Kinh tế

Đưa nông sản vào thị trường TP.Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ chính của các loại nông sản, đặc biệt là sản phẩm thịt gia súc, gia cầm lớn của Đồng Nai.

Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh để tiếp cận và đứng vững tại thị trường này cũng không nhỏ.

Sản phẩm đặc sản bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) tham gia hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành diễn ra trong 2 ngày 25 và 26-11.
Sản phẩm đặc sản bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) tham gia hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành diễn ra trong 2 ngày 25 và 26-11.

Việc hình thành các chuỗi sản phẩm an toàn liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ không chỉ vì mục tiêu bán được sản phẩm mà còn góp phần bình ổn thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu ngày càng được nông dân, doanh nghiệp (DN) quan tâm.

Thị trường lớn

Theo Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, ước tính mỗi ngày thị trường TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10 ngàn con heo thịt và 3 triệu tấn rau, củ, quả...Trong đó, sản phẩm chăn nuôi đa phần đều do các tỉnh, thành cung cấp, trong đó nguồn cung lớn nhất là Đồng Nai.

Dây chuyền giết mổ gà tại huyện Trảng Bom của Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh).
Dây chuyền giết mổ gà tại huyện Trảng Bom của Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh).

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, so sánh thời điểm heo xuất đều đi thị trường Trung Quốc thì đạt trung bình 1 ngày từ 2-3 ngàn con, thấp hơn rất nhiều so với sức tiêu thụ của thị trường TP.Hồ Chí Minh là khoảng 6 ngàn con/ngày. Mặt khác, thị trường Trung Quốc lại quá bất ổn nên cả chủ trang trại và DN trong ngành chăn nuôi càng quan tâm, chăm chút hơn cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. “Trước đây, khi xảy ra các đợt “sốt” giá heo do thương lái Trung Quốc ồ ạt gom heo và ưu tiên thu mua heo có trọng lượng lớn từ 1,2 - 1,5 tạ/con, nhiều chủ trại tập trung vỗ béo, trữ heo đạt trọng lượng trên mới xuất chuồng mong đạt lợi nhuận cao hơn. Nhưng khi nhận thấy thị trường Trung Quốc ngày càng bất ổn, các chủ trại đều chủ động xuất chuồng khi heo đạt 90-100kg theo chuẩn tiêu thụ của thị trường TP.Hồ Chí Minh để tránh rủi ro bị tồn hàng, lỗ vốn” - ông Đoán cho biết thêm.

Ngoài mặt hàng thịt heo và thịt gia cầm, TP.Hồ Chí Minh cũng là thị trường đầy tiềm năng tiêu thụ các loại nông sản, trái cây, rau củ mà Đồng Nai nhắm đến. Dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) giai đoạn 1 đã được khởi công xây dựng. Dự kiến, chợ bắt đầu hoạt động vào tháng 6-2017. Trong giai đoạn 1, chợ đầu mối này có diện tích khoảng 2 hécta, quy mô 216 vựa và ki-ốt kinh doanh rau, củ, quả... với tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 50 tỷ đồng. Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất (TP.Biên Hòa), chủ đầu tư dự án, cho biết: “Hiện 216 vựa và ki-ốt trong chợ đều đã có tiểu thương đăng ký, chủ yếu là tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ đầu mối của TP.Hồ Chí Minh hiện nay đang gặp khó khăn do tình trạng quá tải nên có nhu cầu mở thêm vựa mới”. Vị trí dự án nằm ngay giao điểm quốc lộ 20 và quốc lộ 1, lại kết nối với nhiều tuyến đường cao tốc rất thuận lợi đưa hàng đi TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác là lợi thế không nhỏ để dự án thành công. Sau giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ tiếp tục triển khai đầu tư giai đoạn 2 diện tích gần 7 hécta, quy mô 500 điểm kinh doanh, trong đó mở rộng thêm ngành hàng gia súc, gia cầm với tổng kinh phí đầu tư 172 tỷ đồng.

Siết chặt kiểm soát chất lượng

Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn, TP.Hồ Chí Minh còn là nơi nông dân, DN tiếp cận với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản sạch. Ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ trang trại đi tiên phong trong thực hành chăn nuôi theo quy trình VietGAP tại Đồng Nai và hiện đã phát triển được hệ thống 8 trang trại chăn nuôi với quy mô đàn khoảng 300 ngàn con gà thịt.  Ông còn hợp tác đầu tư thành lập cơ sở giết mổ Lifsap tại Đồng Nai, 100% sản phẩm của đơn vị đều cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thanh Phi Long chia sẻ: “Tôi hợp tác thành lập Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình tại TP.Hồ Chí Minh, mở chuỗi cửa hàng bán gà sạch vì đây là thị trường tiêu thụ lớn, người tiêu dùng lại rất quan tâm đến dòng thực phẩm sạch. Suốt hơn 10 năm theo đuổi chăn nuôi VietGAP, sản phẩm của trang trại không được thị trường biết đến vì chủ yếu bán cho thương lái hoặc cung cấp cho các DN chế biến khác. Nhưng khi DN trở thành đơn vị đầu tiên được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn về sản phẩm gà thịt tại thị trường TP.Hồ Chí Minh, thì thương hiệu gà Long Bình nhanh chóng được thị trường biết tiếng. Tôi đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá thị trường Tết Nguyên đán 2017 của TP.Hồ Chí Minh cũng vì mục tiêu xây dựng thương hiệu riêng cho thị gà VietGAP Đồng Nai”.

Liên kết sản xuất theo hướng an toàn dần trở thành yêu cầu bắt buộc cho nông dân, DN khi muốn tiếp cận và có chỗ đứng tại thị trường TP.Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, thành phố đang triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo. Điểm nổi bật của đề án này ngoài việc tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nguồn gốc thịt về thị trường thành phố của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng sẽ tham gia trực tiếp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Hòa dẫn chứng: “Ở đây, quản lý chất lượng sẽ đi vào chiều sâu vì gắn với sản phẩm ra thị trường là tên tuổi các trang trại, DN giết mổ, kinh doanh nên họ tự nâng cao trách nhiệm của mình. Chúng tôi sẽ công khai danh tính các đơn vị vi phạm để người tiêu dùng thể hiện quyền chọn lựa và tẩy chay sản phẩm không an toàn. Từ năm 2017, thành phố sẽ áp dụng đại trà việc kiểm soát, truy nguyên nguồn gốc với sản phẩm thịt gia cầm, rau củ quả”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,057,343       44