Kinh tế

Kiến trúc Biên Hòa qua góc nhìn của những người có nghề

Những ngày cuối năm 2016 se se lạnh. Ngồi nhâm nhi cà phê ở một quán ven sông Đồng Nai, một số kiến trúc sư (KTS), họa sĩ đều cho rằng đô thị Biên Hòa giờ đã "sáng" hơn…

Những ngày cuối năm 2016 se se lạnh. Ngồi nhâm nhi cà phê ở một quán ven sông Đồng Nai,  một số  kiến trúc sư (KTS), họa sĩ  đều cho rằng đô thị Biên Hòa giờ đã “sáng” hơn…

Một góc Biên Hòa.
Một góc Biên Hòa.

Mở đầu câu chuyện, KTS Nguyễn Văn Tất - người con vùng đất Biên Hòa, thừa nhận tốc độ phát triển đô thị Biên Hòa thời gian qua khá nhanh.

* Cần giữ bản sắc

Theo KTS Tất, những năm gần đây Biên Hòa đã được “lột xác” thấy rõ. Đó là những khu nhà khang trang, chung cư cao tầng, đường sá ngày càng phát triển; nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động thu hút hàng trăm ngàn lao động từ các địa phương khác đến sinh sống, lập nghiệp… đã thể hiện thành phố thực sự là nơi đáng sống. Điều này cho thấy Biên Hòa là vùng đất “lành” với những điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế thuận lợi. 

Cùng nhận định như KTS Nguyễn Văn Tất, KTS Nguyễn Mạnh Dũng (Phó chủ tịch Hội KTS tỉnh) cho rằng với bề dày hơn 300 năm tuổi, diện mạo Biên Hòa hôm nay đã chuyển mình với những quy hoạch phù hợp với sự phát triển chung của đất nước. Tốc độ đô thị hóa ở Biên Hòa đã thúc đẩy kinh tế phát triển, người dân có cuộc sống cao hơn. Dạo trước, Biên Hòa nhìn từ trên cao chỉ thấy nhà ở lỗ chỗ từ vô số mảng đỏ, đen, vàng, trắng chắp vá... Giờ đây, diện mạo Biên Hòa đã đổi thay chóng mặt với những công trình cao tầng hiện đại - loại kiến trúc cách đây vài thập kỷ trước ít ai nghĩ đến. Cùng với nhu cầu nhà ở tiện nghi thì mức sinh hoạt cao hơn là tất yếu. Hiện nay, điện, nước sạch dường như không thiếu; trường, trạm y tế đã đáp ứng yêu cầu của người dân. Dạo trước, vật dụng điện tử đối với phần lớn gia đình được xem là hàng hiếm, còn nay các loại máy móc, như: quạt, ti vi thế hệ mới, tủ lạnh… không còn là xa lạ với mọi người. “Bước phát triển của Biên Hòa thời gian qua ai cũng thấy. Đây là điều tất yếu của một đô thị loại I. Tuy nhiên, theo tôi kiến trúc về một thành phố năng động như Biên Hòa phải bảo đảm hài hòa 3 yếu tố: giữ được bản sắc, hiện đại và không gian sống chất lượng. Cái cần hiện nay là phải xác định bảo tồn bản sắc là gìn giữ cái gì? Bản sắc không phải là cái gì đó quá lớn lao, chẳng hạn: cù lao Phố, Thành Kèn, Gò Me, Khám Tân Hiệp… chính là cái “hồn” nhất thiết phải giữ cho Biên Hòa” - KTS Dũng nói.

* Đau đáu kiến trúc đô thị

Say mê cảnh quan sông nước, KTS Hà Duy Thạch, Phó chủ tịch Hội KTS tỉnh, có phần day dứt khi 2 bên bờ sông Đồng Nai vẫn chưa được đầu tư đúng mức: “Đây là “của trời” cho rất giá trị. Tôi nghĩ rằng, quy hoạch kiến trúc đô thị Biên Hòa đẹp nhất một khi khai thác được vẻ đẹp của 2 bờ sông, bởi nó là một phần “hồn” gắn bó với cuộc sống dân dã và tâm thức của rất nhiều người Biên Hòa” - KTS Thạch nhấn mạnh.

Cùng tâm trạng như KTS Thạch, nhưng bằng con mắt nghệ thuật của một họa sĩ, ông Nguyễn Háo Thoại (nguyên Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai) có góc nhìn khá sắc sảo về bản sắc vùng đất Biên Hòa hơn 300 năm tuổi. Theo ông Thoại, thành phố cần phải giữ gìn, tôn tạo và không đánh đổi những công trình di sản kiến trúc và đô thị thời thuộc địa, như: Nhà Xanh, Thành Kèn, Trường Nguyễn Du, Trường Ngô Quyền… Bởi đó là quỹ tài sản vật chất lớn lao, đồng thời là vốn kiến trúc và văn hóa đặc biệt quý hiếm, một thành tố cấu thành cơ ngơi và diện mạo cho kiến trúc đô thị Biên Hòa mà nhiều nơi không có được.

Trăn trở về một thành phố đáng sống, KTS Nguyễn Văn Tất chia sẻ thêm: “Kiến trúc đô thị Biên Hòa theo hướng nào còn tùy thuộc vào ứng xử văn hóa của người làm quy hoạch. Nhưng theo tôi, khi xây dựng đề án cho tương lai nên có sự tham gia của giới chuyên môn, đồng thời lãnh đạo lắng nghe ý kiến của họ. Thông thường, những người trong nghề có cái nhìn “tĩnh” hơn, đặc biệt là những người từng sinh ra và sống tại Biên Hòa sẽ cảm nhận được sâu về giá trị nơi họ đã sinh ra và lớn lên”…

Tâm huyết và mong muốn đóng góp bằng chuyên môn của mình để xây dựng TP.Biên Hòa đẹp hơn, những thế hệ KTS từng sống và đang sống ở Biên Hòa vẫn đau đáu với quê hương mình...

Nhận định về hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết đến nay việc xây  dựng đô thị loại I đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn tiếp theo, thành phố tiếp tục điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở rộng quy mô, không gian đô thị để tiếp tục đưa thành phố trở thành nơi đáng sống, trong đó ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, chất lượng dịch vụ được cải thiện. Đáng chú ý, thành phố sẽ đầu tư các công trình công cộng, tạo những khoảng không gian xanh, như: công viên, tượng đài, hệ thống cây xanh, vườn hoa; giữ gìn và không ngừng phát huy nếp sống văn hóa, văn minh đô thị… Mục tiêu của thành phố không chỉ là trung tâm kinh tế chính trị quan trọng của tỉnh mà phải trở thành một thành phố trọng điểm phía Nam, kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,230,398       1,050