Kinh tế

Gỡ hạn điền cho cánh đồng lớn

Đồng Nai được đánh giá là một trong những tỉnh, thành thuộc nhóm đầu của cả nước trong việc triển khai thành công các dự án cánh đồng sản xuất lớn.

Tiêu biểu có cánh đồng lớn: ca cao, mía, điều, tiêu... bước đầu đã hình thành được những vùng chuyên canh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với mô hình sản xuất riêng lẻ.

Cánh đồng lớn cây mía tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) vẫn thu hoạch thủ công do bị ngăn cách bởi các bờ bao nên vẫn chưa được đưa máy móc vào thay thế.
Cánh đồng lớn cây mía tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) vẫn thu hoạch thủ công do bị ngăn cách bởi các bờ bao nên vẫn chưa được đưa máy móc vào thay thế.

Tuy nhiên, các dự án cánh đồng lớn chỉ mới dừng lại ở việc hình thành được chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất vẫn còn hạn chế vì những cánh đồng lớn đã hình thành vẫn bị ngăn bờ, tách thửa.

Cánh đồng lớn vẫn… chưa lớn

Theo số liệu từ Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu), riêng Đồng Nai đã giảm hơn 1 ngàn hécta đất trồng mía vì nông dân chuyển đổi sang các cây trồng khác có thu nhập cao hơn. Cụ thể, năng suất mía bình quân của Đồng Nai niên vụ 2015 - 2016 ước đạt 60,8 tấn/hécta. Riêng dự án cánh đồng lớn cây mía xã Trị An, năng suất đạt cao hơn hẳn, trên 80 tấn/hécta. Nhưng hiệu quả này chưa thực sự thuyết phục vì dự án vẫn sản xuất bằng thủ công.

Bà Trần Quế Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa (TP.Biên Hòa), cho biết Tập đoàn Thành Thành Công đã triển khai hiệu quả dự án cánh đồng lớn rộng hơn 800 hécta ở tỉnh Tây Ninh, đưa máy móc thay sức người từ khâu làm đất, chăm sóc, tưới tiêu đến thu hoạch. Chi phí sản xuất giảm, trong khi năng suất mía đạt trên 100 tấn, thậm chí 120 tấn/hécta. DN đã có sẵn máy móc, như: hệ thống tưới, máy thu hoạch... và sẵn sàng tổ chức đưa về tận ruộng của nông dân. “Nhưng khi triển khai dự án cánh đồng lớn tại xã Trị An, mọi khâu sản xuất hầu như vẫn bằng thủ công. Chúng tôi đã họp dân nhiều lần và kiến nghị lên chính quyền địa phương gỡ khó vì cánh đồng lớn này vẫn bị tách nhỏ bởi những bờ, bao chia ranh giới đất của các hộ dân. Ngày nay, chúng ta dễ dàng định vị thửa đất của các hộ dân bằng công nghệ, chúng tôi mong người dân thay đổi nhận thức về vấn đề liên kết và chính quyền địa phương cũng tích cực vào cuộc san bằng các bờ, các thửa thì DN mới đưa các máy móc lớn xuống đồng được” - bà Trang nói.

Thiếu quỹ đất với quy mô lớn là khó khăn chung của các DN đang đầu tư hoặc có kế hoạch triển khai dự án cánh đồng lớn ở Đồng Nai. Theo đó, việc đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất thay sức người vẫn là câu chuyện dài hơi. Chủ một DN từng nhiều năm kiên trì đầu tư dự án cánh đồng lớn cho cây lúa tại huyện Vĩnh Cửu chia sẻ: “Tôi đã nhiều năm kiên trì theo đuổi đầu tư các dự án cánh đồng lớn, chất lượng cao cho cây lúa tại Đồng Nai. Nhưng hiện tôi đang phải tạm dừng chương trình vì gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc tập trung diện tích quy mô lớn để ứng dụng đồng bộ kỹ thuật, máy móc là điều không dễ. Nhiều dự án chỉ có khoảng 50-70 hécta mà có cả trăm bờ, bao ngăn cách để phân biệt diện tích giữa các hộ dân. Có dự án chỉ cần 1-2 hộ nông dân không tham gia chuỗi liên kết là không thể hình thành được cánh đồng liền mạch”.

Doanh nghiệp gặp khó về quỹ đất

Đồng Nai có nhiều vùng chuyên canh cây điều, xoài, tiêu... với diện tích cả ngàn hécta nhưng khi triển khai dự án cánh đồng lớn, DN vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tập trung quỹ đất. Ông Phan Đình Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên nông sản Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), nhận xét: “Hiện chúng tôi có các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề rót vốn cho DN xây dựng vùng nguyên liệu chuối già xuất khẩu. Đồng Nai đã có sẵn những vùng chuyên canh cây chuối ở huyện Thống Nhất và Trảng Bom. Nhưng chúng tôi vẫn chưa triển khai được dự án nào tại Đồng Nai mà phải lặn lội đi các tỉnh, thành khác để làm dự án”. Theo ông Khoa, nguyên nhân là vì giá thuê và mua đất nông nghiệp ở Đồng Nai cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung cả nước, chọn hướng liên kết với nông dân cũng không dễ vì do thiếu lòng tin và cả ràng buộc pháp lý, hợp đồng giữa 2 bên dễ dàng bị phá vỡ.

Để giải bài toán này, DN rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước gỡ những vướng mắc về: đất đai, nguồn vốn, xây dựng chuỗi liên kết... Trong đó, vấn đề cốt lõi mà chính sách cần tập trung tháo gỡ là bỏ rào cản về hạn điền, khuyến khích tích tụ ruộng đất hoặc có chính sách ưu tiên cho DN thuê quỹ đất công để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Chia sẻ về vấn đề này, TS.Phan Hiếu Hiền, chuyên gia trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam, cho rằng: “Cơ giới hóa là để làm với quy mô lớn, thế mà đồng ruộng ở Việt Nam vẫn manh mún với những lô, thửa vài trăm mét vuông.  Việc dồn điền đổi thửa đáng lẽ chúng ta phải làm sớm hơn. Nhằm hướng đến thị trường lớn, đòi hỏi cơ giới hóa để có chất lượng đồng đều, giá thành hạ, nhưng chúng ta cũng chưa làm được vì một yếu tố khách quan cản trở khác là mối liên kết giữa DN và nông dân còn quá lỏng lẻo”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,243,341       2,441