Kinh tế

Bài toán khó về tăng thu nhập

Không chỉ đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai còn giữ vị trí tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, điều tạo dấu ấn nhất là sự nỗ lực tăng thu nhập cho người dân...

Không chỉ đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai còn giữ vị trí tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Điều tạo dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới là sự nỗ lực trong tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Mô hình trồng rau hữu cơ tại Công ty TNHH Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc).
Mô hình trồng rau hữu cơ tại Công ty TNHH Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc).

Trong bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, tỉnh quy định tiêu chí thu nhập bình quân đầu người để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu với mức cao hơn hẳn mặt bằng chung của cả nước. Cụ thể, thu nhập bình quân năm 2017 phải đạt từ 58 triệu đồng người/năm trở lên.

* Những con số ấn tượng

Cơ sở để Đồng Nai đưa ra con số chỉ tiêu ấn tượng trên căn cứ vào sự tăng thu nhập vượt bậc của các địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Nhìn lại quá trình xây dựng nông thôn mới của Đồng Nai, mức thu nhập bình quân của các xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vào năm 2015 chỉ đạt mức từ trên 36 đến dưới 40 triệu đồng/người/năm.

Trong chuyến công tác về Đồng Nai, TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, góp ý: “Chúng tôi đề xuất địa phương lấy sản xuất làm trọng tâm, từ đó có mục tiêu, tầm nhìn trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cần định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn; xây dựng mô hình nông nghiệp khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, sản xuất theo chuỗi giá trị có doanh nghiệp đầu tàu, phát triển hợp tác xã... từng bước đặt nền móng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nếu lấy sản xuất là trọng tâm, địa phương cần đặt ra mục tiêu hết sức cụ thể về thu nhập người dân, giá trị sản xuất.

Đến năm 2017, 2 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Vĩnh Cửu và Cẩm Mỹ đều có mức thu nhập bình quân vượt bậc so với 2 năm trước đó, đều đạt trên 56 triệu đồng/người/năm, tăng hơn rất nhiều so với năm 2011 khi bắt đầu chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều địa phương tiếp tục gây ấn tượng về tiêu chí thu nhập của người dân nông thôn.

Cụ thể, xã Xuân Lập (TX.Long Khánh) nhờ cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, các loại cây chủ lực được đầu tư giống mới thay thế dần các loại giống cũ, kém năng suất, giá trị, như chôm chôm Thái, chôm chôm nhãn, sầu riêng Ri6, Monthong... Theo đó, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng trong các năm gần đây và hiện đạt mức 58,89 triệu đồng/người/năm.

Ngay cả ở những xã vùng sâu thu nhập người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cũng vươn lên dẫn đầu nhờ chuyển đổi mạnh mẽ sang những cây trồng cho lợi nhuận cao. Toàn xã đã phát triển 2.072 hécta tiêu chuyển đổi từ diện tích điều, cà phê và đất trồng cây hàng năm. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng trong các năm gần đây, năm 2017 đạt 59,7 triệu đồng/người/năm, tăng mạnh so với mức trên 38 triệu đồng vào năm 2015.

* Thiếu bền vững

Đối với các địa phương, đạt tiêu chí thu nhập ấn tượng là điều không dễ và càng khó hơn để giữ được sự bền vững. Ông Nguyễn Huy Phê, Chủ tịch UBND xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), nhận xét: “Sản xuất nông nghiệp của địa phương những năm qua tăng trưởng khá, nhưng còn thiếu tính bền vững. Nguyên nhân chủ yếu do đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, khó thu hút doanh nghiệp trong việc thực hiện chuỗi liên kết”.

Ông Phê dẫn chứng: giá bán tiêu năm 2017 giảm mạnh so với những năm trước và hiện nay chỉ còn hơn 70 ngàn đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá 180 ngàn đồng/kg của năm 2015. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân. Địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Xuân Lộc là một trong 4 huyện được chọn xây dựng mô hình điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Địa phương này cũng xác định chủ đạo là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập theo hướng hiện đại và bền vững.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh: “Ngoài việc được chọn xây dựng mô hình điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước, Xuân Lộc còn là hình mẫu của Đồng Nai về sản xuất để từ đó kéo các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh. Để phát triển bền vững phải giải quyết được bài toán khó hiện nay là sản xuất nông nghiệp vẫn bấp bênh”. 

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,993,340       429