Kinh tế

Chậm đầu tư thoát nước ngoài khu công nghiệp

Đồng Nai hiện vẫn còn nhiều nơi chưa có hệ thống thoát nước mưa, nước thải ở phía bên ngoài các khu công nghiệp (KCN).

Điều này có thể gây ô nhiễm và ngập úng cục bộ làm ảnh hưởng đến người dân sống gần đó, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến các KCN.

Suối Cầu Quan (TP.Biên Hòa) nhiều năm bị bồi lắng nên nước thoát rất kém khi có mưa lớn, cộng với nước thải từ các khu công nghiệp đổ ra thường gây ngập khu vực gần suối.
Suối Cầu Quan (TP.Biên Hòa) nhiều năm bị bồi lắng nên nước thoát rất kém khi có mưa lớn, cộng với nước thải từ các khu công nghiệp đổ ra thường gây ngập khu vực gần suối.

Theo Sở Xây dựng, có khoảng 11 dự án thoát nước thải, nước mưa ngoài các KCN trên địa bàn tỉnh đang cần vốn, cần giải phóng mặt bằng nhanh để triển khai xây dựng. Chậm triển khai các dự án này sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm và ngập úng cho dân cư những khu vực gần KCN và cả ở trong KCN.

Gây ngập và ô nhiễm

Huyện Xuân Lộc hiện cũng có KCN Xuân Lộc chưa xây dựng xong hệ thống thoát nước ngoài KCN. Dự án này làm chậm, nước thải trong KCN sẽ đổ vào hồ Gia Măng là nơi trữ nước tưới cho nông nghiệp, có thể ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước. KCN Dầu Giây (huyện Thống Nhất) cũng chưa có hệ thống thoát nước ngoài KCN nên khi mưa lớn thường gây ngập các vùng lân cận. KCN Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) cũng chưa hoàn thành hệ thống thoát nước ngoài KCN.

3 nơi có nhiều KCN đang cần ưu tiên vốn triển khai nhanh các hệ thống thoát nước ngoài KCN để đảm môi trường và hạn chế ngập lụt trong mùa mưa là: TP.Biên Hòa, 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Trong đó, các KCN Amata, Loteco, Biên Hòa 2, Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa) đã có đường ống dẫn nước mưa, nước thải sau xử lý từ ranh các KCN ra suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan. Nhưng 3 con suối này đều đang quá tải nên vào mùa mưa thường xảy ra ngập úng tại những vị trí cửa xả của các KCN gây bức xúc cho nhiều người dân sống gần đó. Nguyên nhân là do các dòng suối trên nhiều năm bị bồi lắng, dòng chảy thu hẹp, nước thoát không kịp nên khi mưa lớn nước dâng lên gây ngập. Muốn khắc phục được tình trạng quá tải khi tiếp nhận nước thải từ các KCN thì cần phải triển khai nhanh dự án chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan.

Huyện Long Thành hiện có 3 KCN thiếu hệ thống thoát nước phía ngoài KCN là: Long Đức, An Phước và Lộc An - Bình Sơn. Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Tấn Hưng cho biết: “Huyện đang đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để giữa năm 2017 có thể đấu thầu, thi công dự án suối Nước Trong. Khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng được thoát nước thải, nước mưa cho KCN Long Đức, An Phước và tránh ngập úng vào mùa mưa”.

Trong khi đó, Nhơn Trạch có 7 KCN thì 4 KCN: Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 5, Nhơn Trạch 6 và Ông Kèo cũng chưa hoàn thành hệ thống thoát nước ngoài KCN. Do đó, vào mùa mưa chỉ cần mưa lớn chừng 20 phút trở lên là nhiều con đường trong các KCN, nhất là KCN Nhơn Trạch 1 và một số khu dân cư gần các KCN bị ngập nặng do nước thải thoát không kịp, dẫn đến nước thải chảy lòng vòng tự thấm vào đất, nguy cơ ô nhiễm rất cao.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, bày tỏ: “Chúng tôi mong tỉnh ưu tiên vốn thi công nhanh các hệ thống thoát nước ngoài hàng rào KCN để không ảnh hưởng đến hoạt động của các KCN. Những KCN của Đồng Nai khi đi vào hoạt động đều có hạ tầng bên trong hoàn chỉnh thì không lẽ nào lại để vì thiếu hệ thống thoát nước phía ngoài mà gây ngập úng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp”.

Sẽ ưu tiên vốn

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, ban quản lý đang thực hiện 5 dự án thoát nước phía ngoài hàng rào các KCN để tiếp nhận nước thải từ các KCN, vốn để triển khai những dự án trên hơn 1.500 tỷ đồng. Vướng mắc lớn nhất khiến các dự án này triển khai lâu, 4-6 năm chưa hoàn thành là do thiếu vốn và bồi thường giải phóng mặt bằng chậm. Những dự án trên nếu giao đất sạch sớm và bố trí đủ vốn thì chỉ thi công khoảng 6-18 tháng là hoàn thành. Như vậy, hệ thống thoát nước ngoài các KCN sẽ hoàn chỉnh, sẽ không xảy ra ngập úng ở một số KCN, khu dân cư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu: “Sở Xây dựng cùng các địa phương rà lại tất cả hệ thống thoát nước ngoài hàng rào KCN và cho tách riêng hệ thống nước mưa, nước thải để kiểm soát kỹ, tránh trà trộn có thể gây ô nhiễm. Tỉnh sẽ ưu tiên vốn thực hiện nhanh các hệ thống thoát nước ngoài KCN để hạn chế ô nhiễm khu vực xung quanh và ngập lụt trong mùa mưa”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng khuyến khích các công ty đầu tư hạ tầng KCN ứng vốn ra làm hệ thống thoát nước mưa, nước thải ngoài hàng rào KCN để hệ thống thoát nước được kết nối đồng bộ. Sau đó, tỉnh sẽ hoàn lại vốn xây dựng bằng cách trừ vào tiền thuê đất của doanh nghiệp. Quá trình thi công các dự án thoát nước nên làm từ hạ lưu trước và ngược dần lên trên khu vực xả thải sẽ giảm được ngập lụt; nếu như làm từ trên xuống sẽ như chiếc túi chứa nước khi đầy sẽ trào ra gây ngập cho khu vực phía thượng nguồn xả thải.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,232,765       656