Kinh tế

Siết chặt hồ sơ tách thửa đất

Từ ngày 20-4-2017, UBND tỉnh có quyết định tạm ngưng giải quyết hồ sơ tách thửa đất trên địa bàn, chờ ban hành quy định mới nhằm hạn chế tách thửa đất, sang nhượng tràn lan khó quản lý trong xây dựng.

Một khu vực thuộc phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) được tách thửa, phân lô bán nền.
Một khu vực thuộc phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) được tách thửa, phân lô bán nền.

Trước đó, cuối tháng 4-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 25/2016/QĐ-UBND, quy định diện tích tối thiểu để tách thửa đất trên địa bàn Đồng Nai. Theo đó, tách dưới 9 thửa đất không phải làm dự án, còn trên 9 thửa buộc phải làm dự án (trước đó tách dưới 25 thửa không phải làm dự án). Dù đã siết lại nhưng những khu vực đông dân nhập cư vẫn xảy ra tình trạng tách thửa, phân lô bán nền ào ạt.

* Vẫn nhộn nhịp tách thửa

Một số luật sư cho rằng hiện nay nhu cầu về nhà ở của người dân ở những nơi có khu công nghiệp phát triển rất lớn, nên tình trạng sang nhượng đất làm nhà ở sẽ tiếp tục diễn ra sôi động. Luật Đất đai không cấm việc tách thửa, chuyển nhượng để tránh hình thành các khu dân cư tự phát nhếch nhác thì các sở, ngành, địa phương liên quan có quản lý chặt từng khâu. Nếu khu vực đó phù hợp quy hoạch phát triển các khu dân cư thì nên đưa các quy định rõ ràng khi tách thửa, phân lô bán nền phải đảm bảo các tiêu chí về hạ tầng, điều kiện xây dựng nhà ở, kết nối với đường giao thông chính...

Quyết định 25 của tỉnh ban hành đã siết chặt thêm việc tách thửa đất và buộc khi tách thửa phải lên thổ cư với diện tích tối thiểu tùy theo từng khu vực, song nhiều cá nhân vẫn “lách” bằng cách xin tách thửa đất thành nhiều đợt. Sau nhiều đợt tách thửa là phân lô bán nền  ồ ạt, phía các địa phương quản lý không chặt dễ xảy ra xây dựng trái phép, hình thành các khu dân cư tự phát, phá vỡ quy hoạch.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết: “Thời gian qua, tình trạng tách thửa, phân lô bán nền tại huyện Long Thành xảy ra khá nhiều. Nhiều khu chỉ san ủi làm đường qua loa rồi sang nhượng, người dân mua đất làm nhà hình thành các khu dân cư, thiếu hạ tầng điện, nước lại yêu cầu huyện phải làm”. Việc này gây khó khăn cho huyện và phá vỡ quy hoạch các khu dân cư nên huyện Long Thành đề nghị tỉnh sớm có biện pháp quản lý chặt hơn để tránh tiếp tục xảy ra tình trạng trên. Những người dân mua đất tách thửa, phân lô bán nền phần đông là công nhân, lao động có thu nhập thấp. Khu vực diễn ra tình trạng tách thửa nhiều là TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom...

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa, cho hay: “Tình trạng ào ạt tách thửa, phân lô bán nền chủ yếu xảy ra ở những khu vực đông dân nhập cư có nhu cầu về nhà ở nhiều. Luật Đất đai không cấm tách thửa nên muốn hạn chế chỉ cần các phường, xã quản lý chặt việc xây dựng nhà ở. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện về hạ tầng, địa phương kiên quyết không cho xây dựng sẽ hạn chế được việc hình thành những khu dân cư tự phát”.

Thực tế, lâu nay ở nhiều phường, xã chính quyền còn “du di” trong quản lý xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép xảy ra tràn lan. Thời điểm tỉnh chưa tạm ngưng giải quyết hồ sơ tách thửa, có những tháng văn phòng đăng ký đất đai các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa nhận đến cả chục ngàn hồ sơ xin tách thửa.

* Giảm khu dân cư tự phát

Hiện nay, Sở Tài nguyên - môi trường đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương để hoàn thành dự thảo về tách thửa đất và trình UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến đến cuối tháng 5-2017, quyết định mới về tách thửa đất của Đồng Nai sẽ ban hành. Tuy nhiên, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đang loay hoay với lượng hồ sơ xin tách thửa đã nhận trước đó sẽ giải quyết như thế nào?

Ông Hoàng Văn Dung, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai, cho biết: “Cả tỉnh có khoảng 5 ngàn hồ sơ xin tách thửa nhận trước ngày có quy định tạm ngưng giải quyết hồ sơ tách thửa. Với những hồ sơ này, văn phòng kiến nghị tỉnh tiếp tục giải quyết”. Cũng theo ông Dung, dự thảo đang lấy ý kiến các sở, ngành rà lại những kẽ hở để siết chặt hơn. Tới đây, quyết định mới về tách thửa ban hành sẽ quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý.

Theo ý kiến của các huyện, thị, thành, văn phòng đăng ký đất đai các địa phương trực thuộc tỉnh nên quá trình tách thửa ít nắm được thông tin. Do đó, dù quyết định của tỉnh có hạn chế việc tách thửa cũng không giảm được việc tách thửa ào ạt rồi phân lô bán nền tràn lan gây khó khăn trong quản lý về xây dựng. “Huyện đề xuất tỉnh, dù chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai không còn trực thuộc phòng tài nguyên - môi trường, nhưng cũng cần có quy chế phối hợp cung cấp thông tin thường xuyên về việc tách thửa để biết và quản lý chặt hơn. Như vậy sẽ tránh được việc sau khi tách thửa sẽ phân lô bán nền rầm rộ, gây khó trong quản lý xây dựng trái phép” - Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu nói.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,995,082       550