Kinh tế

Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp (DN) của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lần thứ 2 vào ngày 17-5 (lần 1 vào tháng 4-2016), được coi như hội nghị Diên Hồng của giới DN.

Hội nghị có lượng DN tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay: tham dự trực tiếp tại Hà Nội là 2 ngàn DN và tính chung qua các đầu cầu trực tuyến, số lượng tham gia lên đến gần 10 ngàn người.

Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: VGP
Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: VGP

Chỉ thị 20: Không kiểm tra DN quá 1 lần/năm

Đúng 13 giờ 20 ngày 17-5, sau 6 tiếng lắng nghe ý kiến cộng đồng DN và giải trình của các địa phương, bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn phát biểu kết luận hội nghị. Trong đó, đáng chú ý là một chỉ thị làm “nhẹ lòng” giới DN được ban bố ngay trong ngày mà không phải họp hành, chờ đợi gì thêm.

“Tinh thần là phải chuyển lời nói thành hành động. Tôi sẽ ký chỉ thị không thanh tra DN quá 1 lần/năm. Nếu có thanh tra đột xuất thì không được thanh tra mở rộng. Chỉ thị sẽ mang số 20” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng đã khẳng định bức tranh môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang sáng dần lên với sự hậu thuẫn hết mình của Chính phủ. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận vẫn còn khá nhiều rào cản khiến hoạt động của DN gặp khó khăn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ cam kết sẽ thực hiện 2 vấn đề chính là: kiến tạo, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho DN. Mọi thành phần kinh tế đều được đối xử như nhau và sẽ trình Quốc hội thông qua Luật DN; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tăng cường các lợi thế từng bước xây dựng thương hiệu chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các doanh nhân. Ảnh: Chinhphu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các doanh nhân. Ảnh: Chinhphu

Bên cạnh đó, DN cũng cần chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh. “Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh, tôi nhấn mạnh mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng. Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho DN và năm nay là năm giảm phí cho DN...” - Thủ tướng nói.

Gỡ nút thắt thủ tục

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Trưởng phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam, từ hội nghị gặp gỡ DN vào tháng 4-2016 đến nay, có gần 1,1 ngàn ý kiến của cộng đồng DN được tiếp nhận và chuyển đến các cơ quan nhà nước, trong đó 850 ý kiến đã được xử lý, giải quyết, đạt hơn 77%. Những ý kiến chưa xử lý chủ yếu về: môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi cơ chế chính sách.

Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ về DN, công tác cải cách thủ tục hành chính ở nhiều tỉnh, thành đạt kết quả tốt. Cụ thể, thời gian thành lập DN hiện còn khoảng 2 ngày, giảm 1 ngày. Một số tỉnh đã rút ngắn dưới 2 ngày, trong đó có Đồng Nai. Kê khai nộp thuế điện tử ở các tỉnh, thành đạt 96-100%, Đồng Nai là một trong 3 tỉnh đạt 100%.

“Tuy thủ tục hành chính đã cải thiện nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của DN. Nhiều DN vẫn than phiền về chi phí chính thức, không chính thức còn cao, DN còn bị kiểm tra nhiều. Tại Đồng Nai, có DN bị kiểm tra 3 lần/tháng, có những DN ở các địa phương khác bị kiểm tra 12 lần/năm” - ông Lộc nói.

Hành động nhanh và minh bạch

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, năm 2016 cả nước có 110,1 ngàn DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 900 ngàn tỷ đồng, và 4 tháng đầu năm 2017 có gần 40 ngàn DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký mới trên 370 ngàn tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh, xếp hạng Việt Nam tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với nhiều chỉ số tăng hạng mạnh, như: chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tăng 31 bậc, giao dịch thương mại qua biên giới đạt mức tăng 15 bậc, nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 11 bậc.

Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, có trên 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng có tâm lý lo ngại về thanh kiểm tra, thực hiện nghĩa vụ thuế nên chưa tự nguyện chuyển thành DN. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, gây khó khăn cho DN. Vẫn còn những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục hành chính mới…

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, chi phí chính thức, không chính thức của DN vừa và nhỏ còn rất cao. Để giảm chi phí chính thức, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính. Chính phủ cũng phải có quy định rõ ràng về khen thưởng, kỷ luật với các cán bộ, công chức đang giải quyết những thủ tục liên quan đến DN. Về các chính sách hỗ trợ DN, rất ít DN tiếp cận được nên Chính phủ cần có biện pháp để giúp dễ dàng hưởng các ưu đãi”.

Ngoài ra, DN cũng phải xây dựng thói quen ngăn chặn các tiêu cực. Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ có chính sách kết nối DN nước ngoài và trong nước để nhận chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Phương châm “Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp” được Thủ tướng nhấn mạnh ngay từ lúc phát biểu khai mạc với hàm ý Chính phủ sẽ kiến tạo chính sách và môi trường thuận lợi nhất có thể để DN làm ăn, khởi nghiệp. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ phải là Chính phủ hành động, “nói được, làm được” và kết quả sẽ có ngay sau hội nghị từ những kiến nghị nóng sốt của DN chứ không chờ qua hôm sau.

Vi Lâm - Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,227,242       499