Kinh tế

Thanh toán không dùng tiền mặt: Còn khó thực hiện

Thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu hướng tới của Chính phủ nhằm hạn chế khối lượng tiền mặt lưu thông và minh bạch hóa các dòng tiền trong nền kinh tế. Tháng 6 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã phát động Ngày Không dùng tiền mặt.

Khách hàng sử dụng phương thức “quẹt thẻ” để thanh toán tiền mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Hải
Khách hàng sử dụng phương thức “quẹt thẻ” để thanh toán tiền mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Hải

Trong thời gian qua, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng dần gia tăng. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ người sử dụng tiền mặt vẫn còn cao.

* Người dân còn dè dặt

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và rút xuống còn 8% vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, hiện nay đa phần người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều hiểu biết về các phương thức thanh toán mới và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt. Nhất là ở khu vực nông thôn, số lượng người không có tài khoản tại ngân hàng còn rất lớn nên còn dè dặt với các hình thức thanh toán qua thẻ, ví điện tử...

Ông Trương Đình Quốc, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, hơn 468 ngàn khách hàng, chiếm khoảng 58% khách hàng sử dụng điện, thanh toán tiền điện, không dùng tiền mặt.

Một trong những khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ khách hàng áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là trên địa bàn tỉnh có trên 50% khách hàng thuộc khu vực huyện, xã với mật độ dân thưa, người dân chưa tiếp cận được với các hình thức thanh toán điện tử. Ngoài ra, các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi người dùng am hiểu về công nghệ, có tài khoản tại các ngân hàng liên kết.

Ông Trang Phúc, Trưởng phòng Marketing Co.opmart Biên Hòa cho biết, hiện nay siêu thị đã bố trí 21 máy quẹt thẻ máy POS (hỗ trợ ATM thanh toán tiền hóa đơn/ dịch vụ hàng hóa) tại các quầy tính tiền để hỗ trợ khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ của tất cả các ngân hàng. Mới đây, Co.opmart Biên Hòa bắt đầu triển khai hình thức thanh toán mới là ví điện tử.

Hiện tỷ lệ giao dịch bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Co.opmart Biên Hòa mới đạt khoảng 5-10%. Khách hàng trong độ tuổi từ 25- 45 và khách hàng là cơ quan, tổ chức là nhóm khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.  

“Khó khăn hạ tầng dịch vụ, nhất là hệ thống máy POS vẫn thường xảy ra tình trạng quá tải, bị kẹt thẻ... Điều này cũng tác động tới tâm lý của người tiêu dùng khi sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt” - ông Trang Phúc nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.041 điểm kinh doanh, cơ sở giao dịch, dịch vụ công được trang bị tổng cộng 3.039 thiết bị máy POS.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, qua khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai tại các ngân hàng thương mại, các cơ quan, đơn vị gần đây cho thấy, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt có tăng lên trong thời gian qua, tuy nhiên trên thực tế tỷ lệ sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn cao do thói quen tiêu dùng và những lo ngại về các loại phí phát sinh...

* Cần giải pháp đồng bộ

Chị Thanh Hà (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, việc thanh toán không dùng tiền mặt cần được đẩy mạnh thông qua các kênh thanh toán trực tuyến mà Nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để người dân thuận tiện sử dụng, cũng như có thêm nhiều khuyến khích, ưu đãi đối với cá nhân dùng thẻ và các phương tiện hiện đại trong thanh toán dịch vụ công...

Phó giám đốc PC Đồng Nai Trương Đình Quốc cho biết thêm, trong thời gian tới PC Đồng Nai sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngân hàng, các tổ chức trung gian tuyên truyền, thông báo đến khách hàng các chương trình ưu đãi khi chọn hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

Đồng thời, PC Đồng Nai sẽ kết hợp với ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng để thực hiện thanh toán qua các ứng dụng phổ biến hiện nay như: MoMo, ZaloPay, VNPay, Payoo, Airpay, ViettelPay, ECPay..., công ty sẽ hướng dẫn trực tiếp các ứng dụng, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đến khách hàng sử dụng điện để khách hàng chọn lựa hình thức thanh toán thuận tiện, phù hợp nhất.

Ông Phạm Quốc Bảo chia sẻ, cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc chung tay góp phần thay đổi thói quen chi tiêu của người dân, hiện đại hóa công nghệ, tăng cường bảo mật cũng như tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường kết nối các dịch vụ, ứng dụng trực tuyến, dịch vụ công... để hình thức thanh toán phi tiền mặt đạt được mục tiêu.

Hoàng Hải

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,134,993       614