Kinh tế

Cẩn trọng trước diễn biến thời tiết khó lường

Những biến đổi thất thường của thời tiết trong những ngày gần đây, như: mưa nhiều vào đêm khuya kèm dông, sét khiến người dân gặp khó khăn trong sinh hoạt…

Những biến đổi thất thường của thời tiết trong những ngày gần đây, như: mưa nhiều vào đêm khuya kèm dông, sét khiến người dân gặp khó khăn trong sinh hoạt…

Người dân xã Đắc Lua, huyện Tân Phú tự câu móc điện nhưng không có thiết bị an toàn, rất nguy hiểm. Ảnh: Thúy Hằng
Người dân xã Đắc Lua, huyện Tân Phú tự câu móc điện nhưng không có thiết bị an toàn, rất nguy hiểm. Ảnh: Thúy Hằng

Đặc biệt là những cơn mưa lớn bất chợt trong đêm khiến nhiều người không kịp trở tay, đến khi phát hiện nước ngập thì đồ dùng sinh hoạt bị hư hỏng hoặc bị cuốn trôi.

* Mưa lớn lúc nửa đêm

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy dự báo từ nay đến hết năm 2017 sẽ còn khoảng 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó có 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp trên đất liền nước ta và có thể ảnh hưởng đến Đồng Nai. Đặc biệt trong tháng 9 và tháng 10 là thời điểm cuối mùa mưa nên có thể xuất hiện lốc xoáy, dông, sét. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần đề phòng bão di chuyển với cường độ mạnh, hướng đi phức tạp; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Cơn mưa lớn kéo dài rạng sáng 14-9 khiến cho hàng ngàn học sinh, công nhân bị trễ giờ do nhiều khu vực của TP.Biên Hòa ngập sâu trong nước.

Bà Phạm Thị Hằng (ngụ KP.1, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cho biết mưa lúc đêm khuya nên mọi người đều ngủ yên. Đến sáng thức dậy thấy nước ngập khắp nhà bà, nhiều vật dụng để nấu cơm cho công nhân đã bị nước cuốn trôi.

Sau trận mưa ấy, bà Hằng phải chi 50 triệu đồng để nâng nền nhà lên 60cm với mong muốn không còn bị ngập khi mưa lớn.

Ngoài gia đình bà Hằng, ở KP.1, KP.3 (phường Long Bình Tân) và ấp Hương Phước (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) có khá nhiều nhà cửa, thậm chí trường học chìm sâu trong nước. Nhiều gia đình hiện đã chuẩn bị sẵn ván, tôn để phòng khi mưa lớn sẽ làm rào chắn trước nhà nhằm hạn chế nước tràn vào nhà.

* Thận trọng với điện

Trong những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số trường hợp mất điện trên diện rộng. Điển hình là chỉ trong nửa đầu tháng 9-2017 đã xảy ra 5 sự cố liên quan đến điện do ảnh hưởng của mưa dông và sét. Trong đó, một vài trận mưa lớn kèm dông, sét đã làm đứt đường dây điện trên những tuyến đường tại các khu công nghiệp: Tam Phước, Long Thành, Gò Dầu (huyện Long Thành) khiến cho trên 10 ngàn khách hàng không có điện sử dụng.

Nhà bà Phạm Thị Hằng (ở KP.1, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) thường xuyên bị ngập khi mưa lớn nên vừa mới nâng nền nhà lên 60cm.
Nhà bà Phạm Thị Hằng (ở KP.1, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) thường xuyên bị ngập khi mưa lớn nên vừa mới nâng nền nhà lên 60cm.

Trao đổi về nguy cơ có thể xảy ra sự cố điện do thời tiết, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai Hồ Minh Quang cho biết, tai nạn điện thường xảy ra vào thời điểm mưa bão. Vì mùa này khi mưa hay kéo theo sấm chớp và sét đánh trực diện vào hệ thống điện. Dông, lốc xoáy làm cây cối hoặc các công trình dân dụng bị đổ vướng vào đường dây dẫn điện gây nguy hiểm cho người dân. Mặt khác, tình trạng người dân tự câu móc điện không đảm bảo an toàn nên dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt là những khi trời mưa lớn.

Ông Hồ Minh Quang khuyến cáo, khi có mưa bão, dông, sét mọi người cần tránh xa các khu vực nguy hiểm, như: đường dây điện, trạm điện nhằm đề phòng điện đứt, cột điện đổ, nước tràn vào trạm điện gây ra phóng điện, cháy nổ; dứt khoát không được chạm tay vào dây chằng cột điện, thùng điện kế, hộp cầu dao... vì rất dễ bị điện giật; đồng thời tắt các thiết bị thu phát sóng tivi, tách rời dây tín hiệu từ ăng-ten truyền hình ra khỏi thiết bị.

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,054,335       15