Thời gian qua, Bộ Giao thông - vận tải và tỉnh Đồng Nai đều tập trung xử lý tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua TP.Biên Hòa. Hiệu quả đã thấy rõ, song vẫn còn tồn tại những điểm ùn tắc cục bộ cần xử lý.
Xe nối đuôi nhau nhích từng chút từ trong đường Nhà máy nước Thiện Tân ra quốc lộ 1 (TP.Biên Hòa). Ảnh: Vân Nam |
Đường tránh TP.Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp), đường chống ùn tắc (đường Điểu Xiển) đều được đưa vào sử dụng và đã giảm lượng xe qua TP.Biên Hòa đoạn Công viên 30-4 (phường Tân Biên) đáng kể, song vẫn chưa giải quyết được triệt để ùn tắc.
* Tắc ngay đầu đường
Theo Sở Giao thông - vận tải, tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân hiện mặt đường khá hẹp (khoảng 6m mặt đường). Trong thời gian tới, tuyến đường này sẽ được nâng cấp mở rộng. Tuyến đường nằm trong dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường 769 đang được chủ đầu tư nghiên cứu thực hiện. |
Trên quốc lộ 1 đoạn qua cầu Sập (phường Tân Biên), hàng ngày vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Anh Nguyễn Hữu Thuận, nhà ở gần chợ Sặt và làm việc tại Khu công nghiệp Amata, cho biết tại giao lộ giữa quốc lộ 1 và đường Điểu Xiển thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. “Khu vực ngã ba này khá hẹp, mỗi khi xe container hoặc xe tải lớn chở hàng từ đường Điểu Xiển rẽ về hướng cầu Đồng Nai là các phương tiện trên quốc lộ 1 phải dừng chờ khá lâu. Xe lưu thông trên đường Điểu Xiển hiện tại rất đông, không còn ít như trước nữa nên tình trạng kẹt xe ở ngã ba này gia tăng” - anh Thuận nói.
Quả thực, trên tuyến đường Điểu Xiển đoạn đi qua một khu công nghiệp ở phường Long Bình, lượng xe ra vào chở hàng khá đông. Gần đây, UBND tỉnh cho nâng cấp tuyến đường này kéo dài đến huyện Trảng Bom để giảm ùn tắc cho quốc lộ 1 đoạn qua các phường Tân Biên, Tân Hòa, lượng xe lại càng tăng mạnh.
Xe nối đuôi nhau nhích từng chút từ đường Nhà máy nước Thiện Tân ra quốc lộ 1 (TP.Biên Hòa). |
Cũng trên quốc lộ 1, cách khu vực cầu Sập không xa, khu vực ngã ba đường vào Nhà máy nước Thiện Tân là một áp lực với người qua lại nơi đây. Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dương Lộc Phú Vina (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) có nhà máy tại Cụm công nghiệp phường Tân Hòa, cho biết dù không phải giờ cao điểm nhưng xe từ trong đường Nhà máy nước Thiện Tân ra cũng nối đuôi nhau kéo dài cả cây số, nhích từng chút một. Cũng theo ông Dũng, tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân hiện lượng xe rất đông, không chỉ xe ra vào Cụm công nghiệp Tân Hòa mà còn nối với các cụm công nghiệp từ huyện Vĩnh Cửu. Đường hẹp, xe lại nhiều nên nơi đây khó tránh khỏi ùn tắc.
* Chưa có giải pháp
Theo thống kê của Sở Giao thông - vận tải, trên tuyến quốc lộ 1 từ cầu Đồng Nai đến đầu tuyến tránh TP.Biên Hòa (huyện Trảng Bom) có 6 điểm ùn tắc giao thông. Trong thời gian qua, Bộ Giao thông - vận tải đã xử lý được 3 điểm là: nút giao ngã tư Vũng Tàu, vòng xoay Tam Hiệp và ngã tư Amata; còn lại 3 điểm là nút giao Điểu Xiển - quốc lộ 1, đường Nhà máy nước Thiện Tân - quốc lộ 1 và ngã ba Trị An (huyện Trảng Bom). Theo quy định, các tuyến quốc lộ do Bộ Giao thông - vận tải quản lý. Vì vậy, việc xây dựng các công trình nút giao chống ùn tắc tại các nút giao này thuộc thẩm quyền của Bộ.
Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết 3 điểm ùn tắc này sở cũng đã đưa đại diện Bộ Giao thông - vận tải đi khảo sát, tuy nhiên đến nay chưa thấy có phản hồi về phương án xử lý. “Thấy được tình trạng kẹt xe nhiều từ Công viên 30-4 đến địa phận huyện Trảng Bom, tỉnh đã làm tuyến đường Điểu Xiển để giảm lưu lượng xe cho quốc lộ 1 đi qua các phường Tân Biên, Tân Hòa, nhưng do mặt đường quốc lộ hẹp nên thường xuyên bị kẹt xe” - ông Thành chia sẻ.
Theo đánh giá của Sở Giao thông - vận tải, việc xử lý các điểm kẹt xe trên sẽ khó khăn hơn so với các nút giao đã xử lý do mặt đường quốc lộ khá hẹp và dân cư đông. Tại 3 giao lộ cần phải xử lý ùn tắc giao thông này đều là cửa ngõ vào các khu công nghiệp nên lượng xe ngày một đông, rất cần có phương án xử lý sớm.
Vân Nam