Trong tương lai, phương tiện giao thông cá nhân ở TP.Biên Hòa có thể sẽ còn tăng cao. Điều này chắc chắn sẽ gây quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông khiến tình trạng ùn tắc diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
TIN LIÊN QUAN
Đường Đồng Khởi, đoạn gần ngã tư Amata lúc nào cũng chật cứng phương tiện. |
Nhiều người nhận định để giải quyết bài toán giảm kẹt xe ở TP.Biên Hòa thì một trong những vấn đề cần quan tâm đúng mức là đầu tư xây dựng cầu, đường và phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng.
* Đường sá chật hẹp
Có thể nói, từ khi một số công trình giao thông trọng điểm ở TP.Biên Hòa được mở rộng như: cầu Bửu Hòa, cầu An Hảo, cầu vượt ngã tư Vũng Tàu, hầm chui Tam Hiệp... đã kéo giãn các phương tiện ra nhiều hướng, làm giảm phần nào tình trạng ùn tắc giao thông.
Giám sát giao thông bằng phương pháp thông minh Vừa qua, UBND tỉnh giao cho Ban An toàn giao thông tỉnh nghiên cứu, áp dụng trung tâm giám sát, quản lý giao thông thông minh để điều khiển tình hình giao thông tại các nút giao phức tạp, kịp thời giải quyết nhanh khi xảy ra kẹt xe, trong đó bao gồm: trung tâm giám sát điều hành đèn tín hiệu và biển báo điện tử điều khiển từ xa, camera giám sát, thiết bị đếm xe, phân tích xử lý hình ảnh, nhận diện nguy hiểm... |
Những năm qua, TP.Biên Hòa đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông như: lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, hệ thống biển báo trên các tuyến đường, cử lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt điều tiết, phân luồng giao thông. Tuy nhiên, so với mật độ giao thông dày đặc ở Biên Hòa như hiện nay thì hạ tầng giao thông của đô thị vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển chung.
Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trần Dương Vũ cho rằng một số con đường chính là cửa ngõ đi vào thành phố chưa được mở rộng, nhưng lượng xe lưu thông trên đường lúc nào cũng đông đúc thì kẹt xe là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, giải pháp được các ngành chức năng đưa ra nhằm giải quyết tốt bài toán chống ùn ứ giao thông, đó chính là kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp.
Cùng quan điểm trên, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành, nhận định tất cả các nút giao thường xảy ra ùn tắc và mất an toàn đều là những điểm giao cắt giữa quốc lộ với tỉnh lộ hoặc quốc lộ với đường nội thị. Một số khu vực liên tục kẹt xe như khu vực cầu Sập chủ yếu do các phương tiện dồn về đây quá nhiều, đặc biệt là xe container, xe tải hướng từ ngã tư Amata quay đầu xe về TP.Hồ Chí Minh. Mặt khác, lượng xe tải từ đường Điểu Xiển chạy ra xa lộ Hà Nội và ngược lại đã khiến giao thông ở đây thêm phức tạp.
Do đó, theo ông Thành, muốn giải quyết hiệu quả tình trạng kẹt xe thì việc phân tách thành từng luồng cố định như: giao thông nội đô, giao thông liên tỉnh và luồng vận tải hàng hóa gồm nhiều xe tải nặng theo tiêu chuẩn thiết kế nút giao cho từng cấp độ cần được các ngành tính đến.
Trước những phức tạp của tình trạng kẹt xe ở ngã tư Vincom (đường Phạm Văn Thuận giao Võ Thị Sáu và Phan Trung), Sở Giao thông - vận tải đã kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho đầu tư dự án giảm ùn tắc tại điểm này để tăng khả năng thông hành, chẳng hạn xây cầu vượt, làm hầm chui hay mở rộng mặt đường. Riêng đường Bùi Văn Hòa hiện nay quá tải vì có 2 khu công nghiệp, ICD Tân Cảng - Long Bình. Về lâu dài, tỉnh sẽ quy hoạch lại giao thông ở tuyến đường này nhằm tạo sự thống nhất bởi hiện tại lưu thông ở đây còn rời rạc và bất cập.
* Đầu tư cho hạ tầng giao thông
Nhiều người cho rằng nếu không được tiếp tục đầu tư đúng mức thì mạng lưới giao thông ở Biên Hòa vẫn chỉ là “bức tranh” rối rắm, nghèo nàn mà chưa biết đến bao giờ mới tháo gỡ được. Giải được bài toán về hạ tầng giao thông cũng chính là giải pháp “cân bằng” giữa nhu cầu lưu thông ngày càng tăng cao và vẻ mỹ quan của đô thị loại I như Biên Hòa đang từng bước hình thành một thành phố hiện đại trong tương lai; một đô thị vệ tinh kết nối thuận lợi với TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Đường Bùi Văn Hòa đông nghẹt phương tiện sau giờ tan ca. Ảnh: Thanh Hải. |
Điển hình, dự án hầm chui Tân Phong mới được thông xe tạm thời nhưng đã giải quyết đáng kể tình trạng xe cộ “dồn cục” ở vòng xoay này dạo trước. Mai này khi chính thức thông xe, hầm chui Tân Phong chắc chắn sẽ góp phần giải tỏa đáng kể tình trạng kẹt xe ở giao lộ Nguyễn Ái Quốc - Đồng Khởi nhiều năm qua.
Nhận định về công trình hầm chui Tân Phong đang dần hoàn thiện, ông Hoàng Văn Hà (ngụ phường Trảng Dài, làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2) tin rằng khi hầm chui đi vào hoạt động thì việc xe di chuyển qua ngã tư này dễ dàng hơn trước rất nhiều. Qua đó tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân, giảm được va quẹt, tai nạn giao thông do xe cộ tập trung về đây quá đông.
Từ khi có thông tin TP.Biên Hòa mở tuyến đường Nguyễn Văn Hoài (phường Tân Phong), đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp, người dân đang mong chờ 2 dự án nhanh chóng khởi công. Đây là các trục đường dẫn từ những phường có mật độ dân cư lớn ra đường chính nên nếu được đầu tư sớm mới có thể chia bớt lượng xe từ đường Đồng Khởi, Phạm Văn Thuận đang ngày càng chật cứng các loại xe.
Dư luận mới đây còn quan tâm đến dự án tuyến đường sắt đô thị trên cao mà các bộ, ngành chức năng đã chấp thuận phương án kéo dài từ Ga Suối Tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến TP.Biên Hòa và TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm cho rằng nếu công trình hoàn thành đi vào hoạt động sẽ không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân của 2 địa phương, mà còn giải quyết dứt điểm ùn tắc tại nút giao ngã tư Vũng Tàu đến Suối Tiên.
“Hiện nay, mỗi ngày có rất đông người dân ở TP.Biên Hòa sử dụng phương tiện cá nhân đi TP.Hồ Chí Minh. Việc đi lại khó khăn, cộng với nhiều khu vực trên đường di chuyển thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ra không ít phiền toái cho người dân. Nếu hình thành tuyến đường sắt về đến Biên Hòa sẽ giảm tải đáng kể lượng xe cá nhân đi lại giữa 2 thành phố” - ông Liêm nhấn mạnh.
Thanh Hải
Bài 3: Tập thói quen đi xe công cộng