Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của Đồng Nai cũng như Việt Nam. Kết quả trên có một phần nỗ lực không nhỏ của ông Phạm Khắc Tuyên, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc. Ông Tuyên đã hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai trong xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường nhiều tiềm năng này.
Là người phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, một trong 4 thị trường lớn nhất của nước ta, ông Tuyên đã liên tục cập nhật thông tin, những chính sách mới từ thị trường này để DN trong nước biết, có sự chuẩn bị trước. Do đó, 2 năm trở lại đây kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này liên tục tăng. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng là nơi các DN Việt nhập khẩu nhiều nguyên liệu cho sản xuất.
* Thương mại tăng nhanh
Ông có thể đánh giá thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực vào cuối năm 2015?
- Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, thương mại giữa 2 nước liên tục tăng cao và Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của nước ta chỉ sau Trung Quốc. Thương mại 2 chiều năm 2017 là 61,8 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc khoảng 15 tỷ USD, tăng hơn 31% (tương đương với 3,5 tỷ USD) so với năm 2016, nhập khẩu 46,8 tỷ USD, tăng 45,5% (tăng 14,6 tỷ USD).
Theo tôi, có được mức tăng trưởng cao là do các DN Việt đã có sự chủ động khá tốt để khi hiệp định có hiệu lực có thể hưởng ngay các ưu đãi về thuế quan để mở rộng giao thương. Nhiều DN Việt cũng chuyển qua nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường này để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu. Tôi nghĩ xuất khẩu của nước ta vào Hàn Quốc trong năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ còn tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao. Hiện Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc.
Năm 2017, dù xuất khẩu vào Hàn Quốc tăng hơn 31%, song nhập khẩu tăng 45,5% nên đây trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Việc này ảnh hưởng như thế nào đến cán cân thương mại giữa 2 nước?
Theo Sở Công thương, trong 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất nhập khẩu của Đồng Nai với Hàn Quốc là 1,24 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu vào thị trường trên 338 triệu USD, nhập khẩu 802 triệu USD. Đây là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai chỉ sau Trung Quốc. |
- Năm 2017, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc khoảng 31,8 tỷ USD, tăng hơn 11,8 tỷ USD so với năm trước. Nguyên nhân của việc nhập siêu tăng cao là do DN của Hàn Quốc đầu tư nhiều vào Việt Nam nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh khiến kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh.
Theo tôi không nên vội đánh giá nhập khẩu nhiều từ thị trường này là không tốt, bởi khi thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Hàn Quốc về 0%, các DN Việt thay vì nhập khẩu hàng từ Trung Quốc hay những nước khác đã chuyển sang nhập từ Hàn Quốc vì giá cạnh tranh hơn. Vì thế, việc nhập khẩu trên về cơ bản không ảnh hưởng mấy đến cơ cấu nhập khẩu của nước ta. Thế nhưng để cán cân thương mại bớt nghiêng về phía Hàn Quốc, DN Việt có thể tận dụng cơ hội mở rộng xuất khẩu vào thị trường này.
Theo ông, đến khi nào thì cán cân thương mại giữa 2 nước có thể cân bằng?
- Đây là câu hỏi rất khó trả lời chính xác, nhưng nhận định của tôi thì cũng phải mất một thời gian dài. Muốn giảm nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc cũng như các nước khác thì chúng ta phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ cho các ngành nghề. Điều này còn lệ thuộc rất lớn vào năng lực cạnh tranh của nước ta.
Nhập khẩu nguyên liệu, máy móc để sản xuất không thể thiếu được với nhiều quốc gia, nhưng nếu biết tính toán nhập từ những nơi giá cả rẻ, chất lượng tốt cũng là một cách tiết kiệm ngoại tệ, chi phí cho DN và nhiều chuyên gia hay gọi là “nhập khẩu thông minh”. Vì thế theo tôi, nhập siêu từ một thị trường có máy móc, nguyên phụ liệu chất lượng tốt, giá rẻ để giảm nhập khẩu từ các thị trường không đảm bảo khác sẽ hay hơn nhiều.
Tuy nhiên, về lâu dài Việt Nam phải có kế hoạch phát triển nhanh ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu, tăng cho xuất khẩu để tăng xuất siêu.
* Cơ hội còn rất lớn
Những mặt hàng nào của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu vào Hàn Quốc trong năm nay và những năm tiếp theo?
- Thời gian qua, các DN Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc hơn 40 mặt hàng chính. Trong đó, dẫn đầu là điện thoại, tiếp đến là dệt may, máy tính, rau quả, xơ sợi dệt, giày dép, máy móc thiết bị, phụ tùng, sản phẩm từ gỗ. Trong năm nay và những năm tiếp theo những mặt hàng trên của Việt Nam vẫn là thế mạnh trong xuất khẩu vào Hàn Quốc. DN Việt có thể tìm hiểu kỹ nhu cầu của khách hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt là mặt hàng rau quả, nông sản, thủy sản có tiềm năng rất lớn. Nếu mở rộng và tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường trên sẽ giúp Việt Nam giảm được nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc. Hàng hóa vào được thị trường Hàn Quốc sẽ dễ dàng xuất khẩu sang những nước khác vì đòi hỏi về chất lượng, mẫu mã của nước này khá cao, đôi khi còn cao hơn cả thị trường châu Âu và Nhật Bản.
Ngoài những mặt hàng công nghiệp đang xuất khẩu vào Hàn Quốc khá ổn định thì Đồng Nai còn có rất nhiều loại rau quả, trái cây. Loại rau quả, trái cây nào có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc?
- Thời gian qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 4 loại trái cây tươi vào thị trường Hàn Quốc là: chuối, dứa, thanh long, xoài, ngoài ra còn có một số loại trái cây đã chế biến. Trái cây nhiệt đới của nước ta rất được người tiêu dùng Hàn Quốc ưa thích. Đồng Nai lại là nơi có nhiều loại trái cây đặc sản nên cơ hội xuất khẩu sẽ rất lớn.
Thế nhưng muốn xuất khẩu loại trái cây, rau quả nào vào Hàn Quốc, các DN phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của người tiêu dùng để có hướng đầu tư cho phù hợp, đáp ứng các yêu cầu trong hàng rào kỹ thuật. Loại trái cây phía Hàn Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam trong thời gian tới là: chôm chôm, vú sữa, nhãn. Hiện 2 nước đang đàm phán để thống nhất các tiêu chuẩn về nhập khẩu.
Làm phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, ông thấy mình đã làm được những gì giúp DN trong nước và còn những trăn trở gì chưa thực hiện được?
- Với cương vị phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, tôi cùng với anh em trong thương vụ luôn hoàn thành tốt công việc được Bộ Công thương và Chính phủ giao phó. Bên cạnh việc hỗ trợ các DN Việt trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tôi còn đứng ra giúp DN đàm phán khi gặp những vướng mắc trong giao dịch mua bán để giúp họ giảm được thiệt hại xuống mức thấp nhất. Thương vụ cũng thường cập nhật nhanh những thông tin về thị trường Hàn Quốc, về chính sách thay đổi để DN biết có chuẩn bị trước tránh được nhiều chi phí phát sinh.
Song cũng còn một số trăn trở tôi đang cố gắng thực hiện là sẽ cùng với Bộ Công thương tiếp tục đàm phán tạo thêm các thuận lợi cho DN trong thương mại; tìm các đối tác Hàn Quốc có tiềm năng kết nối với DN Việt để ký kết cung ứng hàng hóa cho nhau.
Nhiều DN Đồng Nai từng được ông giúp trong xúc tiến thương mại để mở rộng sản xuất. Có điều gì ông muốn nhắn nhủ riêng với DN Đồng Nai?
- Đồng Nai là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Hàn Quốc khá lớn. Những năm gần đây, DN trong tỉnh đã từng bước đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các yêu cầu từ thị trường khó tính này. Hàng năm phía tỉnh đều cùng các DN trên địa bàn sang xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nên đầu tư của Hàn Quốc vào Đồng Nai liên tục tăng, kéo theo xuất khẩu vào thị trường này tăng trưởng cao. Đồng Nai có nhiều mặt hàng công nghiệp, nông sản, rau quả, trái cây có thể xuất khẩu vào thị trường này. DN có thể tìm hiểu kỹ thị trường trước, sau đó bắt tay vào sản xuất, xuất khẩu sẽ thuận lợi. Khi có khó khăn gì trong tìm hiểu thông tin thị trường, DN tại Hàn Quốc có thể liên hệ trực tiếp với tôi hoặc thương vụ để được hỗ trợ.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)