Kinh tế

Tìm cách "giải cứu" heo Đồng Nai

Ngày 27-4, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm trưởng đoàn đã làm việc với chính quyền và doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi của Đồng Nai, bàn giải pháp gỡ khó cho người nuôi heo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám làm việc tại Công ty TNHH Koyu & Unitek. Ảnh: B.Nguyên
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám làm việc tại Công ty TNHH Koyu & Unitek. Ảnh: B.Nguyên

Điều bất hợp lý của thị trường hiện nay là giá heo tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi đã xuống “chạm đáy” trong khi giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao hơn gấp nhiều lần. Việc rút ngắn khâu phân phối, giảm giá bán lẻ để kích cầu thị trường thịt heo cần được thực hiện ngay.  Ngoài ra, các giải pháp để giảm tổng đàn, nhất là đàn nái; tổ chức cấp đông hoặc tăng cường chế biến để giảm áp lực thừa; có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho người chăn nuôi; giảm giá thức ăn chăn nuôi và giảm chi phí đầu vào để tăng sức cạnh tranh cho chăn nuôi nội... cần được thực hiện nhanh và đồng bộ.

Nông dân lỗ, khâu trung gian lãi lớn

Theo ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, hiện các siêu thị đã giảm 5% giá thịt heo và cam kết sẽ điều chỉnh giảm 20% giá thịt heo trong vài ngày tới. Sở Công thương sẽ tiến hành ngay việc tổ chức các điểm bán thịt an toàn, giá rẻ vào các khu công nghiệp, các phiên chợ công nhân.

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết hiện tổng đàn heo của Đồng Nai còn khoảng 1,7 triệu con, giảm hơn 16% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, cán cân cung - cầu của thị trường chăn nuôi vẫn mất cân đối khiến thời gian gần đây giá heo hơi vẫn tiếp tục rơi tự do. Thời điểm này, giá heo hơi bán ra tại trại dao động từ 22-24 ngàn đồng/kg, giảm hơn một nửa so với thời điểm giá heo đạt đỉnh vào năm ngoái. Người nuôi heo đang lỗ từ 7-11 ngàn đồng/kg heo bán ra. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chịu mức lỗ cao nhất vì chi phí đầu vào cao hơn, trong khi giá bán thường ở mức thấp hơn so với các trang trại lớn.

Điều bất hợp lý nhất hiện nay của thị trường thịt heo là khâu phân phối vẫn đang có lợi nhuận “khủng” dù ngành chăn nuôi lâm vào khủng hoảng. Theo ông Báu, mỗi kg thịt heo bán ra, các khâu trung gian đang thu lợi từ 44-64 ngàn đồng. Cụ thể, thương lái mua heo tại trại với giá 24 ngàn đồng/kg. Sau khi giết mổ đến tay các tiểu thương, hộ kinh doanh thịt với giá 36 ngàn đồng/kg, nhưng bán lẻ đến tay người tiêu dùng mức giá trên đã bị đẩy lên đến 80 ngàn đồng/kg. “Chúng tôi khảo sát tại một số chợ thấy sức mua không giảm, thậm chí còn tăng lên. Sức tiêu thụ thịt heo tại các chợ truyền thống, các khu công nghiệp vẫn rất tốt, chúng ta nên nhắm vào các thị trường này trong việc tiêu thụ thịt heo, gà. Vấn đề là phải rút ngắn khâu phân phối để có mức giá hợp lý mới “kích” được sức mua” - ông Báu nói.  

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chỉ rõ khâu bán lẻ tại các siêu thị, chợ truyền thống đang hưởng lợi nhuận “đậm” nhất. Ông Công so sánh: “Thương lái mua heo tại trại, bỏ chi phí vận chuyển, giết mổ... chỉ mong muốn cộng thêm 15 ngàn đồng/kg thịt heo cho mọi chi phí và lợi nhuận. Tiểu thương mua heo tại chợ đầu mối là 35 ngàn đồng/kg nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 80 ngàn đồng, cao hơn giá mua sỉ đến 45 ngàn đồng/kg”.

Giảm áp lực tồn kho

Các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi thì chủ yếu tập trung “hiến kế” để tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm cân bằng lại cán cân cung - cầu cho thị trường thịt heo. Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (TP.Biên Hòa), chia sẻ vào đầu năm 2017 giá gà cũng giảm cực kỳ thấp. Khi đó với những đàn gà tới lứa, công ty quyết định giết mổ rồi cấp đông dự trữ và vài tuần sau đó thị trường dần hồi phục lại. Theo ông Tuấn: “Với con heo cũng vậy, những công ty lớn nên quan tâm đến giải pháp cấp đông, giảm áp lực nguồn cung; đồng thời thực hiện đồng bộ với những nhóm giải pháp khác thì thị trường sẽ dần được cân bằng lại”.

Đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), cho rằng việc cần làm ngay lúc này là phải đẩy việc giảm tổng đàn heo. C.P cũng đang khuyến cáo những trang trại trong chuỗi hợp tác với doanh nghiệp mạnh tay loại những đàn nái đã đẻ từ 5-6 lứa và C.P sẽ hỗ trợ tái đàn nái. Ngoài việc tiêu thụ heo quá tải trọng, nên khuyến khích tiêu thụ heo sữa loại 7kg, 20kg thì sẽ tác động nhanh hơn đến việc giảm áp lực nguồn cung. C.P cũng đang tăng cường cho khâu chế biến để giảm áp lực thị trường.  

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh) có chuỗi trang trại chăn nuôi heo, gà, cơ sở giết mổ ở Đồng Nai, cho rằng: “Biện pháp nhanh nhất là giảm giá bán lẻ thịt heo để kích cầu sức mua ở chợ truyền thống, vì ở đây chuyển động thì thị trường chung sẽ chuyển động theo”.

Giảm giá thành đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi bằng cách tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Trong đó, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm; đầu tư chế biến, mở thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi... được cho là giải pháp căn cơ, lâu dài để ngành chăn nuôi vượt qua khủng hoảng. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, các cơ quan truyền thông phải có trách nhiệm tuyên truyền để ổn định tình hình, thực tế thị trường dư cung nhưng có yếu tố tâm lý bị tác động. Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam bộ có điều kiện thuận lợi và thế mạnh đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đang xúc tiến việc xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản. Đồng Nai cần tiếp tục sát cánh với doanh nghiệp đạt mục tiêu xuất khẩu tốt vào thị trường này. Hiện nay, sân nhà cũng là thị trường quốc tế, tỉnh nên quan tâm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào khâu bảo quản, chế biến, đa dạng sản phẩm chăn nuôi ở phân khúc cao cấp, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo đầu ra bền vững cho ngành chăn nuôi.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,999,282       439