Kinh tế

Kỳ vọng cầu Cát Lái

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2, TP.Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch. Cầu Cát Lái khi được xây dựng kỳ vọng "đánh thức" vùng đất Tây - Bắc của huyện Nhơn Trạch, đặc biệt các vùng cảng của huyện sẽ được kết nối thuận tiện hơn.

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2, TP.Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch. Cầu Cát Lái khi được xây dựng kỳ vọng “đánh thức” vùng đất Tây - Bắc của huyện Nhơn Trạch, đặc biệt các vùng cảng của huyện sẽ được kết nối thuận tiện hơn.

Nhiều phương tiện đi lại qua phà Cát Lái.
Nhiều phương tiện đi lại qua phà Cát Lái.

Hiện mỗi ngày có khoảng 50 ngàn lượt người qua lại bằng phà Cát Lái. Vào những ngày lễ tết, lượng khách có thể lên đến trên 100 ngàn lượt người/ngày, khi đó khu vực này trở nên quá tải vào giờ cao điểm.

* Nối liền 2 bờ

Theo báo cáo nghiên cứu của các chủ đầu tư xin xây dựng cầu Cát Lái, điểm đầu dự án sẽ nằm tại ngã tư giao giữa đường D (Khu công nghiệp Cát Lái) với đường Nguyễn Thị Định, quận 2; điểm cuối tại đường Lý Thái Tổ, cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2km thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.

Từ nhu cầu thực tế, cách đây hơn 1 năm, UBND TP.Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái để thay thế phà hiện nay. Kiến nghị đó cũng vừa được Thủ tướng chấp thuận. Theo thiết kế, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng vượt sông Đồng Nai, nối quận 2, TP.Hồ Chí Minh với xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.

Cầu Cát Lái có tổng chiều dài cầu và đường dẫn dài 4,5km, mặt cắt ngang đường là 60m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, trong đó mặt cắt ngang cầu phù hợp với quy mô tuyến kết nối với đường đã quy hoạch. Đây là công trình đường phố chính đô thị được thiết kế vận tốc 80 km/giờ. Tại khu vực này, mỗi ngày tàu thuyền qua lại khá đông do phải ra vào Cảng Cát Lái, vì vậy cầu được thiết kế theo dạng cầu dây văng có độ tĩnh không thông thuyền lên tới 55m. Theo tính toán, tổng mức đầu tư xây dựng cầu Cát Lái dự kiến hơn 5,7 ngàn tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 1,2 ngàn tỷ đồng.

Lượng người qua phà Cát Lái khá đông.
Lượng người qua phà Cát Lái khá đông.

Dự án xây dựng cầu Cát Lái cũng được UBND tỉnh Đồng Nai rất ủng hộ. Bởi dự án không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố mà còn chao cả huyện Nhơn Trạch. Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm cho rằng tuyến đường từ Cát Lái nối với quốc lộ 51 khá quan trọng, bởi đó là tuyến đường đi lại của nhiều người dân ở 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch cũng như người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi lại TP.Hồ Chí Minh và ngược lại. Vì vậy, khi có cầu thay thế cho phà, lưu thông sẽ thuận lợi hơn nhiều.

* Kết nối dự án giao thông

Dự án xây dựng cầu Cát Lái cũng đã được một số doanh nghiệp đề nghị đầu tư xây dựng theo hình thức BOT kết hợp với BT. Đây cũng là điều kiện thuận lợi.

Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho hay nếu cầu Cát Lái được xây dựng sẽ tạo điều kiện tốt cho các xã Phú Hữu, Đại Phước và Phú Đông của huyện phát triển. Tại các huyện này, một số dự án đang thu hút đầu tư như đường liên cảng  để phát triển cụm cảng biển nhóm 5. Theo quy hoạch, tuyến đường liên cảng có chiều dài gần 15km, đi qua các xã: Đại Phước, Phú Hữu, Phú Đông, Phước Khánh và Vĩnh Thanh.

Đường sẽ kết nối 15 cảng đã và đang được đầu tư theo quy hoạch cảng biển nhóm 5 Đông Nam bộ. Ngoài ra, còn có dự án Cảng tổng hợp Phú Hữu II (đối diện Cảng Cát Lái) có chiều dài bến quy hoạch 2km, quy mô cho tàu 20 ngàn DWT và nhiều dự án khác đang chờ triển khai. Khi có cầu Cát Lái, các dự án giao thông ở đây sẽ được kết nối thuận tiện hơn cho các xã ở khu vực Tây - Bắc huyện Nhơn Trạch.

Cũng theo lãnh đạo huyện Nhơn Trạch, ngoài việc kết nối hạ tầng với các dự án cho các cụm cảng, thì cầu Cát Lái còn được kỳ vọng để phát triển các khu dân cư ở khu vực này tốt hơn. Thực tế hiện nay người dân từ TP.Hồ Chí Minh sang mua đất sinh sống tại các xã: Đại Phước, Phú Đông, Vĩnh Thanh khá nhiều, cây cầu này sẽ xóa đi ngăn cách giữa TP.Hồ Chí Minh và Nhơn Trạch.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,975,177       1,181