn ổn định nên trại nuôi bò của gia đình bà Sâm là mô hình sản xuất cho lợi nhuận cao được nhiều hộ chăn nuôi khác tại địa phương học hỏi, ứng dụng.
Bình Nguyên