Kinh tế

Doanh nghiệp nước ngoài đổ vào logistics

Trong khi doanh nghiệp logistics (tạm hiểu là dịch vụ hậu cần cho hàng hóa) trong nước còn khá yếu thì doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã nhìn thấy "vùng đất" màu mỡ này và nhanh chóng chen chân vào.

Trong khi doanh nghiệp logistics (tạm hiểu là dịch vụ hậu cần cho hàng hóa) trong nước còn khá yếu thì doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã nhìn thấy “vùng đất” màu mỡ này và nhanh chóng chen chân vào. Những lợi thế mà doanh nghiệp ngoại có được vượt trội hơn hẳn so với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là về quy mô, vốn, kinh nghiệm.

Công nhân của Trung tâm phân phối SG Sagawa Nhơn Trạch kiểm kim tại kho hàng.
Công nhân của Trung tâm phân phối SG Sagawa Nhơn Trạch kiểm kim tại kho hàng.

Gần đây, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực logistics, đặc biệt từ Nhật Bản, đang trở nên sôi động. Có những doanh nghiệp bề dày hoạt động gần 100 năm đã chọn “đổ bộ” vào huyện Nhơn Trạch đầu tư xây dựng trung tâm kho vận phục vụ logistics.

“Chớp” cơ hội

Chia sẻ về những cơ hội mà các nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang nhắm vào thị trường logistics Việt Nam, ông Satoshi Nakajima, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ chí Minh, cho biết đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang được duy trì ở mức độ cao và số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày một tăng, chỉ riêng khu vực phía Nam hiện có hơn 1,3 ngàn doanh nghiệp Nhật Bản đến làm ăn. Số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam sẽ còn tăng, vì vậy ngành logistics rất cần thiết và đây là cơ hội tốt của các doanh nghiệp logistics Nhật Bản. “Tôi nghĩ doanh nghiệp logistics Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam hiện nay sẽ gặp cạnh tranh rất mạnh, nhưng không sao vì sẽ tạo nên sự phát triển” - ông Satoshi Nakajima nói.

Nhiều nhận xét khác của chủ doanh nghiệp trong và ngoài nước ở lĩnh vực logistics cũng đồng quan điểm với Tổng lãnh sự Nhật Bản. Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, cho rằng các doanh nghiệp logistics ngoại hiện đang làm chủ cuộc chơi tại thị trường Việt Nam. Ông Hưng dẫn chứng, chỉ có khoảng 25 doanh nghiệp logistics nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhưng chiếm lĩnh tới 80% thị phần. Ông Hưng trăn trở: “Các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics của Việt Nam phần lớn là nhỏ và rất khiêm tốn về vốn, bên cạnh đó tính liên kết với nhau lại rất yếu”. Cũng từ thực tế đó, các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực logistics đã tìm thấy những cơ hội tốt để đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

“Vùng lõi” logistics ở Nhơn Trạch

Giữa năm 2015, Công ty TNHH Sankyu Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) đã tổ chức khai trương Trung tâm kho vận Logistics tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). Trung tâm kho vận của Sankyu Việt Nam rộng 2 hécta được xây dựng trên tổng diện tích 3 hécta với số vốn đầu tư 12,4 triệu USD. Tập đoàn Sankyu được biết đến trong lĩnh vực logistics với bề dày gần 100 năm và có vài chục công ty con đang hoạt động ở khắp nơi trên thế giới. Chia sẻ về việc đầu tư Trung tâm kho vận Logistics tại Nhơn Trạch, lãnh đạo của Sankyu Logistics Việt Nam cho hay, nơi đây có vị thế rất quan trọng cho hoạt động logistics tại phía Nam như gần TP.Hồ Chí Minh, cảng biển, đường cao tốc và sắp tới là Sân bay Long Thành. Đây được xem như “vùng lõi” của ngành logistics phía Nam trong tương lai gần.

Mới đây, Công ty TNHH SG Sagawa Việt Nam (Tập đoàn SG Holding Global chuyên hoạt động logistics tại Nhật Bản) cũng không để lỡ cơ hội, đã xây dựng và đưa Trung tâm phân phối SG Sagawa Nhơn Trạch (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) vào hoạt động. Trung tâm có tổng diện tích hơn 4 hécta, trong đó diện tích sàn gần 3 hécta với tổng số vốn đầu tư 20 triệu USD. Trung tâm này được xem là có hệ thống kho bảo quản hàng hóa lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đặc biệt với kho lạnh rộng 2,3 ngàn m2 có nhiệt độ âm 250C. “Có thể nói, Nhơn Trạch là vị trí thuận lợi bậc nhất để làm trung tâm phân phối vận chuyển ở phía Nam của Việt Nam. Từ đây có thể kết nối với các nơi khá thuận tiện thông qua hệ thống đường cao tốc, đường thủy, cảng biển và sắp tới là đường hàng không” - ông Shimasaki, Giám đốc Công ty SG Sagawa Việt Nam, nói.  Lãnh đạo SG Sagawa Việt Nam còn cho biết thêm công ty sẽ đẩy mạnh cả hoạt động vận chuyển hàng hoá tiêu dùng nội địa.

Khắc Giới

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        2,243,137       2,259