Kinh tế

Liên kết phát triển vùng Đông Nam bộ: Vẫn còn loay hoay

Tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam bộ lần thứ II-2017, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những điểm yếu cố hữu cần được khắc phục sớm của vùng kinh tế mạnh nhất của cả nước này.

Tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam bộ lần thứ II-2017 với chủ đề “Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở liên kết vùng” được tổ chức ngày 26-9  tại TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những điểm yếu cố hữu cần được khắc phục sớm của vùng kinh tế mạnh nhất của cả nước này.

Giao thông đang là vấn đề lớn cần giải quyết của vùng Đông Nam bộ. Trong ảnh: Quốc lộ 51, nơi kết nối tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh có lưu lượng giao thông rất lớn.
Giao thông đang là vấn đề lớn cần giải quyết của vùng Đông Nam bộ. Trong ảnh: Quốc lộ 51, nơi kết nối tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh có lưu lượng giao thông rất lớn.

Cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) đang chờ “giải cứu” vì tình trạng tắc nghẽn, trong khi đó Cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mới chỉ sử dụng 20% công suất. Đây là một trong những hiện trạng thể hiện sự bất cập trong liên kết của vùng Đông Nam bộ.

* Chưa phát huy hết vị trí đầu tàu

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sản xuất của vùng Đông Nam bộ chiếm hơn 40% GDP của cả nước, đóng góp tới 60% ngân sách Nhà nước. Vai trò, vị thế vượt trội của Đông Nam bộ là rõ ràng.

Vì vậy, cũng theo ông Thiên, việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy vùng Đông Nam bộ tiến vượt lên là sự lựa chọn đúng đắn để giải quyết các vấn đề phát triển của cả nền kinh tế đất nước. Vùng Đông Nam bộ có thể xem là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước, dày đặc các khu công nghiệp tập trung tập trung ở tứ giác TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và đang mở rộng xuống Long An, Tiền Giang.

Có những đóng góp lớn và lợi thế  là vậy, nhưng khu vực này đang gặp những bất cập. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đó là sự quan tâm đến phát triển vùng chưa định hình thật rõ mục tiêu vì đầu tàu, đến nay vẫn chưa có chính sách, cơ chế thực sự hỗ trợ thúc đẩy vai trò hạt nhân.

“Phát triển quốc gia và phát triển vùng vẫn bị chi phối bởi tư duy dàn hàng ngang, chia đều. Vùng Đông Nam bộ cũng có cơ chế, chính sách vận hành giống như các vùng khác trong cả nước, như vậy đầu tàu cũng như toa tàu” - ông Thiên nói.

Cũng theo đó, cơ chế phân cấp, phân quyền vùng Đông Nam bộ hiện đang không hợp lý. TP.Hồ Chí Minh đang là trung tâm phát triển vùng, dù có đủ “thế” và “lực” nhưng vẫn không thể tiến bộ vượt lên, không thể lan tỏa phát triển ra các địa phương khác, vẫn tồn tại tình trạng chia cắt, cục bộ địa phương và xung đột lợi ích, khó phối hợp liên kết.

Vấn đề này cũng được ông Vũ Phạm Thảo, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định: “Kết quả của việc liên kết vùng thời gian qua là không được cái gì, mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, thậm chí còn làm thui chột lợi thế của địa phương”.

Ông Thảo đưa ra ví dụ đối với Cảng Cái Mép - Thị Vải. Một nghịch lý là quy hoạch cảng nhưng không quy hoạch hệ thống giao thông kết nối, chính vì thế mà hiện nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư 2 tỷ USD vào Cảng Cái Mép nhưng giao thông kết nối kém nên khai thác cảng không hiệu quả. Nguyên nhân dẫn tới hạ tầng giao thông kết nối kém là thiếu “công tâm” trong việc phân bổ nguồn lực.

* “Đàn sếu” phải bay ra biển

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), vùng Đông Nam bộ cần phải phát triển theo mô hình “đàn sếu bay”, con sếu đầu đàn sẽ là TP.Hồ Chí Minh. “Sứ mệnh của vùng này phải liên kết lại để cạnh tranh với khu vực, không phải cứ luẩn quẩn cạnh tranh nội địa với nhau. Đàn sếu phải bay ra biển” - ông Lộc nói. 

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng vùng Đông Nam bộ lên tới 9 tỉnh như hiện nay là quá rộng, cần xác định lại vùng nên ở phạm vi 4 hoặc 5 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng mới có thể tập trung nguồn lực.

“Đầu tiên chúng ta phát triển vùng nhỏ trước, sau khi vùng nhỏ làm tốt thì sẽ mở rộng ra. Như hiện nay việc liên kết khá khó khăn, cần phải có tổ chức lãnh đạo vùng có quyền hạn và tiềm lực thực sự cho việc phát triển. Vấn đề này không nên cào bằng và cần tính toán quy mô phát triển của vùng trong từng giai đoạn” - ông Dũng đề xuất.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế Chính phủ, khẳng định đây là vùng kinh tế quan trọng của cả nước, ít ra phải liên kết được 4 vấn đề cụ thể: liên kết được quy hoạch; công bố kế hoạch sản xuất; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối; TP.Hồ Chí Minh phải trở thành trung tâm đào tạo khoa học chung. Giải quyết được những vấn đề đó, vùng này mới có sức bật.

Ông Lịch nhấn mạnh: “Nếu Nhà nước làm được 4 vấn đề đó thì doanh nghiệp tự ngồi lại với nhau, Nhà nước không cần can thiệp. Chức năng của Nhà nước chỉ là điều tiết cơ sở hạ tầng”.

Vân Nam

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,055,652       34