Kinh tế

Đồng Nai xác lập kỷ lục xuất siêu mới

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai tuy không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, song đây lại là năm tỉnh đạt kỷ lục về xuất siêu với trên 2,1 tỷ USD, chiếm trên 65% xuất siêu của cả nước.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai tuy không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng,  song đây lại là năm tỉnh đạt kỷ lục về xuất siêu với trên 2,1 tỷ USD, chiếm trên 65% xuất siêu của cả nước.

Giày dép cũng là ngành xuất siêu cao vì nguyên liệu trong nước đáp ứng được 90%. Trong ảnh: Sản phẩm giày thể thao của Công ty TNHH Nam Bình (huyện Vĩnh Cửu).
Giày dép cũng là ngành xuất siêu cao vì nguyên liệu trong nước đáp ứng được 90%. Trong ảnh: Sản phẩm giày thể thao của Công ty TNHH Nam Bình (huyện Vĩnh Cửu).

Theo Sở Công thương, tăng trưởng xuất khẩu của Đồng Nai cũng như cả nước năm 2016 chịu sự cạnh tranh mạnh từ những nước trong khối ASEAN, Ấn Độ và Trung Quốc nên một số mặt hàng xuất khẩu buộc phải giảm giá. Tuy nhiên, bù lại năm 2016, Đồng Nai xuất siêu cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu cao chứng tỏ nguồn cung nguyên liệu trong nước đang tăng và doanh nghiệp đã chú ý nhiều hơn đến việc tìm mua các nguyên liệu trong nước để sản xuất.

Tăng cung nguyên liệu trong nước

Đồng Nai có nhiều mặt hàng chủ lực có xuất siêu cao; trong đó giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ, cà phê chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Riêng cà phê chỉ có xuất đi mà không nhập về, mang về hơn 580 triệu USD. 4 mặt hàng còn lại các doanh nghiệp tìm được nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước nên giảm dần nhập khẩu. Điều đặc biệt là khi có nguồn nguyên phụ liệu trong nước để sản xuất, khi doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vào những thị trường Việt Nam đã ký kết những hiệp định thương mại tự do sẽ chủ động và dễ dàng được hưởng các ưu đãi về thuế.

Xuất siêu cao được nhìn nhận là do Chính phủ, tỉnh đã có chính sách để thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ từ vài năm trước. Theo nhiều doanh nghiệp, trước đây có những đơn hàng dệt may, giày dép, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ 85-95%, song nay nhiều đơn hàng nguyên liệu trong nước đã cung ứng được từ 40-60%. Ở một số ngành hàng, giá nguyên liệu sản xuất trong nước tương đương hoặc cao hơn không đáng kể so với nhập khẩu. Do đó, nhiều doanh nghiệp trong nước thường ưu tiên mua hàng nội địa.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa), cho hay: “Công ty chuyên may quần áo các loại để xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Những năm trước, nhiều đơn hàng phải nhập khẩu nguyên liệu đến trên 90%, song hiện nay nguyên liệu trong nước đã đáp ứng gần một nửa. Nguyên liệu trong nước có sẵn sẽ giúp doanh nghiệp giảm thời gian, công vận chuyển nên sẽ chủ động hơn trong sản xuất”.

Không chỉ may mặc, một số công ty sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu cũng đang chú ý tìm nguồn cung nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước để giảm nhập khẩu nguyên liệu. “Sản phẩm gỗ gia dụng của công ty sản xuất ra chủ yếu xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Mấy năm trước, gỗ để sản xuất công ty phải nhập khẩu từ nhiều nước. Song 2 năm trở lại đây, công ty đã tìm nguồn cung là gỗ rừng trồng trong nước và giảm nhập khẩu” - ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hố Nai (TP.Biên Hòa), cho hay. Các doanh nghiệp thành lập mới, tăng vốn tại Đồng Nai những năm gần đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong thu hút đầu tư từ nước ngoài cũng có không ít doanh nghiệp nhỏ, lớn đến Đồng Nai đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ để cung ứng cho các công ty tại Việt Nam và xuất khẩu.

Sẽ thêm kỷ lục mới?

Một số chuyên gia kinh tế đánh giá xuất siêu tại Đồng Nai những năm tới sẽ còn tăng vì thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh 2-3 năm lại đây khá cao, trong đó có nhiều dự án lớn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, trong 2 năm trở lại đây ở Đồng Nai có nhiều dự án vốn “khủng” đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ hầu hết đã đi vào sản xuất, như: Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai với vốn đầu tư 660 triệu USD;  Công ty TNHH Kuk IL Việt Nam, Công ty TNHH Dong IL Việt Nam, Công ty TNHH Dongwon Textile Việt Nam với vốn đầu tư từ 52-60 triệu USD, chuyên sản xuất sợi, vải cung cấp cho thị trường nội địa, xuất khẩu. Ngoài ra, Tập đoàn Kenda (Đài Loan) đầu tư thêm nhà máy sản xuất vỏ ruột xe ô tô, xe máy, xe đạp với tổng vốn 160 triệu USD; Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (Nhật Bản) có vốn gần 112 triệu USD sản xuất các thiết bị điều khiển tự động, các loại xi lanh, van, cụm van, đế van...

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng nhận xét: “Xuất khẩu của Đồng Nai năm 2016 tăng khoảng 8%, chậm lại so với năm trước, nhưng bù lại xuất siêu của Đồng Nai lại gấp gần 2 lần. Năm 2017, dự tính xuất siêu của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao do nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước đang dần được cải thiện”.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định, nếu nguyên liệu sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, giá tương đương với nhập khẩu họ sẽ chuyển qua mua hàng trong nước. Đây chính là tin tốt cho những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,231,164       1,132