Kinh tế

Cứ tiện là… họp chợ

Tại TP.Biên Hòa chỉ có 23 chợ được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, còn hàng chục chợ tự phát ở những khu đông dân cư, gần các công ty, xí nghiệp đang hoạt động, lấn chiếm lòng lề đường, cản trở giao thông và gây kẹt xe vào giờ cao điểm.

Đã gần trưa nhưng nhiều người bán hàng khu vực gần chợ Biên Hòa vẫn tràn ra cả đường để bán hàng.
Đã gần trưa nhưng nhiều người bán hàng khu vực gần chợ Biên Hòa vẫn tràn ra cả đường để bán hàng.

Theo Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, những chợ tự phát được giao cho các phường, xã xử lý. Với lực lượng có hạn, việc dẹp các chợ tự phát trên địa bàn các xã, phường không dễ. Khi có lực lượng kiểm tra thì chợ tự phát tạm giải tán, nhưng khi lực lượng kiểm tra vừa rút đi chợ lại họp bình thường. Thực phẩm bán tại các khu chợ tự phát thường là không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh.

Mọc lên tràn lan

Tại nhiều phường, xã, chợ tự phát mọc lên tràn lan, có những phường có 3-4 chợ tự phát nằm ở các khu đông dân cư. Nguyên nhân chính khiến chợ tự phát vẫn còn “đất sống” và khó dẹp là vì nhiều người dân có thói quen tiện đâu mua đó, chưa quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng của thực phẩm. Do đó, việc dẹp các chợ tự phát không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng mà đòi hỏi cả ý thức của người dân trong mua sắm. Nếu như người dân chỉ chọn mua sắm thực phẩm, hàng hóa rõ nguồn gốc tại các chợ truyền thống, trung tâm mua sắm, đại lý thì chợ tự phát sẽ tự dẹp, vì cầu không có sẽ không có cung.

Những khu vực có nhiều chợ tự phát là các phường: Long Bình, Tân Phong, Trảng Dài, xã Hóa An... Có những nơi chợ tự phát nằm ngay gần các chợ lớn.

Mặc dù chợ Hóa An (ở xã Hóa An) nằm ngay cạnh đường Nguyễn Ái Quốc rất thuận tiện cho mua bán, song gần bên chợ vẫn “mọc” lên 3 chợ tự phát, vào buổi sáng, chiều khi công nhân sắp vào ca, tan ca. Chợ tự phát này mua bán tấp nập, có hôm lấn hết nửa  đường khiến các phương tiện lưu thông qua khu vực này rất khó khăn. Bà Lê Thị Thanh (ấp Cầu Hang, xã Hóa An, TP.Biên Hòa) cho hay: “Khu vực gần chợ Hóa An vào buổi sáng và chiều nhiều người bán hàng tràn cả ra đường Nguyễn Ái Quốc, chiếm hết nửa đường khiến người đi xe máy muốn qua được phải lấn sang làn xe ô tô rất nguy hiểm. Tình trạng này kéo dài nhiều năm mà chưa dẹp xong”. Dù biết hàng hóa tại các chợ tự phát không đảm bảo, nhưng nhiều người lao động ham rẻ vẫn mua nên chợ tự phát triển ở nhiều nơi tại TP.Biên Hòa cũng như các huyện có các khu công nghiệp.

Tại các con đường gần chợ Biên Hòa, 2 vỉa hè hầu hết bị lấn chiếm để bán hàng hóa các loại. Vào buổi sáng sớm, trưa, chiều, người bán hàng còn tràn xuống cả lòng đường gây cản trở giao thông. Nhiều người tiêu dùng vì ngại gửi xe vào chợ nên thường tạt vào ngay ven đường khu vực gần chợ mua rau củ quả, thực phẩm tươi sống, dẫn đến việc dẹp các tụ điểm mua bán tự phát này không được. Bà N.T.M., tiểu thương bán cá gần chợ Biên Hòa, cho hay: “Tôi thường bán cá dạo ven đường ở gần chợ Biên Hòa. Sáng sớm tôi ngồi bán tại vỉa hè Công viên Nguyễn Văn Trị, đến trưa và chiều thì dời vào ven đường của khu vực chợ phụ. Nếu hôm nào có lực lượng kiểm tra thì tôi tạm lánh đi chỗ khác, khi họ đi rồi lại bán tiếp. Dù biết làm vậy là vi phạm, nhưng vì nghèo khó đành mưu sinh bằng cách này”.

Khó dẹp

Thực tế, lực lượng chức năng cũng nhiều lần ra quân dẹp chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường tại các phường, xã, song khi lực lượng chức năng vừa rút đi thì người dân lại kéo hàng hóa ra bán. Thực phẩm bán tại chợ tự phát hầu hết không có dấu kiểm dịch và không rõ nguồn gốc.

Bà Trần Thị Chung, Chủ tịch UBND phường Trảng Dài, nói: “Phường có 110 ngàn dân nhưng chưa xây dựng được chợ theo quy hoạch nên đã phát sinh 4 chợ tự phát. Trước đây, các chợ tự phát hoạt động rất bát nháo, lấn chiếm lòng lề đường thường gây kẹt xe vào giờ cao điểm. Biết là dẹp chợ tự phát không được nên hơn 1 năm nay, phường lắp camera theo dõi và tạm thời cho bán khu vực phía trong thuộc nhà dân”. Cũng theo bà Chung, việc theo dõi, xử lý giao trực tiếp cho công an phường. Qua hệ thống camera theo dõi nếu phát hiện người nào bán hàng lấn chiếm lòng lề đường, Tổ an toàn giao thông sẽ xuống xử lý. Do đó, chợ tự phát hoạt động bớt xô bồ. Tuy nhiên, muốn dẹp được chợ tự phát trên địa bàn phường phải xây dựng được 3-4 chợ phù hợp và thuận tiện với mua sắm của người dân.

Ông Phạm Công Uẩn, Phó chủ tịch UBND xã Hóa An, chia sẻ: “Xã có 3 chợ tự phát đang hoạt động. Gần 1 tháng nay, ngày nào xã cũng ra quân để dẹp, nhưng lực lượng vừa rút đi là chợ tự phát lại hoạt động trở lại. Lực lượng của xã có hạn, trong khi còn nhiều công việc khác phải làm nên không thể ngày nào cũng ra quân dẹp chợ tự phát”. Theo dõi việc xử lý những người dân bán hàng ở các khu vực chợ tự phát không dễ. Người bán chỉ có xe đẩy, rổ, thau, tấm vải bạt để hàng hóa, khi lực lượng chức năng xuất hiện là họ giải tán rất nhanh. “Từ nay đến Tết Nguyên đán 2017, xã sẽ cử lực lượng sáng, chiều trực tại các chợ tự phát để những người bán hàng không có nơi bán phải nản mà bỏ” - Phó chủ tịch UBND xã Hóa An Phạm Công Uẩn cho biết thêm. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, có thể chợ tự phát sẽ tạm giải tán trong khoảng thời gian các phường, xã ráo riết kiểm tra, xử lý. Sau đó, khi hết đợt cao điểm ra quân kiểm tra sẽ hoạt động lại.

Chuyện chợ tự phát dẹp rồi lại mọc lên không chỉ riêng TP.Biên Hòa mà các địa phương khác có khu công nghiệp, đông người lao động sinh sống, như: huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu cũng  nhan nhản và chưa tìm ra cách dẹp tận gốc. Các chợ tự phát tồn tại ngoài gây mất an toàn giao thông, còn là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Uyển Nhi

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,057,310       35