Không đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí vận hành quá lớn như các siêu thị, nhưng cũng không quá chật chội như các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đang là một lĩnh vực nhận được nhiều nguồn vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước, với những mục tiêu đầy tham vọng nhằm phủ sóng thị trường bán lẻ từ thành thị đến nông thôn.
Cuối năm 2017, Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động cho biết đã phủ sóng gần 300 cửa hàng bách hóa Xanh tại TP.Hồ Chí Minh, và CEO công ty này cũng cho biết trong năm 2018 sẽ trình cổ đông huy động thêm vốn để mở rộng mạng lưới lên khoảng 1 ngàn cửa hàng.
Tương tự, một thương hiệu khác cũng được rót vốn đầu tư rất mạnh là Vinmart+. Tính đến cuối năm 2017, hệ thống đã có quy mô 65 siêu thị và hơn 1 ngàn cửa hàng tiện lợi tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành chuỗi bán lẻ quy mô lớn ở Việt Nam. Thương hiệu này được biết sẽ tiếp tục mở rộng lên 200 siêu thị, 4 ngàn cửa hàng vào năm 2020. Ngoài ra, các thương hiệu từ nước ngoài như: Seven Eleven, Circle K hay trong nước như: Satra, Coop Food... cũng đang ấp ủ phát triển hàng ngàn cửa hàng trong vài năm tới, phủ sóng từ thành thị đến thôn quê.
Hơn lúc nào hết, sự có mặt của những thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ “đe dọa” trực tiếp đến các sạp chợ truyền thống và những cửa hàng bách hóa tư nhân nhỏ lẻ. Đầu tiên, một siêu thị mini có đầy đủ các nhóm hàng mà một tiệm tạp hóa có thể có, và nó được đảm bảo mạnh mẽ về chất lượng - nguồn gốc - hạn sử dụng với giá cả tương đương, thậm chí hàng hóa phong phú hơn với hàng nhập lẫn hàng trong nước.
Không gian mua sắm sạch sẽ, ngăn nắp và nhiều chuỗi có phục vụ cà phê lẫn internet trong một góc cửa hàng, nhân viên thân thiện, lịch sự cũng là một yếu tố cộng thêm. Về tính tiện lợi, các chủ đầu tư với tham vọng của mình đã chọn những vị trí tốt nhất trong một khu phố, một khu dân cư đông đúc. Người tiêu dùng mua được tất cả, từ cục pin đến miếng thịt, bó rau... tại những siêu thị mini này và được tích điểm, khuyến mãi liên tục. Nhu cầu phải đến một đại siêu thị hay một khu chợ truyền thống lớn giảm dần với những bất tiện như: đường xa, phải gửi xe, xách nặng... và không thể phủ nhận, những tiểu thương và chủ tiệm tạp hóa truyền thống sẽ lo lắng nhiều khi thị phần của họ đang dần hẹp lại.
Thời báo Kinh tế Việt Nam trích một báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường uy tín cho biết tính đến quý IV-2017, số siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi ở 4 thành phố lớn của Việt Nam đã tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số chợ truyền thống không thay đổi, số tiệm tạp hóa nhỏ giảm 3%, các siêu thị và đại siêu thị tăng 7%. Và nếu không có gì thay đổi, các kênh mua sắm truyền thống dần dần sẽ khó buôn bán hơn dù nhu cầu thị trường ngày một lớn.
Vi Lâm