Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong mùa mưa năm nay sẽ có 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta và bão vào nửa cuối mùa mưa hay vào các tỉnh phía Nam...
Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2017 diễn biến phức tạp. Trong mùa mưa năm nay sẽ có 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta và bão vào nửa cuối mùa mưa hay vào các tỉnh phía Nam, có thể xuất hiện siêu bão.
TP.Biên Hòa triển khai làm hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Ái Quốc để chống ngập trong mùa mưa 2017. |
Ngày 28-4, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
* Thiệt hại khoảng 32 tỷ đồng
Theo ông Đoàn Thanh Chung, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam, năm 2016 thiên tai làm cả nước có hơn 280 người chết, thiệt hại hơn 39 ngàn tỷ đồng, trong đó khu vực phía Nam thiệt hại gần 4.600 tỷ đồng. So với các địa phương, Đồng Nai thiệt hại do thiên tai về người và tài sản ít hơn. Tuy nhiên, mùa mưa năm nay thời tiết có thể sẽ có nhiều bất thường hơn mọi năm nên tỉnh phải chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai kỹ càng, để khi xảy ra tình huống xấu kịp thời cứu hộ, cứu nạn, giảm thiệt hại về người và tài sản. |
Năm 2016, tuy Đồng Nai không có bão nhưng xảy ra 13 đợt mưa lớn và 8 trận lốc xoáy làm 3 người chết, 400 căn nhà bị sập, tốc mái và ngập úng. Mưa, lốc xoáy còn làm thiệt hại hơn 200 hécta cây trồng và gây ngập úng nhiều đoạn đường làm giao thông tê liệt trong nhiều giờ liền. Trong mùa khô có gần 4.400 hécta cây trồng thiếu nước sản xuất và gần 900 hộ ở vùng cao thiếu nước sinh hoạt. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 ở Đồng Nai khoảng 32 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ.
Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Nai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, nhận định năm 2017 thời tiết khá bất thường vào mùa mưa, có thể xảy ra mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất; còn mùa khô 2017-2018 có thể xảy ra hạn, xâm nhập mặn nhiều hơn”. Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết khó dự báo và cực đoan hơn.
Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, nói: “Tổng lượng mưa năm 2017 tương đương mọi năm, song năm nay sẽ có những cơn mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn nên rất dễ gây ngập lụt ở những khu vực đông dân cư, thoát nước kém. Bên cạnh đó, mưa cực lớn trong thời gian ngắn có thể gây ra sạt lở đất, lũ quét ở những vùng cao, gần sông suối”.
* Chủ động giảm thiệt hại
Đầu tháng 4-2017, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN tỉnh, các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa triển khai công tác PCTT-TKCN năm 2017. Để giảm thiệt hại do thiên tai xuống mức thấp nhất, các địa phương phải chủ động trong công tác phòng chống lụt bão và thiên tai. Lên phương án phòng chống, rà soát lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để đảm bảo an toàn cho người, tài sản khi thiên tai xảy ra.
Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, nhấn mạnh: “Hiện tượng lốc xoáy thường không dự báo được, đặc biệt là mưa đá. Do đó, các địa phương, người dân nên chú ý theo dõi thời tiết, khi thấy xuất hiện mưa lớn cần đề phòng dông, lốc xoáy, lũ quét”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chỉ đạo: “Đồng Nai là tỉnh ít xảy ra bão, lũ nhưng các địa phương không được lơ là trong công tác phòng chống thiên tai. Chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở nhất là các địa bàn xung yếu; xác định các vùng trọng điểm nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, những đối tượng dễ bị tổn thương để đưa vào phương án ứng phó phù hợp”. Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị, thành rà soát lại quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước, nhất là các khu đô thị để có phương án khắc phục nhanh tình trạng ngập úng khi mưa lớn.
Hương Giang